01:14 03/01/2015

Lạc quan xuất khẩu năm 2015

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa hết khó khăn nhưng kết thúc năm 2014, xuất khẩu (XK) hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước vẫn đạt kết quả vượt sự mong đợi. Từ đà thành công này, rất nhiều doanh nghiệp tin tưởng sẽ lại tiếp tục một mùa bội thu mới cho XK của đơn vị mình.

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước chưa hết khó khăn nhưng kết thúc năm 2014, xuất khẩu (XK) hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước vẫn đạt kết quả vượt sự mong đợi. Từ đà thành công này, rất nhiều doanh nghiệp tin tưởng sẽ lại tiếp tục một mùa bội thu mới cho XK của đơn vị mình.

Đạt khoảng 150 tỷ USD

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch XK của 11 tháng năm 2014 cả nước đã tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 14%. Đặc biệt khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng khoảng 13%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 3% cùng kỳ năm 2013. Tính chung 11 tháng, kim ngạch XK của cả nước ước đạt hơn 137 tỷ USD. Vui hơn nữa là sau 2 tháng liên tục nhập siêu, tháng 11 cả nước đã xuất siêu khoảng 440 triệu USD, góp phần nâng mức thặng dư thương mại từ đầu năm đến hết tháng 11/2014 đạt khoảng 2,9 tỷ USD. Với tình hình XK lạc quan trên, dự báo XK năm nay sẽ đạt khoảng 150 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, XK của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự khởi sắc của kinh tế nước nhà.

Xuất khẩu trong thời gian tới có nhiều tín hiệu lạc quan.


Ấn tượng nhất có lẽ thuộc về các doanh nghiệp ngành dệt may khi kim ngạch XK năm 2014 có thể sẽ đạt 24,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013 và là mức tăng mạnh nhất trong vòng ba năm qua. Hiện ngành đã có được các đơn hàng đa dạng, từ nhiều quốc gia khác nhau. Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy hầu hết các thị trường của ngành đều có mức tăng trưởng cao. “Cụ thể, thị trường Hàn Quốc tăng 32%, EU tăng 19%, Mỹ tăng 15%, Nhật Bản tăng 14%... So với chỉ tiêu đã đăng ký, dự kiến kết thúc năm nay ngành sẽ vượt kế hoạch từ 0,5-1 tỷ USD, đạt mức tăng khoảng 16%. Dù chưa sang năm mới nhưng hiện rất nhiều doanh nghiệp đã có lượng đơn hàng sản xuất, gia công kín đến quí I, quí II”, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

Chung niềm vui với ngành dệt may có thể kể đến nhóm hàng thủy sản khi thủy sản Việt Nam đang nằm nhóm đầu thế giới về nuôi trồng và đứng thứ 4 trên toàn cầu về XK. Dự kiến, năm nay, tổng kim ngạch XK thủy sản cả nước đạt hơn 7,7 tỷ USD, chiếm 6 - 7% giá trị kim ngạch XK cả nước, tăng hơn 18% so với năm 2013. Dù có nhiều bất đồng, rào cản về thuế quan, các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm… nhưng Mỹ vẫn duy trì vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Những thị trường truyền thống còn lại như: Nhật Bản, Hàn Quốc… đều tăng từ 7 - 43%

Cơ hội rộng mở

Tại Diễn đàn XK 2014 “Định hướng thị trường và sản phẩm XK Việt Nam” được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng nhờ những hiệp định song phương và đa phương về thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường cho hàng XK Việt Nam. Cụ thể hơn 2 tháng qua, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán 3 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới, gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và gần nhất là Liên minh Hải quan Belarus - Kazakhstan - Nga. Phía đối tác đã cam kết dành thị trường với thuế suất ưu đãi bằng 0% cho toàn bộ sản phẩm thủy sản, sản phẩm công nghiệp giày dép, phần lớn sản phẩm trong lĩnh vực dệt may và cho một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè... và các mặt hàng chế biến khác.

Dệt may đã có nhiều đơn hàng mới cho năm 2015.



“Với 3 thị trường này, trong đó Liên minh châu Âu là 500 triệu dân, Hàn Quốc hơn 40 triệu dân và Liên minh Hải quan 170 triệu dân sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ hàng hóa lớn, góp phần đẩy mạnh được sản xuất và XK của các doanh nghiệp Việt Nam. Tính toán sơ bộ của chúng tôi, trong thời gian tới tăng trưởng kim ngạch giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ ở mức từ 12 - 15%, với Hàn Quốc là khoảng 15%...”, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho hay.

Riêng FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Belarus - Kazakhstan - Nga vừa kết thúc đã mở ra một thị trường rộng lớn và tương đối ổn định cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua các lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa Việt Nam đã có thể dễ dàng tiếp cận thị trường và các quốc gia đối tác. Đặc biệt đối với hàng tiêu dùng, đây cũng là thị trường không quá khó tính, nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu đa dạng... Việc ký kết Hiệp định sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường Liên minh sớm hơn các đối tác khác bao gồm những điều kiện ưu đãi hơn. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa ổn định như hiện nay điều này sẽ là tác nhân tích cực góp phần giúp doanh nghiệp đẩy mạnh XK hàng hóa, dịch vụ. Tính toán sơ bộ của ngành chức năng, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch thương mại của hai bên sẽ tăng bình quân 18-20%/năm, đạt mức 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020.

Không chủ quan

Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là có tốc độ XK ổn định khi dựa vào uy tín của công ty mẹ và tận dụng tốt các chủ trương, chính sách của nước sở tại. Các doanh nghiệp trong nước do chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh thấp, XK qua trung gian… đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường. Muốn phát triển XK bền vững, cần đẩy mạnh tái cấu trúc và mở rộng thị trường XK của Việt Nam trong thời gian tới. Để làm được điều này doanh nghiệp cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, tận dụng tốt những ưu đãi, thuận lợi khách quan do các cam kết FTA mang lại…

“Chính phủ chỉ tạo những thuận lợi trong khuôn khổ chính sách vĩ mô, phát huy lợi ích đó phải từ chính các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không làm tốt điều này, các ưu đãi trên sẽ rất dễ rơi vào tay người khác. Vì vậy ngay từ lúc này, bản thân doanh nghiệp phải tăng năng lực cạnh tranh, tranh thủ các cơ hội XK mà chính sách mang lại…”, ông Lịch nói thêm.
Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng dù kim ngạch XK đang đạt cao nhưng các doanh nghiệp không nên chủ quan mà phải chuẩn bị tốt hơn nữa cả về lượng và chất. Trong môi trường kinh doanh năng động và hội nhập sâu như hiện nay, việc liên kết vào chuỗi cung ứng để nắm bắt cơ hội giao thương là việc làm vô cùng quan trọng. Đơn cử ở ngành dệt may, các doanh nghiệp phải làm sao nâng cao được năng suất, chất lượng, tiến độ sản xuất và giá cả cạnh tranh. Đây là yếu tố sống còn trong XK và muốn thực hiện được các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cao trình độ quản lý…

Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết dù gặp thuận lợi trong các năm tới nhưng ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu cao theo tiêu chuẩn quốc tế như sản phẩm thủy sản bền vững, tăng các đòi hỏi về truy nguyên nguồn gốc… “Giải pháp để cạnh tranh quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp XK thủy sản nước ta là phải cạnh tranh bằng con đường chất lượng hàng hóa. Khi các nước nhập khẩu đang có xu hướng đa dạng nhà cung cấp, chúng ta phải tính đến xu thế bền vững, lâu dài là cạnh tranh phải bằng chất lượng mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng lâu dài”, ông Hòe kết luận.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa