03:10 07/03/2011

Lá cờ trên sa mạc và tinh thần người Việt

Quãng đường hơn 200 km chúng tôi đi từ thành phố Djarba đến trại tị nạn nằm ở khu vực biên giới Res Jedire (giữa Tuynidi và Libi) thật thanh bình và lãng mạn.

Quãng đường hơn 200 km chúng tôi đi từ thành phố Djarba đến trại tị nạn nằm ở khu vực biên giới Res Jedire (giữa Tuynidi và Libi) thật thanh bình và lãng mạn.


Trải dọc hai bên đường là cát trắng và những cây ôliu trĩu quả rợp bóng mát, một hình ảnh thật trái ngược với hình dung của nhiều người về vùng sa mạc "nổi danh" với nắng cháy và bão cát.

Ít ai nghĩ rằng nơi đây cũng vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị tương tự như đang diễn ra ở Libi và một số nước Trung Đông và Bắc Phi. Tuy nhiên những cảm xúc đó của chúng tôi chẳng kéo dài được lâu ngay khi đặt chân đến trại tị nạn, nơi có hàng chục nghìn người đang tá túc trong những căn lều bạt được dựng san sát nhau ở một địa điểm do Chính phủ Tuynidi bố trí cho họ trong suốt những ngày qua.


Họ là nạn nhân của cuộc khủng hoảng chính trị ở Libi và buộc phải chạy sang nước láng giềng Tuynidi. Tiếng nói, cười, la lối với đủ loại ngôn ngữ khác nhau vang vọng cả một vùng sa mạc rộng lớn.

Khu vực lều trại của người lao động Việt Nam tại biên giới Tuynidi - Libi.


Tại khu vực lán trại của người lao động Việt Nam, hình ảnh ấn tượng nhất với tôi chính là lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió sa mạc vùng biên ải. Nó tượng trưng cho tinh thần bất khuất của người Việt Nam dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng vượt qua.


Nụ cười vẫn nở trên môi các lao động Việt Nam trong khó khăn. Lạc quan, song điều mong mỏi nhất với mọi người ở đây lúc này không gì khác là sớm được trở về quê nhà. Với chất giọng đặc trưng của người con xứ Nghệ, anh Hoàng Văn Tiến ở Tân Kỳ, Nghệ An, xúc động cho biết: "Sau khi vượt qua bao nhiêu hiểm nghèo từ Tripôli (thủ đô Libi) về tới đây, tôi xác định là mình đã có cơ hội trở về với gia đình rồi, vì thế tôi bàn bạc cùng với anh em là hãy cùng đoàn kết một lòng, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ nhau vượt qua thử thách của số phận, dù sống ở đâu mình cũng phải giữ vững khí tiết của người Việt".

Chúng tôi rời khu vực biên giới Res Jedire với tâm trạng cảm động và phấn khởi biết bao khi chứng kiến tinh thần đoàn kết, vui vẻ của những người lao động Việt Nam. Và càng vui hơn nữa vì biết được chẳng bao lâu nữa những người lao động đang ở đây sẽ được chuyên cơ của Chính phủ đưa về nước trong thời gian sớm nhất.

Tấm lòng cao cả của những người bạn Tuynidi

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 1.000 lao động Việt Nam tại Libi tạm trú ở Tuynidi trở về với gia đình nơi quê nhà. Dù rằng họ phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng có một điều chắc chắn họ sẽ không bao giờ quên, đó là sự giúp đỡ chí tình của chính phủ Tuynidi, sự quan tâm, chăm sóc và thương yêu đùm bọc của những người dân hết sức bình dị ở vùng đất Bắc Phi xa xôi này.


Từ trại tị nạn ở khu vực biên giới Tuynidi và Libi cho đến sân bay Zarzis, những người lao động Việt Nam tá túc trước khi về nước đều được đón nhận tình cảm nồng ấm từ các nhân viên công vụ cho đến các tình nguyện viên Tuynidi. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ những người tị nạn chẳng quản ngày đêm vất vả.

Có mặt tại Tuynidi trong những ngày này, tôi đã có dịp thường xuyên tiếp xúc với chị Saman Rumanzowle, nhân viên công vụ của chính phủ Tuynidi làm việc tại sân bay Zarzis. Kể từ những ngày đầu tiên khi các lao động Việt Nam được đưa về đây cho tới nay, chị luôn căng sức ra để giúp đỡ họ.


Từ việc tổ chức quyên góp thức ăn, nước uống cho đến việc thu xếp hành lý, chuẩn bị làm thủ tục xuất cảnh cho người lao động Việt Nam, chị đều rất hăng hái. Với tác phong khiêm tốn, giản dị, chị nói: "Đó là những việc ít nhất chúng tôi có thể giúp đỡ người Việt Nam cũng như những người khác đến tị nạn tại đây”. “Qua tiếp xúc với người lao động Việt Nam, chúng tôi thấy họ rất cởi mở và dễ mến, chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ họ” - chị nói thêm.

Điều dễ nhận thấy nhất ở sân bay Zarzis những ngày này là cứ đến bữa là có hàng chục người dân mang vác thức ăn tới khu vực nhà chờ - từ những nồi súp còn nóng hổi cho tới những sọt cam vàng rộm... tất cả là để trợ giúp cho người tị nạn. Anh Semissi Hamjed, một trong số những người tích cực chuyển hàng cứu trợ nhất cho biết, nhà anh ở cách sân bay 2 km, nhưng hàng ngày anh và các bạn đều đi quyên góp lương thực để mang đến đây.


Anh hồ hởi cho hay, anh rất hạnh phúc khi được giúp đỡ những người tị nạn, bất kể họ là người Ai Cập, Bănglađét hay Việt Nam, nhưng được yêu mến nhất là người Việt Nam. Quả thật, có tận mắt chứng kiến mới thấy hết được tình cảm chân thành của người Tuynidi dành cho những người lao động Việt Nam.


Dù là sĩ quan quân đội, công chức nhà nước, hay dân thường, họ đều sẵn sàng giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn, hoạn nạn một cách vô tư, không vụ lợi. Tấm lòng của những người bạn Tuynidi chắc chắn sẽ làm những người lao động Việt Nam cảm thấy ấm lòng hơn, xua tan đi những khó khăn, vất vả mà họ đã phải chịu đựng trong suốt những ngày qua.

Nhan Sáng (P/v TTXVN từ Tuynidi)

Toàn bộ lao động Việt Nam đã ra khỏi Libi
Cho đến 6/3, toàn bộ lao động Việt Nam tại Libi (10.334 người) đã ra khỏi biên giới nước này, hiện đang tập kết tại các nước lân cận, chờ về nước: 1.200 người tại Tuynidi; 650 người tại Thổ Nhĩ Kỳ; 292 người tại Angiêri; 150 người tại Hy Lạp; 65 người vừa nhập cảnh Ai Cập.
Riêng số lao động Việt Nam sơ tán sang Manta đã về nước hết - Ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó trưởng phòng Quản lý Lao động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.
Tính đến 21 giờ ngày 6/3, đã có hơn 7.000 lao động Việt Nam tại Libi về nước, chưa kể một chuyến chuyên cơ chở 210 lao động theo dự kiến hạ cánh vào 23 giờ 30. Hầu hết số người về nước ngày 6/3 đi theo chuyên cơ, mỗi chuyến chở từ 200 đến 336 người. Chuyến tàu biển chở 1.177 lao động Việt Nam cũng đang trên đường về cảng Hải Phòng.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các tổ công tác liên ngành của Chính phủ, các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước lân cận đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và một số tổ chức cứu trợ quốc tế khác tại khu vực biên giới giữa Libi và các nước lân cận, tập trung cho việc bảo đảm an ninh, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, y tế, thu xếp các chuyến bay giúp lao động Việt Nam về nước nhanh và an toàn.
Phúc Hằng

Hoàn tất cầu hàng không đưa người lao động tại Libi hồi hương
Người phát ngôn Vietnam Airlines Lê Hoàng Dũng cho biết: Vietnam Airlines quyết định triển khai thêm 1 chuyến bay tới Djerba, Tuynidi vào ngày 8/3/2011. Dự kiến máy bay sẽ quay trở về Nội Bài lúc 10:25 (giờ Việt Nam) ngày 9/3/2011.
Đây là chuyến bay thứ 10 và là chuyến bay hoàn tất chiến dịch cầu hàng không lớn nhất từ trước đến nay của Vietnam Airlines để đưa người lao động Việt Nam từ biên giới Libi hồi hương. Tính cho đến khi kết thúc chiến dịch, Vietnam Airlines đưa được hơn 3.000 lao động tại Libi về nước qua các cửa ngõ Cairô (Ai Cập), Djerba (Tuynidi) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Phương Mai