07:09 08/07/2016

Lá chắn tên lửa NATO và thế lưỡng nan an ninh của châu Âu

Lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo của châu Âu, vốn ban đầu được dự định nhằm cải thiện an ninh của lục địa này, thực sự có thể tạo ra tác dụng ngược.

Trên thực tế, hành động này được coi là có tính khiêu khích nhằm vào Nga khiến Moskva có thể tiến hành một động thái đáp trả tương tự, dẫn đến nguy cơ gia tăng về một cuộc đối đầu quân sự.

Nga và mối đe dọa từ BMD

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) vào hôm nay (8/7), một vấn đề quan trọng sẽ được đề cập trong chương trình nghị sự là vấn đề lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo châu Âu. Đến nay, NATO vẫn có quan điểm cứng rắn về chương trình này, xem nó như là một thành phần quan trọng trong việc ứng phó với sự xâm lược quân sự tiềm tàng nhằm vào bất kỳ thành viên nào của NATO.
 

Các quan chức NATO tham gia lễ khởi công triển triển hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan ngày 13/5/2016. Ảnh: DoD

"Chúng tôi sẽ không đồng ý có những giới hạn về hệ thống (phòng thủ tên lửa đạn đạo) bởi vì chúng tôi cần phải có sự linh hoạt để đối phó với các mối đe dọa luôn thay đổi và ngày càng tăng", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về kiểm soát vũ khí Frank Rose tuyên bố cách đây ít lâu, khi phản ứng đối với những lời kêu gọi của Nga nhằm cắt giảm chương trình (lá chắn tên lửa của NATO).

NATO luôn tuyên bố rằng với thách thức đặt ra bởi sự phổ biến công nghệ tên lửa hạt nhân, liên minh này có một cam kết nhằm duy trì an toàn cho châu Âu. Từ quan điểm của NATO, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) sẽ làm giảm nguy cơ bạo lực và cuối cùng làm cho châu Âu an toàn hơn.

Hệ thống BMD ở châu Âu của NATO được phát triển từ năm 2001 bao gồm các cảm biến radar khác nhau và hệ thống vũ khí đánh chặn, được triển khai với sự đồng ý của các nước thành viên trên lãnh thổ của họ. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Ba Lan, Hà Lan và Tây Ban Nha đều đồng ý triển khai các thành phần hệ thống BMD quan trọng và nhiều quốc gia thành viên khác cũng đã nhất trí hợp tác.

Khi NATO tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống BMD của mình hướng về phía Đông, nó càng đe dọa Nga và lợi ích của Moskva theo hai cách.

Đầu tiên, Moskva vẫn tin rằng Đông Âu nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ. Bắt nguồn từ một quá khứ lâu dài và tự hào về một đế chế Nga thời Sa hoàng có ảnh hưởng sâu rộng và sau đó là một siêu cường Liên bang Xô-viết, Moskva coi Đông Âu như một phần mở rộng của chính mình. Từ góc nhìn văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, Đông Âu, theo quan điểm của Moskva, có gắn bó chặt chẽ với Nga và do đó nằm trong phạm vi ảnh hưởng của họ.
 

Tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: Sputnik

Quan trọng hơn, nếu nhìn từ góc độ địa chính trị, sự hiện diện của một hệ thống BMD không thân thiện có thể làm giảm hiệu quả của các kho vũ khí hạt nhân của Nga. NATO đã không minh bạch về các thông số kỹ thuật chính xác của hệ thống BMD, có nghĩa là nó có thể có một khả năng không xác định trong việc đánh chặn tên lửa của Nga. Điều này có lẽ là vấn đề khó hiểu đối với Moskva vì Nga dựa vào kho vũ khí tên lửa hạt nhân của mình để gây ảnh hưởng ở châu Âu.

NATO luôn trấn an Nga rằng hệ thống BMD của họ ở châu Âu có một "năng lực hạn chế" để có thể đặt ra một mối đe dọa và, do đó, Moskva không có gì phải sợ hãi. Tuy nhiên, một quan chức Nga nhận xét rằng nếu điều này thực sự là đúng, tại sao Mỹ lại bác bỏ những thiếu sót về "năng lực hạn chế" của mình?

Bình luận của quan chức Nga trên phản ánh lo ngại rằng, hệ thống BMD của NATO là rất khó lường và bất chấp sự bảo đảm của NATO, nó được thiết kế để khắc chế sức mạnh của Nga.

Đáp lại, Moskva đã đe dọa ngắm những tên lửa của mình vào các cơ sở BMD của NATO. Năm ngoái, nước này cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu nhằm vào các tàu chiến Đan Mạch với các loại vũ khí được triển khai dọc theo biên giới Nga. Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn 9K720 Iskander có uy lực khủng khiếp dọc theo biên giới phía Tây của mình và ở Kaliningrad, vùng đất lãnh thổ phía Tây của Nga ở châu Âu.

Thế tiến thoái lưỡng nan an ninh

Những tín hiệu quyết đoán của Nga và đe dọa tăng cường triển khai tên lửa ở châu Âu chỉ ra rằng Moskva sẽ không chấp nhận sự bố trí BMD và mở rộng về phía Đông của NATO. Vấn đề chính ở đây là bản chất phản trực giác của hệ thống BMD mà NATO triển khai - khi NATO ngày càng mở rộng áp sát gần hơn phạm vi ảnh hưởng của Nga, hành động khiêu khích quân sự của Moskva sẽ tăng cường tương ứng.
 

Cơ chế hoạt động của hệ thống lá chắn BMD của NATO. Ảnh: NATO.int

Trong lý thuyết quan hệ quốc tế, điều này được gọi là thế tiến thoái lưỡng nan an ninh. Những phản ứng đáp trả của Nga gây ra nỗi sợ hãi trong dân chúng châu Âu, dẫn đến việc tăng chi tiêu quốc phòng và triển khai quân sự ở cả hai bên, và làm leo thang mối đe dọa về một cuộc xung đột. Những kết quả này cho thấy một tình hình an ninh được tăng cường ở châu Âu. NATO giải thích rằng chương trình BMD của họ được thiết kế nhằm giúp châu Âu an toàn hơn trước các mối đe dọa bên ngoài. Tuy nhiên, vì chương trình tên lửa này đe dọa Moskva, nó sẽ dẫn đến điều ngược lại.

Các chuyên gia cho rằng Moskva không cần phải lo lắng thái quá. Một cuộc tấn công vào các tài sản quân sự của NATO sẽ tạo thành một hành động chiến tranh, và cả Kremlin cũng như người dân Nga đều không mong muốn điều đó.

Có lẽ, Moskva sẽ không tấn công công khai các cơ sở BMD của NATO, nhưng họ chắc chắn sẽ đáp trả một cách quyết đoán. Nga đã chứng minh ở Georgia, Moldova, Crimea và Đông Ukraine trong việc tạo ra các cuộc xung đột bị đóng băng khi phạm vi ảnh hưởng của mình cảm thấy bị đe dọa. Cho dù Nga phóng tên lửa nhằm vào cơ sở của NATO hay không, sự mở rộng ngày càng tăng BMD của NATO chắc chắn sẽ dẫn đến một sự leo thang nguy cơ về một cuộc xung đột ở châu Âu.

Tóm lại, mục đích triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO là để bảo vệ châu Âu chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng trước một cuộc tấn công tên lửa hạt nhân và kết quả là, để làm cho châu Âu an toàn hơn. Tuy nhiên, khi NATO tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, Moskva tiếp tục cảm thấy bị đe dọa nhiều hơn. Và như vậy, châu Âu sẽ trở thành một nơi kém an toàn.

Công Thuận