05:14 26/05/2022

Lá chắn tên lửa của Mỹ lộ lỗ hổng trước vũ khí siêu vượt âm

Các nhà phân tích đã nhìn ra những lỗ hổng trong lá chắn phòng thủ của cường quốc quân sự Mỹ trước những loại vũ khí tinh vi như tên lửa siêu vượt âm.

Chú thích ảnh
Tên lửa THAAD được phóng thử nghiệm ở Kodiak, Alaska năm 2017. Ảnh: Missile Defense Agency

Phòng thủ tên lửa được cho là nền tảng của an ninh chiến lược toàn cầu. Mối đe dọa về sự hủy diệt lẫn nhau (MAD), được hỗ trợ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa dày đặc, từng giúp ngăn chặn sự bùng nổ của chiến tranh hạt nhân từ năm 1945, đồng thời đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực làm chậm và ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.

Sự gia tăng các mối đe dọa mới như vũ khí siêu vượt âm, tên lửa hành trình và đạn đạo ngày càng tinh vi cùng với các công nghệ tiên tiến như tàng hình, chiến tranh điện tử và nhắm mục tiêu chính xác từ Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đã thúc đẩy Mỹ khẩn trương đẩy mạnh khả năng phòng thủ tên lửa của nước này. Dù vậy, các nhà phân tích vẫn nhận thấy những lỗ hổng trong lá chắn phòng thủ của cường quốc quân sự này.  

Chiến lược của phòng thủ tên lửa dựa trên sự răn đe là đánh chặn một cuộc tấn công tên lửa, khiến kẻ tấn công không thể đạt được mục tiêu. Ở cấp độ tác chiến, phòng thủ tên lửa hoạt động theo nguyên tắc “dùng đạn phá đạn” khi đánh bật tên lửa đang bay tới bằng hệ thống đánh chặn trên mặt đất.

Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp để đề phòng các mối đe dọa như vậy. Lớp phòng thủ tên lửa đầu tiên của Mỹ là hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) bảo vệ tất cả 50 tiểu bang trước một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm xa.

GMD hiện vẫn là hệ thống duy nhất của Mỹ để chống lại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tính đến năm 2021, Mỹ đã triển khai GMD trên khắp 15 múi giờ và liên kết với 44 hệ thống tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GBI). Hệ thống này nhằm giải quyết các mối đe dọa ICBM từ Trung Quốc và Nga - hai quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh triển khai một tấn công hạt nhân quy mô lớn nhằm vào Mỹ.

Chú thích ảnh
Hệ thống chống tên lửa Aegis Ashore. Ảnh: US Defense Department

Lớp phòng thủ tên lửa thứ hai của Mỹ bao gồm các hệ thống tên lửa khu vực như Aegis, Patriot và Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD). Lớp này nhằm chặn đứng các mối đe dọa của tên lửa tầm trung đến tầm ngắn.

Chúng là một lớp phòng thủ chuyên sâu, mang đến nhiều cơ hội để đẩy lùi nguy cơ tấn công, cũng như tăng xác suất tiêu diệt và ngăn chặn kẻ thù vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa bằng một kỹ thuật duy nhất.

Các hệ thống phòng thủ khu vực này được thiết lại để chống lại nguy cơ tấn công tên lửa từ Iran và Triều Tiên, vốn nằm ngoài khả năng của GMD.

Thế nhưng, bất chấp 70 năm ròng rã nghiên cứu và chi tiêu ước tính 350 tỷ USD, không thống phòng thủ tên lửa nào của Mỹ cho đến nay đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại các mối đe dọa tên lửa nhắm vào lãnh thổ nước này, theo một báo cáo gây tranh cãi của Hiệp hội Vật lý Mỹ hồi tháng 2. Tổ chức này quy tụ các chuyên gia trong lĩnh vực vật lý và các ngành liên quan.

Chú thích ảnh
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ tiến hành lần phóng thử nghiệm đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis từ Tổ hợp Phòng thủ Tên lửa Trên bờ Aegis ở Kauai, Hawaii. Ảnh: US Defense Department

Báo cáo trên đã Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ phản đối khi trích dẫn một báo cáo về hiệu quả GMD do Giám đốc Kiểm tra và Đánh giá Hoạt động (DOT&E), quan chức thử nghiệm vũ khí hàng đầu của Lầu Năm Góc, công bố đầu năm nay. 

Tuy nhiên, các số liệu cả trên thử nghiệm và thực chiến lại cho thấy GMD chỉ có tỷ lệ thành công 55% trong các bài kiểm tra có kịch bản phức tạp. Chỉ một nửa các cuộc thử nghiệm đánh chặn kể từ năm 1999 đến nay là thành công. Trong khi đó, hệ thống này đã không được thử nghiệm trong điều kiện thực chiến.

Ngay cả khi GMD được nâng cấp theo thời gian, không chắc nó có thể theo kịp tốc độ phát triển vũ khí của Trung Quốc và Nga hay không, đặc biệt là vũ khí siêu vượt âm. Nếu thực sự như vậy, GMD không đủ mạnh để bảo vệ nước Mỹ. 

Vũ khí siêu vượt âm có thể bay với tốc độ gấp từ 5-10 lần tốc độ âm thanh. Máy bay phản lực chở khách di chuyển với tốc độ khoảng 950km/giờ, trong khi hệ thống vũ khí siêu vượt âm hoạt động ở vận tốc 5.600 km/h, tức khoảng 1,6 km/giây, và cao hơn.

Lý do chính mà các quốc gia đang phát triển các loại vũ khí siêu vượt âm thế hệ tiếp theo này là do đối phương khó có khả năng phòng thủ trước những loại vũ khí này vì tốc độ, khả năng cơ động và đường bay của chúng.

Hiện tại, Nga nắm giữ trong tay ba loại tên lửa siêu vượt âm là Avangard, Kinzhal và Zicron. Trung Quốc cũng đang sở hữu một số loại tên lửa và thiết bị lượn siêu vượt âm đáng gờm. Pháp, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ cũng đã khởi động các chương trình phát triển và thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm. 

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 của Trung Quốc được trang bị kèm thiết bị lượn siêu vượt âm. Ảnh: SMCP

Các hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực của Mỹ có thành tích hoạt động thực địa tốt hơn một chút. Quân đội Mỹ ban đầu tuyên bố hệ thống Patriot có tỷ lệ thành công 80% trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau đó tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 50% rồi 25%. 

Hệ thống Aegis và THAAD cũng gặp vấn đề tương tự về mức độ tin cậy. Aegis có 34 lần thành công trong số 43 lần thử vào năm 2021 trong khi THAAD chỉ có 2 lần thành công trong số 16 lần thử nghiệm đánh chặn trước giai đoạn năm 2006. Sau này, tỷ lệ thành công của THAAD đã được cải thiện thành 16 trên 16 lần vào năm 2019.

Thành công của THAAD đã thuyết phục được các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia và Hàn Quốc mạnh tay mua sắm. Dù vậy, các chuyên gia quân sự cho rằng đối thủ của Mỹ, như Iran và Triều Tiên, có thể đối phó bằng triển khai mồi nhử có gắn thiết bị hồng ngoại giả làm đầu đạn thật để gây nhầm lẫn cho các cảm biến phòng thủ và dùng chiến thuật tấn công “bầy đàn” để áp đảo.

Các đồng minh của Mỹ dường như ngày càng miễn cưỡng cho phép Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực trên lãnh thổ của họ. Năm 2020, Nhật Bản đã đình chỉ hoạt động triển khai hệ thống tên lửa bờ biển Aegis Ashore do lo ngại về phản đối từ phía Bắc Kinh. Ngoài việc chỉ dựa vào khả năng phòng thủ tên lửa, Nhật Bản có thể chọn cách tấn công phủ đầu để chống lại sức mạnh tấn công tầm xa của Trung Quốc và Triều Tiên.

Những vấn đề nêu trên đều đặt ra câu hỏi nghi vấn về hiệu quả của các hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, đặc biệt trước một "sát thủ bất bại" như vũ khí siêu vượt âm.

 

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Asia Times)