12:15 12/12/2012

Kỳ vọng Đoàn sẽ 'đến gần' đoàn viên dân tộc thiểu số hơn

Bí thư Đoàn Trường Dân tộc Nội trú huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, chị Phạm Thị Thủy (người dân tộc Tày) kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, Đoàn sẽ đổi mới hơn, có nhiều đột phá, đặc biệt là có sự quan tâm rộng rãi hơn đến những đoàn viên người dân tộc thiểu số.

Chia sẻ bên lề Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Bí thư Đoàn Trường Dân tộc Nội trú huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, chị Phạm Thị Thủy (người dân tộc Tày) kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, Đoàn sẽ đổi mới hơn, có nhiều đột phá, đặc biệt là có sự quan tâm rộng rãi hơn đến những đoàn viên người dân tộc thiểu số.

 

Chị Phạm Thị Thủy, Bí thư  Đoàn Trường Dân tộc Nội trú huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.


Hiện nay, việc tập hợp thu hút thanh niên, đặc biệt là thanh niên tham gia vào các hoạt động của đoàn ở trường Phổ thông dân tộc Nội trú đang được triển khai như thế nào?

Hoạt động Đoàn của trường được các em tham gia rất nhiệt tình, sôi nổi và có ý thức. Ban đầu các em có ít kỹ năng, nhưng sau khi được tập huấn, được tham gia các hoạt động Đoàn thì các em tham gia tự giác, vì thế, ở trường tôi không phải đưa hoạt động Đoàn vào tiêu chí đánh giá hạnh kiểm.

Ngay từ sau khi Đại hội Đoàn trường, nhiều hoạt động đã được triển khai trong năm: tổ chức cho các em đăng ký phần việc thanh niên, duy trì các câu lạc bộ yêu thích: Câu lạc bộ hát-nói tiếng dân tộc, Câu lạc bộ bảo vệ môi trường, Câu lạc bộ học tập. Đây là những hoạt động tập hợp các em, giúp các em có sân chơi. Trong giờ học, Đoàn thường xuyên duy trì các trò chơi giải lao giữa giờ...

Trong năm qua, các em học sinh đăng ký Công trình thanh niên ở trường là thay nhau giữ gìn Nhà vệ sinh công cộng. Trước nay, công trình vệ sinh trường học là một vấn đề khó khăn. Đặc thù ở trường chúng tôi là tất cả các em học sinh ăn, ở, học tập tại trường.

Theo chị, phong trào Đoàn đối với các đoàn viên là người dân tộc thiểu số mang những đặc thù và khó khăn như thế nào?

Các đoàn viên là người dân tộc thiểu số còn nhút nhát khi thể hiện ý tưởng trong khi các em ở những vùng trung tâm mạnh dạn thể hiện mình về năng lực, ý tưởng. Do đó, trong hoạt động Đoàn, chúng tôi chú trọng rèn luyện cho các em sự tự tin.

Khó khăn thứ hai là kinh nghiệm hoạt động. Với học sinh ở thành phố, từ khi sinh ra, các em đã được tiếp xúc với công nghệ, với các hoạt động phong trào, nhưng với các em dân tộc thiểu số, đặc biệt là những em ở vùng sâu vùng xa, có nơi còn chưa có điện, các em được tiếp xúc rất ít thông tin. Việc thực hiện ý tưởng của các em còn hạn chế hơn.

Khó khăn thứ ba là nguồn tài liệu. Do ở xa trung tâm nên chúng tôi còn thiếu nguồn tài liệu. Công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu điểm internet, sách báo…

Bên cạnh đó, vẫn có đoàn viên có lối sống buông thả hoặc nhận thức lệch lạc.

Theo chị, nhiệm kỳ qua, sự quan tâm của tổ chức Đoàn đối với những đoàn viên thanh niên là người dân tộc thiểu số đã thỏa đáng và phù hợp?

Trong những năm qua, tôi thấy tổ chức Đoàn có sự quan tâm đến những đoàn viên là người dân tộc thiểu số. Trong năm 2011- 2012, chúng tôi được Trung ương Đoàn hỗ trợ cho 1 điểm internet thanh niên, với 6 đầu máy vi tính, trong một phòng 12 mét vuông. Đây chính là một trong những hoạt động thường xuyên của các em sau giờ học. Nhờ đó, các em lớp 6, lớp 7 cũng tranh thủ vào học tiếng Anh.

Tổ chức Đoàn cũng gợi mở, kêu gọi xây dựng các chương trình, ý tưởng để hoạt động Đoàn phù hợp với tình hình địa phương.

Chúng tôi là huyện nghèo nên được hỗ trợ về sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… Đó là những chính sách quan tâm của nhà nước. Còn tổ chức Đoàn có những học bổng dành cho học sinh người dân tộc; từ đó giúp các em học tập và rèn luyện tốt hơn. Tỉnh Đoàn có Quỹ phát triển tài năng trẻ duy trì hơn chục năm nay...
 
Tham dự Đại hội lần này, cá nhân chị có kiến nghị tổ chức Đoàn có đề xuất gì để hoạt động Đoàn của khối đoàn viên là người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa được hiệu quả hơn?

Tôi rất mong muốn trong nhiệm kỳ này, tổ chức Đoàn quan tâm hơn đến các em trong việc bổ sung nguồn tài liệu để các em tham khảo học tập, giải trí; bổ sung thêm các điểm internet, thêm nhiều chương trình tình nguyện; hướng các em tham gia nhiều hơn đến cuộc sống cộng đồng và vì an sinh xã hội.

Tôi cũng mong muốn các hoạt động sẽ tập hợp đoàn viên được nhiều hơn nữa, không chỉ đối với các em ở trong trường học mà với các đối tượng không tham gia học tập, hoặc bỏ học sớm, để tổ chức Đoàn phát triển một cách toàn diện hơn. Đây cũng chính là điều lo ngại của tôi. Cụ thể, tình trạng bỏ học những năm gần đây đã giảm. Bỏ học, các em không tham gia đoàn ở trường thì sẽ về sinh hoạt đoàn tại địa phương nhưng thực tế số em bỏ học tham gia sinh hoạt đoàn rất ít. Tổ chức đoàn phải có những đổi mới để đến gần hơn nữa với các đối tượng là dân tộc thiểu số.

Xin cảm ơn chị!


Mạnh Minh (thực hiện)