12:16 15/12/2016

Ký ức Hà Nội - Mùa đông năm 1946

Ngày 15/12, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu “Ký ức Hà Nội - Mùa đông năm 1946”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực của Thành Đoàn Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến.

* Ký ức hào hùng

Hồi nhớ lại những ngày Toàn quốc kháng chiến, ông Lê Đức Vân, Trưởng Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu cho biết, trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đại bộ phận thanh niên, sinh viên xin vào đội tự nguyện chiến đấu, có lực lượng thanh niên, sinh viên đi nam tiến còn hầu hết xin gia nhập đội giải phóng quân chống Pháp, lúc đó tinh thần của thanh niên rất nhiệt huyết, sôi sục với quyết tâm chống giặc.

Hà Nội trang hoàng kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

“Thời kỳ đó, các thanh niên vừa tham gia chiến đấu vừa tham gia cứu đói; vận động nhân dân đi hộ đê chống lụt. Không chỉ đối diện với kẻ thù mà còn phải đối diện với những kẻ phản động, chống luận điệu tuyên tuyền chống đối Chính phủ ta”, ông Vân chia sẻ.

Ông Vân cũng cho biết: Công việc liên lạc lúc đó thô sơ lắm, các đơn vị bộ đội đặc biệt mới có máy điện thoại quay tay. Chúng tôi đều có một quyển sách chung và có những quy định chung về mật mã. Ví dụ, mở trang sách ra lấy hàng thứ 5, bắt đầu bắt đầu bằng chữ D sẽ tương ứng với chữ A ở đời thường… Cuốn sách luôn luôn thay đổi, hôm nay quyển sách này mai quyển sách khác, cứ suy theo hàng chữ làm mật mã. Sau đó đưa cho các em liên lạc nhỏ để mang đến tận tay các cơ quan tác chiến.

Nhớ lại những ngày tuổi trẻ xông pha, ông Thành Nhân, đội viên Đội Tuyên truyền Giải phóng quân của Hà Nội bồi hồi kể lại: “Năm 1946, lúc đó mới 14 tuổi, tôi tham gia đội tuyên truyền là nhờ có sự giác ngộ của người anh trai. Khi sắp tổng khởi nghĩa, tôi xin gia nhập đội tuyên truyền trên phố Trần Hưng Đạo. Đến ngày Toàn quốc kháng chiến, Hà Nội có phong trào đưa tất cả người dân đi sơ tán, một bộ phận ở lại, tôi đã xin ở lại làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, động viên các chiến sĩ và cùng đưa đồng bào đi di tản”.

Cùng chung cảm xúc ngày gặp mặt, ông Vũ Tâm (Trung đội trưởng Tiểu đoàn 101 Quyết tử Thủ đô tại Đồng Xuân thuộc Trung đoàn Thủ đô) kể lại: Cách đây 70 năm, thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nam, nữ thanh niên ngày đó đã hăng hái ra trận. Lúc đó, không khí ở Liên khu I, II, III rất ác liệt. Các chiến sĩ cảm tử đều thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nên chỗ nào cũng chiến đấu dũng cảm, chỗ nào cũng hy sinh gian khổ.

Ngày 14/2/1947, diễn ra trận đánh ác liệt nhất giữa các chiến sĩ Tiểu đoàn 101, Trung đoàn Thủ đô và quân Pháp với số quân địch thương vong lên tới gần 100 người, 3 xe bọc thép bị ta phá hủy; bên ta 15 đồng chí đã hy sinh và 19 đồng chí bị thương. Trận chiến đấu ở chợ Đồng Xuân là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của chúng ta trong 2 tháng đầu kháng chiến ở Thủ đô.

Nhắn gửi tới thế hệ thanh niên hôm nay, ông Vũ Tâm đã kể lại về hình ảnh: “Các chị em gái chiến đấu rất dũng cảm. Ngày Tết, họ rủ nhau ra Hàng Buồm chơi và mặc những chiếc áo dài. Tuy là đi chơi Tết, nhưng bên ngoài áo dài, các chị em vẫn đeo thắt lưng lựu đạn để nếu có kẻ thù thì sẵn sàng chiến đấu”.

* Thắp lên ngọn lửa truyền thống của thanh niên

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Khánh Bình cho biết: Cách đây 70 năm dưới dự hỗ trợ của đồng minh, thực dân Pháp đã tiến hành gây hấn, sử dụng vũ lực xâm chiếm nhiều nơi, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cả nước bước vào cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí minh đã kêu gọi Toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946. Đáp lời kêu gọi đó, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quân và dân Hà Nội mà lực lượng đông đảo là đoàn viên thanh niên, các tầng lớp nhân dân từ già trẻ, gái trai đã đứng lên đấu tranh cứu nước…

Trải qua 70 năm, Đoàn Thanh niên thành phố đã triển khai nhiều phong trào thiết thực đáp ứng điều kiện lịch sử, bối cảnh của đất nước. Những phong trào hành động cách mạng gắn với hình ảnh người cộng sản trẻ tuổi mang trên mình màu áo xanh thanh niên đã và đang xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và có sự lan tỏa mạnh mẽ. Có thể nói, tinh thần chiến đấu của thế hệ thanh niên thời cứu quốc được tuổi trẻ và tầng lớp thanh niên Thủ đô hôm nay kế thừa và phát huy rực rõ ở bất cứ nơi đâu, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chiến tranh đã lùi xa, song tuổi trẻ và nhân dân Thủ đô luôn dành tình cảm thiêng liêng, sự trân trọng đối với những người con ưu tú của dân tộc đã công hiến cuộc đời để đất nước có ngày hôm nay.

Được lắng nghe những câu chuyện của các thế hệ cha ông ngày trước, sinh viên Lê Mạnh Cường, Đại học Ngân hàng xúc động bày tỏ lòng tự hào và biết ơn những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh một phần tuổi trẻ của mình để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong nền độc lập và được sống với tất cả niềm đam mê của mình.

Thông qua buổi giao lưu, tuổi trẻ Thủ đô đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ cha ông đi trước đã chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua đó, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay nâng cao hiểu biết về truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự do; tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục phấn đấu học tập, lao động, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Kim Anh

Kim Anh (TTXVN)