10:11 10/10/2019

‘Ký ức Hà Nội – 65 năm’ - Niềm tin vào chiến thắng

Đúng ngày này cách đây 65 năm (10/10/1954 -10/10/2019), bộ đội ta ‘trùng trùng quân đi như sóng’ vào tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Ký ức hào hùng

Chương trình “Ký ức Hà Nội – 65 năm” tổ chức tại phố Bích họa Phùng Hưng do quận Hoàn Kiếm tổ chức tái hiện không khí Hà Nội ngày tiếp quản. Ngày 10/10/1954 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Chú thích ảnh
Tái hiện hoạt cảnh Hà Nội chuẩn bị cho ngày toàn quốc kháng chiến.

Ông Nguyễn Đức Hòa (Nhân Chính, Thanh Xuân), 83 tuổi, bắt xe ôm lên phố Phùng Hưng từ sáng sớm để xem lại các hình ảnh tái hiện ngày tiếp quản Thủ đô. Ông Nguyễn Đức Hòa tâm sự: Hồi đó tôi 16 tuổi, đúng sáng 10/10, tôi theo gia đình và hàng xóm lên phố để đón đoàn quân trở về từ hướng Bạch Mai qua phố Huế, tiến vào nội đô… Ngày đó không khí thật là hào hùng với từng đoàn quân về tiếp quản, người dân đổ ra đường chào đón.

“Nay đến xem các hình ảnh, biểu tượng, cổng chào và hoạt cảnh tái hiện, ký ức về Hà Nội thời ấu thơ lại ùa về trong tôi. Những hoạt động kỷ niệm này giúp thế hệ chúng tôi nhớ về một thời hào hùng và là dịp giáo dục con cháu luôn ghi nhớ lịch sử truyền thống”, ông Nguyễn Đức Hòa chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tái kiện không khí chuẩn bị kháng chiến tại phố cổ Hà Nội cuối năm 1946.

Trong khi đó ông Bùi Quốc Khánh, một cựu chiến binh (74 tuổi), nhà phố Đường Thành (Cửa Đông) cho biết: Hồi đó tôi 7 tuổi được gia đình dẫn ra chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Tôi nhớ hồi đó phố phường rợp cờ hoa. Sau này lớn lên đi bộ đội, chuyển ngành sang làm bác sĩ, không ngờ rằng 21 năm sau, vào năm 1975, tôi là một trong những người theo đoàn quân vào tiếp quản Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Tại chương trình ‘Ký ức Hà Nội – 65 năm”, những người thế hệ trước như ông Nguyễn Đình Hòa, ông Bùi Quốc Khánh… chứng kiến sự thay đổi lớn của Hà Nội. Từ một đô thị chỉ tập trung khu phố cổ, phố cũ (quận Hoàn Kiếm), nay Hà Nội đã mở rộng gấp nhiều lần với nhiều tòa nhà cao tầng, hiện đại. Thủ đô của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến nay đang trong quá trình đô thị hóa. “Một Thủ đô trải qua chiến tranh nhưng nay đã là điểm đến hòa bình, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội mà thành công được quốc tế ghi nhận vào đầu năm nay khi Hà Nội được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần II. Một Thủ đô thanh bình, mến khách được bạn bè quốc tế ghi nhận”, ông Bùi Quốc Khánh chia sẻ.

Niềm tin vào chiến thắng và sự chuyển mình mạnh mẽ

Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời nhưng thực dân Pháp tiếp tục gây hấn và cướp nước ta. Ngày 19/12/1946, đáp ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, quân dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu 60 ngày đêm oanh liệt. Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc xứng đáng nhất, kìm chân địch và tiêu hao sinh lực định để các cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến rút ra khỏi Hà Nội.

Chú thích ảnh
Tái hiện hoạt cảnh, sau 9 năm kháng chiến, đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô.

Trong những ngày tháng hào hùng của dân tộc, quận Hoàn Kiếm là địa bàn của Liên khu I, với những trận chiến Hàng Bông, Cửa Nam, Hàng Tre, chợ Đồng Xuân… phố cổ Hà Nội như một pháo đài kiên cường. “Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ và anh dũng của quân và dân ta, sau thất bại trong cuộc quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn thương lượng và Ký hiệp định Giơ-ne-vơ năm 20/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Từ sau ngày giải phóng đến nay, phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, với một khí thế mới, Hà Nội đang vươn lên, phát triển mạnh mẽ”, ông Đinh Hồng Phong cho biết.

Chú thích ảnh
Tái hiện không khí tiếp đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: Thời gian chờ bộ đội vào tiếp quản Thủ đô là quãng thời gian thử thách về niềm tin, sự khát khao độc lập, tự do. Trước đó, người dân khu phố tôi ở dọc phố Hàng Đường đã mang vải ra chùa Cầu Đông (quận Hoàn Kiếm) may cờ chờ đón ngày đoàn quân trở về.

Chú thích ảnh
Một bức ảnh ghi lại không khí ngày tiếp quản Thủ đô trưng bày tại phố bích họa Phùng Hưng.

“Trẻ nhỏ, trong đó có tôi thì học hát và sáng ngày 10/10/1954, cứ đoàn quân Pháp rút đi thì bộ đội ta dần dần vào tiếp quản. Lúc đó, nhiều người vẫn chưa ra khỏi nhà thì đã nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phố, tôi và gia đình mở cửa ra xem và thấy bóng dáng các chiến sĩ giải phóng quân thay cho quân Pháp, sự việc cứ như được sắp đặt trước. Thế là tôi cùng mọi người ùa ra chào đón, phố nọ lan truyền sang phố kia. Các đoàn quân về tiếp quản sau đó hội quân tại chân cột cờ Hà Nội và diễn ra lễ chào cờ đầu tiên vào 15 giờ. Một không khí thật hào hùng, ấn tượng. Như các chiến sĩ Thủ đô rời Hà Nội ra đi vào đầu năm 1947, họ hẹn ngày trở về như một điều rất đỗi thiêng liêng và đầy quyết tâm. Cuối cùng họ đã trở về trong chiến thắng”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Clip về hoạt cảnh những ngày kháng chiến tại Liên khu 1 (Thủ đô):

 

Bài và ảnh: Xuân Cường/Báo Tin tức