10:02 23/10/2010

Ký ức đòn roi

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ và cho đến tận bây giờ, có một thứ tôi đáng được hưởng nhưng mãi mãi không nhận được- đó là tình yêu thương của một người cha- cho dù cho đến bây giờ ông vẫn còn đang sinh sống

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ và cho đến tận bây giờ, có một thứ tôi đáng được hưởng nhưng mãi mãi không nhận được- đó là tình yêu thương của một người cha- cho dù cho đến bây giờ ông vẫn còn đang sinh sống trong căn nhà của gia đình tôi. Không riêng gì tôi mà với cả chị gái, em trai và cả mẹ tôi nữa, tình cảm của một người cha, người chồng luôn là thứ “hàng xa xỉ” mà chúng tôi chưa bao giờ nhận được...


 Trong ký ức của tôi không có hình ảnh một gia đình hạnh phúc.

Mẹ kể, ngày bố đến tìm hiểu mẹ, cả nhà ngoại kịch liệt phản đối, tất nhiên là có lý do. Nhưng mẹ nào có nghe. Mẹ cho rằng, chẳng qua là bà không ưa bố nên cứ phán bừa vậy thôi. Cuối cùng đám cưới của hai người cũng được tổ chức với lời mặc cả của bà với mẹ: “Sung sướng thì con hưởng; đau khổ con không được kêu ai”.

Mẹ về nhà chồng trong tâm trạng lâng lâng của cô dâu mới và được tận hưởng những tháng ngày hạnh phúc. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, ngày mẹ sinh chị gái đầu lòng, bố đã có người đàn bà khác. Người này ở Thái Nguyên, vốn là bồ của bạn bố. Những chuỗi ngày sau đó trong cuộc đời, cái mà mẹ được hưởng là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt; rồi “cao cấp” hơn là những lần “vung cẳng tay hạ cẳng chân” của bố. Không chịu được cảnh bạo hành, mẹ ôm chị gái tôi về nhà ngoại. Ông ngoại thương, khuyên mẹ bỏ quách cái thằng chồng có tính trăng hoa lại quen thói vũ phu, nhưng bà ngoại thì nhất quyết không cho mẹ làm vậy. Chỉ cho mẹ ngủ nhờ đúng một đêm, sáng sớm hôm sau, bà tự tay gói quần áo của mẹ, tã lót của đứa cháu ngoại rồi gọi người đưa mẹ về. Không còn cách nào khác, mẹ đành phải trở về nơi ngôi nhà không phải là tổ ấm.

Ngày chị gái tôi tròn 2 tuổi thì người đàn bà của bố tôi sinh một đứa con trai. Từ khi có mụn con trai này, ông càng được nước hành hạ mẹ tôi. Không dừng lại ở đó, ông còn đưa ra yêu sách, hàng tháng mẹ phải cung cấp tiền cho người đàn bà kia, vì lúc đó cô ta chưa có công ăn việc làm; nếu không thì ông sẽ bán nhà để lấy tiền đưa cho cô ta. Không còn cách nào khác, mẹ phải đồng ý.

Một năm sau đó, tôi ra đời. Mẹ chờ mong tôi là một bé trai, nhưng tiếc thay tôi lại là một bé gái. Bố lại càng được nước hành hạ mẹ chỉ vì mẹ không đẻ được thằng cu nối dõi như người đàn bà kia. Hàng xóm của mẹ tôi thường nói rằng, mẹ là người đàn bà khổ nhất mà họ từng biết. Tuần nào mẹ cũng bị đánh, có khi chỉ vì những lý do: trời mưa, không đi chơi được, ông đánh; thua bạc, ông đánh; thậm chí, “ngứa mắt”, ông cũng đánh...

Một năm sau khi tôi chào đời, mẹ mang bầu. Mẹ lại tiếp tục hy vọng, đứa bé này sẽ là con trai, bởi nếu là trai thì mẹ có cơ hơn người đàn bà kia. Số phận rồi cũng mỉm cười với mẹ, em tôi là một bé trai kháu khỉnh. Ngay sau khi biết tin mẹ đẻ con trai, bố vui lắm và tính cũng mềm hơn. Nhưng thái độ này của bố cũng chỉ duy trì được trong vòng hơn một tuần, sau đó ông lại “hiện nguyên hình” là một ông bố bạo lực.

Cả ba lần sinh con, mẹ không được kiêng cữ, cứ từ bệnh viện về nhà là mẹ phải làm việc như một người khoẻ mạnh. Con chưa đầy tháng, mẹ đã phải ra bán hàng (nhà tôi bán hàng ăn) để kiếm tiền nuôi chồng con và nuôi cả vợ hai cùng con riêng của chồng. Cứ thế hàng ngày mẹ tần tảo kiếm sống và nhẫn nhục chịu những trận đòn roi vô cớ của bố. Có lần chỉ vì mẹ chưa có tiền đưa cho bố mà ông đã cầm dao đuổi mẹ từ tầng 1 lên tầng 3 đòi giết mẹ, may mà mẹ kịp đóng cửa phòng. Hàng xóm thấy vậy, liền huy động những thanh niên lực lưỡng sang tước vũ khí của ông. Giải cứu được cho mẹ xong thì những người hàng xóm tốt bụng lại bị bố chửi bới thậm tệ.

Vài năm sau, bố ngọt nhạt bàn với mẹ là phải mua nhà cho mẹ con người đàn bà kia ở dưới này, chứ không thể để bọn trẻ con ở nơi rừng rú ấy được. Ông mềm mỏng, tội là do người lớn gây ra, chứ bọn trẻ đâu có tội tình gì; nên đưa chúng xuống dưới này để sau còn tiện việc chúng học hành. Cùng đó, ông cũng “nắn gân” mẹ (nếu mẹ không đồng ý việc mua nhà thì ông sẽ bán nhà hoặc sẽ đưa người đàn bà kia cùng bọn trẻ về ở chung). Lại thêm một lần nữa mẹ phải nghe lời bố. Bao nhiêu tiền tiết kiệm, mẹ đưa hết cho ông để mua một mảnh đất ở Hà Tây (cũ) cho người đàn bà kia. Tôi chưa bao giờ thấy ông vui như ngày đón ba mẹ con họ về dưới này. Hôm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời 3 chị em tôi được ông đưa đi chơi Hồ Gươm và ăn kem Tràng Tiền (tất nhiên là có cả hai đứa em cùng cha khác mẹ đi cùng) cho dù nhà tôi cách không xa Hồ Gươm là bao.

Từ khi mua nhà cho người đàn bà kia, bố ít ở nhà với mẹ con tôi, nhưng đó lại là những ngày thanh thản và hạnh phúc mà chúng tôi có được. Cứ động khi nào ông về là nhà lại có chuyện. Hết chửi con, ông quay ra đánh vợ với lý do: “Cô nói năng không dịu dàng bằng người đàn bà kia!”. Đến bây giờ, khi chúng tôi lớn hơn, có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ mẹ, bố không còn cơ hội để đánh chúng tôi như trước nữa nhưng ông vẫn không ngớt miệng chửi bới, nhiếc móc vợ con.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể lý giải nổi căn nguyên vì sao mà bố lại đối xử với mẹ và chúng tôi một cách thô bạo đến vậy. Tôi cũng không hiểu tại sao từ bấy đến nay mẹ lại có thể chịu đựng nổi một ông chồng vũ phu đến nhường này!