Sinh ra ở vùng “đất thép” Củ Chi, từ nhỏ cựu chiến binh Phan Văn Hôn (tự Bảy Hôn), hiện trú tại ấp Sa Nhỏ, xã Trung Lập Thượng (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã giác ngộ và tham gia cách mạng. Ông là người trực tiếp bắn phát súng mở màn trong trận tập kích vào Dinh Độc Lập trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Hơn 50 năm trôi qua nhưng trận đánh lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
Chuẩn bị cho trận đánh lớn
Ông Bảy Hôn kể lại, khi mới chỉ 14 - 15 tuổi, ông đã tham gia vào lực lượng du kích địa phương, đào địa đạo để phục vụ cách mạng. Năm 17 tuổi, ông chính thức gia nhập quân đội và được phân về Tiểu đoàn D14 (tỉnh Tây Ninh). Nhờ có những thành tích xuất sắc, ông Hôn sau đó được cử đi học đặc công rồi được chuyển về Đại đội K14 của Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Đến năm 1967, ông Bảy Hôn được tổ chức điều động về biên chế Đội 5 lực lượng Biệt động Sài Gòn. Khi chuyển về đơn vị đặc biệt này, theo sự điều động của tổ chức, ông đi học quân sự, học đánh tập kích, võ thuật…
“Lực lượng của chúng tôi lúc đó là 300 người nhưng chỉ khoảng 100 người là có thể cầm súng chiến đấu, còn lại chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ khác. Do là lực lượng đặc biệt luôn phải đảm bảo bí mật nên dù tập luyện, họp hành cùng nhau nhưng chúng tôi ai cũng phải che mặt, không biết mặt nhau”, ông Bảy Hôn cho biết.
Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, tình hình trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết, lực lượng biệt động được yêu cầu tập trung để chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Đêm 28 Tết Mậu Thân, tại địa điểm ở ấp Chánh, xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), Đội đã mổ gà, nấu bánh tét đón Tết sớm, lập bàn thờ Tổ quốc, uống máu ăn thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
“Lúc bấy giờ anh Hai Phụng (Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) đã nói với chúng tôi: Đảng nuôi quân ngàn thuở, sử dụng trong một giờ, trận chiến này của các đồng chí là “thập tử nhất sinh”, may mắn lắm mới còn sống nhưng hãy giữ khí tiết, trung dũng, kiên cường, không khai báo”, ông Bảy Hôn nhớ lại. Sau khi tuyên thệ, mỗi người được phát 3.000 đồng gọi là “tiền tử”, nếu có bị bắt thì hối lộ bọn lính để cứu mạng.
Sáng 29 Tết, 15 chiến sỹ biệt động của Đội 5 được lệnh lên đường đi vào nội đô bằng các con đường khác nhau. Đến 16 giờ cả đội tập trung đến nhà của ông Năm Lai (Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) đợi lệnh. “Lúc này, chúng tôi cũng chưa biết là mình sẽ đánh vào đâu và đánh bằng gì vì chưa hề được cung cấp vũ khí. Nhưng tôi vẫn tin, tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ”, ông Bảy Hôn cho hay.
Không ngoài dự đoán của Bảy Hôn, chỉ vài tiếng trước khi xuất phát, đồng chí Nguyễn Văn Tăng (Tư Tăng - người 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) ra lệnh mở hầm. Lập tức, một căn hầm bí mật ngay dưới nền nhà ông Năm Lai mở ra, bên dưới có hàng tấn vũ khí, đạn dược các loại.
Tết Mậu Thân 1968 - thời khắc lịch sử
Khi súng đạn đã sẵn sàng, các chiến sỹ biệt động mới được chỉ huy Tư Tăng thông báo: Mục tiêu của Đội 5 là tấn công vào Dinh Độc Lập - đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đêm 30 Tết, ngay dưới căn hầm, một sơ đồ mục tiêu được trải ra, mỗi người đều được phân công nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ của Đội 5 là đánh chiếm Dinh, giữ cửa mở trận địa trong khoảng 30 phút, chờ chi viện tới. “Trong khi bên ngoài người dân đang chuẩn bị cho thời khắc Giao thừa thì chúng tôi nằm dưới hầm và chờ đón thời khắc lịch sử của đất nước, của chính chúng tôi”, ông Hôn chia sẻ.
Trước khi xuất trận, mỗi chiến sỹ được giao 3 khẩu súng: 1 khẩu súng ngắn, 1 khẩu AK và một khẩu B40. Đúng giờ G, theo lệnh, Đội 5 bắt đầu xuất phát, 15 người chia nhau đi trên 3 chiếc ô tô và 3 xe gắn máy. Rạng sáng mùng 1 Tết, toàn đội đã đến vị trí cổng Dinh Độc Lập, bên hông đường Nguyễn Du. Ông Bảy Hôn nhớ lại: “Đầu tiên, tôi dùng súng ngắn lần lượt hạ 2 tên lính gác, trong khi đồng đội đặt quả nổ ở cổng Dinh nhưng không nổ. Ngay tiếp theo, một trái nổ tự chế được ném vào, xe ô tô húc vào cổng nhưng không thể đánh sập cổng. Lúc này, đại liên của lính gác từ nóc Dinh xả xuống, một đồng đội của tôi đã hy sinh”.
Không lùi bước, tận dụng địa thế tại chỗ, toàn đội vừa bắn vừa yểm trợ để một số đồng chí tiến vào Dinh, dùng B40 hạ được hỏa lực từ nóc Dinh và chiếm lĩnh thế trận. Tuy nhiên chỉ 10 phút sau, địch củng cố lại lực lượng và phản công. Sau 30 phút, thêm 7 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 4 đồng chí hy sinh ngay trong Dinh. Những người còn lại kiên cường tiếp tục chiến đấu, chờ lực lượng từ bên ngoài vào chi viện. Cầm cự đến 5 giờ sáng, xác định lực lượng chi viện không thể vào, 8 chiến sỹ còn lại (trong đó có ông Bảy Hôn) rút vào một căn nhà gần đó cố thủ và tiếp tục chiến đấu bằng tất cả vũ khí còn lại. Trong khi đạn dược dần cạn kiệt thì vòng vây của địch càng siết chặt. Lúc này, thêm một đồng chí hy sinh, nhiều đồng chí khác bị thương nặng. Đến 8 giờ sáng mùng 3 Tết, toàn đội bị bắt.
“Sau khi bị bắt, địch giam lỏng chúng tôi suốt hai tháng trời ở Chí Hòa, hỏi cung, tra tấn dã man nhưng không ai khai báo. Sau cùng, chúng kết án tù chung thân và đưa ra Côn Đảo giam cầm cho đến năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký kết”, ông Bảy Hôn kể lại.
Tại địa ngục trần gian Côn Đảo, Bảy Hôn và các đồng chí bị đối xử tàn tệ. Không chịu khuất phục, ông Hôn liên tục đứng lên đấu tranh và bị đánh đập tàn nhẫn. Năm 1973, dù đã thỏa thuận trao trả tù binh nhưng ông Bảy Hôn cảm thấy địch sẽ không tuân thủ. Vì vậy, ông cùng các đồng chí khác đánh chết tên trưởng trại Mười Ô và vượt ngục thành công trong một lần địch di chuyển tù binh.
“Dù phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh nhưng trận đánh vào Dinh Độc Lập năm xưa là ký ức không thể nào quên của tôi. Cả cuộc đời tôi nguyện hiến dâng cho cách mạng, dù có chết cũng không hối tiếc. Tôi may mắn được sống đến ngày nhìn thấy đất nước hòa bình, thống nhất nhưng biết bao đồng đội đã hy sinh không tận mắt nhìn thấy ngày độc lập mà họ mong mỏi”, ông Bảy Hôn bùi ngùi.