04:17 29/04/2019

Kỳ tích hai lần giành chính quyền không nổ súng của quân và dân Bạc Liêu

30 năm sau sự kiện giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 không nổ súng, lịch sử lại tái hiện tại Bạc Liêu một cách kỳ diệu trong cuộc đấu trang chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc vào ngày 30/4/1975.

Bạc Liêu là vùng đất mới, được khai phá muộn màng trong quá trình xây dựng đất nước của dân tộc, nhưng là một trong số những Đảng bộ được thành lập khá sớm và phong trào cách mạng phát triển mạnh trong khu vực. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua muôn vàng khó khăn thử thách, hiểm nguy, khẳng định vai trò, vị trí của mình tạo nên những móc son lịch sử chói lọi trong vận dụng sáng tạo, linh hoạt, đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng, phát huy tổ chức phong trào cách mạng của địa phương.

Quá trình đó Đảng bộ không ngừng trưởng thành, lãnh đạo nhân dân giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 không đổ máu. Và 30 năm sau, lịch sử lại tái hiện một cách kỳ diệu về sự linh hoạt, tính sáng tạo, quyết đoán, khôn khéo của Đảng – giải phóng Bạc Liêu ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngược dòng những ngày tháng Tám lịch sử. Sau ngày Nhật đầu hàng đồng minh, tinh thần bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở Bạc Liêu hoang mang dao động. Tình hình diễn ra rất nhanh đến giữa tháng 8/1945, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu chủ trương tập trung cán bộ đảng viên đang hoạt động khắp nơi về để tổ chức lực lượng kịp thời khởi nghĩa tại tỉnh lỵ. Trước tình hình khó khăn chưa từng có của ngụy quân, ngụy quyền Bạc Liêu, Triều đình Bảo Đại cử tên khâm sai Đại thần Nguyễn Văn Sâm đến Bạc Liêu để ổn định tình hình. Tại Bạc Liêu, Tỉnh trưởng Trương Công Thiện chuẩn bị đón tiếp Nguyễn Văn Sâm. Nắm được tình hình trên, Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu chủ trương huy động lực lượng từ nông thôn kéo về thành thị thành thị, hòa nhập với lực lượng nội thành Bạc Liêu để tham gia cuộc mít tinh nhằm lật đổ chính quyền.

Sau cuộc biểu tình thị uy của lực lượng quần chúng, Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh họp thành lập chính quyền cách mạng lấy tên là Ủy ban giải phóng dân tộc chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Lúc này, Tỉnh ủy đã huy động toàn bộ lực lượng hiện có gồm tổ chức cứu quốc, nhân sĩ, trí thức, cơ sở trong công chức, thanh niên Tiền phong và đông đảo quần chúng, đặt biệt là lực lượng binh sĩ trong vệ binh cộng hòa đến bao vây dinh Tinh trưởng. Mặt khác, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, sáng ngày 22/8/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban giải phóng dân tộc cử đại diện đến gặp Trương Công Thiện. Đến sáng ngày 23/8/1945, đoàn đại diện của ta có vũ trang do ông Tào Văn Tỵ dẫn đầu tiến lên phòng Tỉnh trưởng, buộc hắn đầu hàng. Trước khí thế sôi sục của quần chúng, sức mạnh như bão lửa của cách mạng, buộc tên tỉnh trưởng ngụy quyền Trương Công Thiện phải đầu hàng, bàn giao chính quyền cho cách mạng – Đánh dấu một mốc son chói lọi, một sự kiện mang tính lịch sử: Bạc Liêu giành chính quyền không nổ súng.

Ông Nguyễn Trung Kiên – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Minh Hải cho rằng, sự kiện Bạc Liêu giành chính quyền không nổ súng vào ngày 23/8/1945 đánh dấu một chặng đường lịch sử có ý nghĩa hết sức to lớn, ghi đậm dấu son chói lọi, làm rạng danh đất Bạc Liêu, góp phần cùng cả nước làm nên một cuộc cách mạng thần kỳ - Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Sự kiện Bạc Liêu giành lấy chính quyền không đổ máu diễn ra khá sớm trong bối cảnh chung của đất nước. Thắng lợi đó không phải là yếu tố ngẫu nhiên hay may rủi mà chính là kết quả tất yếu từ phong trào quần chúng cách mạng và sự lãnh đạo sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu. Việc xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ngày càng lớn mạnh, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những bài học không chỉ riêng đối với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bạc Liêu mà còn là bài học chung của Cuộc cách mạng Tháng Tám.

Nói về sự kiện “lịch sử” trên, ông Trương Minh Chiến – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đó là niềm tự hào lớn lao của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu và hiếm nơi nào có được. Với đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, độc đáo, Đảng bộ Bạc Liêu đã chủ động tạo thời cơ cách mạng. Bằng tài năng lãnh đạo, tổ chức lực lượng, vận động quần chúng và làm tốt công tác binh vận… đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của lòng dân dân và ý Đảng. Đây cũng là bài học quý báu để tỉnh Bạc Liêu giành chính quyền không nổ súng lần thứ 2 vào ngày 30/4/1975.

30 năm sau Cách mạng tháng Tám, lịch sử lại tái hiện một cách kỳ diệu về sự linh hoạt, tính sáng tạo, quyết đoán, khôn khéo của Đảng – giải phóng Bạc Liêu ngày 30/4/1975, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc. Ngày 30/04/1975, trước đà thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự hoang mang của kẻ thù, với tất cả sự nhạy bén và bản lĩnh của mình, Tỉnh ủy đã phát huy cao độ sức mạnh chính trị, sức mạnh công tác binh vận, nhân sĩ trí vận đã được Đảng bộ dày công xây dựng trước đó, buộc cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh Bạc Liêu chấp thuận đầu hàng vô điều kiện, bàn giao sớm cho chính quyền cách mạng mà không phải nổ súng và đổ máu, nhân dân Bạc Liêu – Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu chào đón thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong thanh bình và niềm vui trọn vẹn.

Nhắc lại sự kiện giải phóng tỉnh lỵ Bạc Liêu vào ngày 30/04/1975 không đổ máu, bà Trần Kiên Định – nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu ví chiến thắng như “thần thoại”. Bởi, chiến thắng độc đáo này là có một không hai và là sự kiện hiếm có. Đây chính là thắng lợi của cả một quá trình sâu chắt thời cơ, sự đúng đắn trong huy động và sử dụng lực lượng, quyết đoán trong chọn phương án, biện pháp để tiến công dứt điểm của Tỉnh ủy, Ban chỉ huy chiến dịch và những tập thể cá nhân được giao nhiệm vụ giải phóng tỉnh lỵ Bạc Liêu lúc bấy giờ. Sự độc đáo ấy còn thể hiện ở chỗ, đó là sự quả cảm, đầy bản lĩnh của các đồng chí được phân công đấu tranh trực diện với kẻ thù. Với tinh thần anh dũng dù phải hy sinh, nhưng vẫn quyết tâm giải phóng cho được tỉnh lỵ của các lực lượng vũ trang. Đặc biệt với công tác binh chính trị, binh vận xuất sắc, nhiều thành phần xã hội tùy theo điều kiện của mình đã đóng góp một phần công sức vào chiến thắng chung đó.

Theo lịch sử, sáng 30/4/1975 khi nghe Dương Văn Minh – Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyến bố đầu hàng cách mạng. Ý thức đây là thời cơ ngàn năm có một đã đến, Ban chỉ huy chiến dịch chọn đồng chí Lê Quân – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên Bí thư Thị ủy Bạc Liêu, phái viên của Khu ủy là người đứng chân ngoài thị xã trực tiếp chỉ đạo mũi tấn công, binh vận. Đồng chí Lê Quân cùng hai ông Trần Thanh Hồng và Thích Hiển Giác quyết định chủ động đến Tòa hành chính Bạc Liêu gặp Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp.

Với danh nghĩa là người đại diện cho Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Lê Quân đã biết dựa vào cái nền của hai tôn giáo lớn thông qua hai tu sĩ: Trần Thanh Hồng – đại diện Cao Đài phái Minh Chơn đạo Hậu Giang – Phó chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh và ông Nguyễn Văn Đằng ( Thích Hiển Giác) – đại diện cho Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ, Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh làm cầu nối không thể thiếu để đồng chí Lê Quân đến gặp Nguyễn Ngọc Điệp tại Tòa hành chánh. Bằng những lời lẽ sắc bén, có lý, có tình, sau gần một tiếng đồng hồ thuyết phục, tranh thủ, Nguyễn Ngọc Điệp đã chấp nhận đầu hàng, giao chính quyền cho nhân dân.

Ông Trần Nam Đoàn – nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Minh Hải cho rằng, chính sự nhạy bén, sáng suốt nắm bắt tình hình, Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng thị xã Bạc Liêu mới quyết định lấy mũi chính trị, binh vận làm phương án giải phóng dứt điểm thị xã. Nếu không có quyết định táo bạo đó thì sẽ không có thắng lợi kỳ diệu, sẽ không có chuyện Nguyễn Ngọc Điệp – Tỉnh Trưởng Bạc Liêu đầu hàng trong ngày 30/04/1975 tại thị xã Bạc Liêu.     

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đảng bộ Bạc Liêu cho rằng, sự kiện Bạc Liêu giành chính quyền 2 lần không nổ súng vào ngày 23/8/1945 và ngày 30/4/1975 không chỉ là đỉnh cao của sức mạnh quần chúng và trí tuệ sáng tạo của Đảng mà xét ở một khía cạnh khác, việc giành chính quyền 2 lần không đổ máu chính là hành động thể hiện sự văn minh, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, sự hào hiệp trong tính cách con người Bạc Liêu.

Về mặt lịch sử, vùng đất Bạc Liêu mới hình thành trên 200 năm. Do điều kiện đất đai và cấu tạo dân cư buổi ban đầu, Bạc Liêu không giống các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Dân cư không hình thành từ “lũy tre làng”, “cha truyền con nối”. Dân cư Bạc Liêu đa số là dân “xiêu tán”, người Kinh, người Khmer, người Hoa ở đan xen nhau, luôn tương trợ, đoàn kết khi hoạn nạn, chân thành cởi mở. Phong cách ứng xử của người dân Bạc Liêu mang tính cách nông dân thôn dã, bộc trực, chất phát, hào hiệp, dám phản kháng mạnh mẽ trước những bất công nhưng cũng đầy bao dung, nhân hậu…

Sự kiện Bạc Liêu giành chính quyền 2 lần không nổ súng chính là đỉnh cao trí tuệ sáng tạo, mưu trí, dũng cảm nhưng đầy khoan dung, nhân hậu thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần tô đậm thêm truyền thống của  vùng đất Bạc Liêu. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân tỉnh nhà về quá khứ vẻ vang mà còn là bài học quý báu, thể hiện sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ và quân dân ta, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây chính là cơ sở, là bài học quý để thế hệ hôm nay tôn kính, trân trọng và phát huy. Bài học ấy càng ý nghĩa quan trọng và thiết thực hơn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Bạc Liêu ngày càng giàu mạnh, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Huỳnh Sử - Nguyên Du (TTXVN)