12:07 08/12/2016

Kỹ thuật xây dựng chống sóng thần ở Nhật Bản

Với diện tích 7.105 km2, có bờ biển trải dài giáp với Thái Bình Dương, Kochi là một trong những địa phương có nguy cơ cao xảy ra sóng thần nếu có động đất.

Tháng 8/2012, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những dự báo về mức độ thiệt hại nếu động đất xảy ra tại Kochi. Theo cảnh báo này, một động đất mạnh tới 9 độ richte có thể xảy ra trên một khu vực rộng lớn ở khu vực Nam Hải trên Thái Bình Dương, dọc theo bờ biển Nhật Bản. 

Những dự đoán về mức độ thương vong và thiệt hại này chính là lý do mà chính quyền tỉnh Kochi đẩy mạnh thực thi các chính sách đề phòng và đối phó với động đất sóng thần, trong đó đặc biệt là cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia vào các nỗ lực phòng chống thiên tai và biến lĩnh vực này thành một thế mạnh kinh tế của địa phương. 

Thử nghiệm khả năng chịu sóng thần của móng bằng trụ ống và móng bê tông dạng chân đế.

Công ty Giken của tỉnh Kochi là một trong những doanh nghiệp tiên phong trên toàn cầu về các kỹ thuật xây dựng đối phó với động đất sóng thần. Giken nổi tiếng với các kỹ thuật xây dựng mang tính cách mạng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đặc biệt là động đất sóng thần. Một trong những kỹ thuật được ưa chuộng hiện nay là kỹ thuật xây dựng đổ móng bằng trụ hình ống Implant, đang dược sử dụng để xây dựng các công trình lớn, trong đó đặc biệt là các công trình công cộng có nguy cơ bị thiên tai cao như đê, cầu cảng, đường bộ…

Kỹ thuật này được thực hiện bằng máy nén trụ Silent Piler do công ty Giken phát triển. Đây là máy nén trụ không gây tiếng ồn, không gây rung chấn. Máy hoạt động theo cơ chế, giữ chặt những trụ hình ống đã được đóng sâu trong lòng đất và tận dụng kháng lực của các trụ này để đưa tiếp các trụ còn lại vào sâu trong lòng đất. Máy Silent Piler chỉ có trọng lượng 8 tấn song có thể tạo ra lực nén ống xuống đất lên tới 110 tấn. 

Các trụ được dựng liên tiếp cạnh nhau tạo thành bức tường vững chãi. Theo Giken, khác với kỹ thuật đổ móng bằng bê tông tạo chân đế, kỹ thuật đổ móng trụ ống sẽ giúp cho các trụ tận dụng được lực ép các tầng đất khi xảy ra sóng thần, giúp cho móng có sức chịu đựng tốt hơn so với móng dạng chân đế. 

Đây là điểm ưu việt so với kỹ thuật đổ móng bê tông thông thường, sẽ bị bật móng nếu lực đẩy của sóng thần vượt quá sức chịu tải của móng. Ngoài ra, để tạo độ vững chắc cho móng, kỹ thuật này sẽ sử dụng tường kép, tức là tạo hai bức tường bằng trụ ống. Như vậy, phần đất giữa hai bức tường tạo thành một lớp vật cản tự nhiên cố định cho trụ móng, tăng thêm độ chịu tải của móng.  

Công ty Giken đã chế tạo ra máy mô phỏng sóng thần để thử nghiệm khả năng của móng trụ với móng bê tông dạng chân đế khi xảy ra sóng thần cũng như để phân tích cơ chế tác động của các kháng lực lên móng khi xảy ra sóng thần. Khi máy mô phỏng sóng thần hoạt động, móng bê tông dạng chân đế đã bị giật đổ trong khi móng trụ vẫn đứng vững trước sức tấn công mạnh mẽ của đợt sóng thần mô phỏng. 

Thảm họa động đất sóng thần năm 2011 tại vùng Đông Bắc đã phá hủy hệ thống đê chắn sóng thần tại địa phương ven biển. Chính vì vậy, việc phát triển các kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là kỹ thuật xây dựng đê điều, có khả năng cao hơn để trụ vững trước các đợt tấn công của sóng thần đã được Nhật Bản chú trọng phát triển. 

Các kỹ thuật xây dựng của Giken phải đạt năm tiêu chí của công ty gồm bảo vệ môi trường, tính thẩm mỹ, an toàn, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian thi công. Với các kỹ thuật xây dựng tiên tiến, Giken được đánh giá là đã thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là đối với các công trình chống động đất và sóng thần.

Không chỉ dừng lại trong phạm vi Nhật Bản, Giken cùng với nhiều doanh nghiệp khác tại Kochi đang đẩy mạnh hoạt động giới thiệu và xuất khẩu ra thế giới các kỹ thuật, công nghệ xây dựng đối phó với sóng thần, động đất. Với các doanh nghiệp như Giken, Kochi đang đưa lĩnh vực đối phó thảm họa thiên tai trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng của địa phương.
Nguyễn Tuyến - Gia Quân (P/v TTXVN tại Nhật Bản)