06:12 25/06/2018

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Đề thi môn Ngữ văn có độ phân hóa tốt nhất từ trước đến nay

Sáng nay, các thí sinh trên toàn quốc đã bước vào Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2018 với môn thi đầu tiên là môn Ngữ Văn - môn duy nhất thi theo hình thức nghị luận. Nhận xét về đề thi, các giáo viên cho rằng, đây là đề thi hay, có độ phân hóa tốt nhất từ trước đến nay và đặc biệt “đánh thức được tiềm lực đất nước”

Đề thi môn Ngữ văn được đánh giá là bám sát đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT nên các em học sinh không quá xa lạ với các dạng câu hỏi trong đề thi. Ảnh: L.S

Các giáo viên Ngữ văn đều thống nhất ý kiến đề thi bám sát đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố và kiến thức của học sinh được học tại THPT. Đồng thời, đề thi cũng làm tốt nhiệm vụ phân hóa học sinh giỏi bằng cách dành đất cho sự sáng tạo.

Cô giáo Bùi Thu Hằng - Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Việt Đức (Hà Nội):

Cấu trúc đề thi bám sát đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố. Phần đọc hiểu đảm bảo các yêu cầu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nội dung "đánh thức tiềm lực đất nước" gần như xuyên suốt yêu cầu của đề văn, trừ câu 2 phần Nghị luận văn học. Đây là vấn đề rất sâu sắc, mới mẻ, với học sinh thì ngay bản thân vấn đề đưa ra với các em đã có tính phân loại. Vấn đề tiềm lực nói ở đây không chỉ chỉ là vật chất như khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa… mà còn là vấn đề tiềm lực con người, tiềm lực trí tuệ.

Tôi ấn tượng với câu hỏi số 4 phần đọc hiểu và câu số 1 phần làm văn, đây là 2 câu hỏi có tính phân hóa rất rõ, đòi hỏi chính kiến, quan điểm học sinh rất rõ ràng, suy nghĩ sâu sắc mới có thể trả lời tốt câu hỏi này.

Cụ thể, câu 4 phần đọc hiểu, trả lời được học sinh cần cắt nghĩa được quan điểm của tác giả, sau đó yêu cầu có tính nâng cao là học sinh phải phân tích xem quan điểm đó có phù hợp thực tiễn không. Đây là yêu cầu mở, học sinh có thể đồng tình, có thể phản biện, hoặc có thể đồng tình kết hợp phản biện. Đây chính là mảnh đất để học sinh phát huy năng lực.

Có thể nói, đây là một đề thi hay, có ý nghĩa thực tiễn và đảm bảo độ phân hóa.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Thái Bình (Thái Bình):

Đề thi Ngữ văn năm nay bám rất sát vào hướng dẫn và đề mẫu của Bộ GD-ĐT cũng như bám sát chương trình học của học sinh THPT. Các vấn đề đặt ra trong đề thi không xa lạ với kiến thức cũng như thực tế cuộc sống của học sinh. Đề thi có tính phân loại cao.

Cụ thể, cấu trúc đề thi có 3 phần. Phần đọc hiểu có đủ kiến thức nhận thức thông hiểu, vận dụng. Bên cạnh đó cũng kiểm tra được khả năng sáng tạo, gắn được văn học với đời sống thực tế. Phần Nghị luận xã hội có mức độ phân hóa cao hơn trước. Câu hỏi về đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân, điểm mới là gắn được đánh thức tiềm lực đất nước với bản thân mỗi người, nâng cao hơn so với cách ra đề trước đây chỉ hỏi về đánh thức tiềm lực đất nước.

Phần Nghị luận văn học có đưa kiến thức của lớp 11 vào nhưng tỷ lệ không nhiều,  trọng tâm kiến thức vẫn là lớp 12. Qua hai hình ảnh đối lập của hai tác phẩm, từ đó đưa ra nhận xét về cách nhìn hiện thực nghĩa là đã kiểm tra được kiến thức văn học sử. Học sinh sau khi học lớp 12 có thể đối sánh với lớp 11 để so sánh được sự khác biệt của văn học của sau năm 1945 với các tác phẩm văn học trước năm 1975.

Với các học sinh, do được ôn tập đã theo định hướng này từ khi nhận được đề thi mẫu của Bộ GD-ĐT nên sẽ không bất ngờ, xa lạ với dạng đề này. Các học sinh giỏi có đất để sáng tạo, vì vậy đề phân hóa được các học sinh giỏi.

Cô giáo Vũ Thị Bình, giáo viên Trường Trần Phú (Hà Nội):

Về cấu trúc đề đảm bảo đúng với cấu trúc đề minh họa của Bộ, học sinh, giáo viên sẽ không bị bất ngờ với đề thi này.

Theo tôi, đây là một đề phân hóa và phân hóa cao hơn so với đề năm ngoái. Với đề thi này, học sinh của trường tôi sẽ làm được từ 60-80%, đương nhiên có những em ở mức độ cao hơn nên phổ điểm trung bình sẽ từ 6-8 điểm.

Cái hay của đề phân loại được học sinh. Ngữ liệu trong phần đọc hiểu cũng là ngữ liệu đánh thức tiềm lực đất nước và đánh thức được ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với đất nước. Tùy theo trình độ, khả năng nhận thức của mỗi người để có thể bàn luận theo những hướng khác nhau.

Cá nhân tôi rất mong có những vấn đề phân loại tốt, văn học gắn với cuộc sống, hình thành nhân cách cho học trò, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Cho nên những đề văn hay là những đề văn không chỉ có chất văn mà còn phải đạt được yêu cầu đó.

Cô Vũ Đỗ Quyên, giáo viên Trường THPT Quang Trung, Đống Đa (Hà Nội):

Đây là đề văn hay, đảm bảo kiến thức cơ bản, phát huy tính sáng tạo của học trò, đề cao tính trách nhiệm của công dân với học sinh. Đề phù hợp với khả năng học sinh, đúng với trọng tâm chương trình, rất gần gũi về hình thức và nội dung, cách thức ra đề minh hoạ. Tuy nhiên, dạng đề này phát huy sự sáng tạo, học sinh phải hiểu văn bản mới làm bài tốt nhất. Dạng đề này không cho phép hiểu máy móc, chống được cách làm theo bài văn mẫu, học sinh phải hiểu, cảm nhận đúng về tác phẩm, nghệ thuật xây dựng, hình tượng, của nhà văn mới có thể đạt điểm cao nhất. Do đó để đạt điểm trung bình không khó, nhưng để đạt điểm khá giỏi phải hiểu sâu, kỹ về văn bản.

Đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Với các em học sinh, chính tính phân loại cao của đề thi khiến các em có nhiều ý kiến trái ngược nhau về tính dễ - khó của đề thi này.

Em Nguyễn Bảo Hân, 12A2 THPT Kim Liên, Đống Đa (Hà Nội):

Đề văn năm nay rất khó, khó hơn so với các đề văn năm trước. Phần so sánh sự đối lập của hai tác phẩm hơi quá sức với em, nên em dự đoán chỉ được 5-6 điểm. 

Em Lê Văn Huy, Trường THPT Quang Trung, Đống Đa (Hà Nội):

Đối với em đề văn năm nay dễ so với năm trước. Em không thi ban D và lấy điểm môn Văn để xét tuyển vào đại học nhưng em cũng dự đoán mình làm được từ 5-6 điểm nên với các bạn ôn tập ban D có thể sẽ được điểm cao hơn.

Em thích nhất câu 4 của phần đọc hiểu, đối với em, vấn đề "đánh thức tiềm năng đất nước" này không sát với thực tiễn của hiện tại lắm. Hiện tại người ta khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, tài nguyên thiên nhiên dần dần sẽ cạn kiệt đi chứ không thể cứ ngủ yên được.

Em Từ Xuân Hoàng, Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa (Hà Nội):

Nguyên vọng của em là xét tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân. Đề Ngữ văn năm nay hơi khó hơn các đề văn năm trước, mức độ phân hóa cao hơn, nhưng em vẫn làm được bài.

Em thích nhất câu cuối cùng, câu nghị luận văn học. Câu này thực sự là câu phân hóa học sinh giữa học sinh chỉ xét tốt nghiệp và học sinh xét tuyển vào đại học vì rất ít người nghĩ có thể vào được phần thi này. Câu này dù em chưa học kỹ nhưng vẫn là một trong những kiến thức đã ôn tập nên em vẫn làm được. Theo em dự đoán, em có thể được từ 7,5-8 điểm.

Xem clip chia sẻ về kết quả bài thi môn Ngữ văn của các em học sinh:



L.Sơn/Báo Tin tức