06:21 20/06/2012

Kỷ niệm về tuyến lửa Vĩnh Linh của nữ nhà báo Marta Rojas

Dường như những kỷ niệm về những năm tháng sôi động nhất với ngòi bút của Marta Rojas là vô tận và luôn gắn liền với hai chữ “Việt Nam”. Lần này không phải là câu chuyện về những chuyến đi bộ hàng tháng trời để đến với căn cứ cách mạng miền Nam Việt Nam...

Nữ nhà báo nổi tiếng người Cuba Marta Rojas không phải là người xa lạ đối với độc giả Việt Nam. Bà đã nhiều năm lăn lộn ở Việt Nam trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà cũng là phóng viên nước ngoài cuối cùng phỏng vấn Bác Hồ kính yêu trước lúc Người đi xa. Đã có rất nhiều bài báo nói về nữ nhà báo cách mạng này nhưng mỗi lần gặp Marta Rojas chúng tôi lại được nghe kể về một câu chuyện lý thú trong cuộc đời làm báo của bà. Dường như những kỷ niệm về những năm tháng sôi động nhất với ngòi bút của Marta Rojas là vô tận và luôn gắn liền với hai chữ “Việt Nam”. Lần này không phải là câu chuyện về những chuyến đi bộ hàng tháng trời để đến với căn cứ cách mạng miền Nam Việt Nam ở Tây Ninh, hay thời gian sát cánh cùng với những chiến sỹ Quân giải phóng, mà là kỷ niệm không thể quên vào tuyến lửa Vĩnh Linh và vĩ tuyến 17…


Đó là những ngày đầu hè năm 1969. Cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở thời điểm khốc liệt nhất và vùng đất mà nhà báo Marta Rojas định tới trong chuyến đi lần này là nơi hàng ngày phải hứng chịu lượng bom khổng lồ của kẻ thù. Với dân số chỉ vào khoảng 80.000 người nhưng đế quốc Mỹ đã ném xuống Vĩnh Linh tới 638.000 tấn bom. Nhưng điều đó không thể ngăn cản nhà báo Marta Rojas thực hiện khát khao được tận mắt chứng kiến sức chịu đựng và tinh thần chiến đấu quật cường của người dân vùng đất lửa này.

Bà Marta Rojas và những tập ảnh tư liệu về những chuyến công tác tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam


Marta Rojas nhớ lại người tháp tùng bà trong chuyến đi đó là Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ, một người miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva. Cuộc trò chuyện trên đường với ông Kỳ về sự chia cắt của hàng triệu gia đình Việt Nam thời kỳ đó giúp bà hiểu thêm về sự hy sinh lớn lao mà mỗi người Việt Nam đã phải trải qua, cũng như khát vọng tự do và thống nhất đất nước của cả dân tộc Việt Nam anh hùng. Càng gần tới Vĩnh Linh thì Marta Rojas càng cảm nhận được sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Những căn nhà chỉ còn là những đống đổ nát, cầu cống bị đánh sập, phố xá đầy những hố bom...

Nhà báo Marta Rojas nói chuyện với các nữ dân quân Vĩnh Linh (1969). Ảnh do nhân vật cung cấp


Cảm nhận đầu tiên của nữ nhà báo Cuba về Vĩnh Linh là không có gì có thể tồn tại được ở đó dưới sự tàn phá của bom đạn, không có dấu vết của một thị trấn mà chỉ là những đống đổ nát còn sót lại. Tuy nhiên, khi đặt chân tới Vĩnh Linh và được gặp gỡ với những người dân địa phương, Marta Rojas mới nhận ra rằng không gì có thể khuất phục được dân tộc Việt Nam. Những cánh đồng lúa, hoa màu vẫn được trồng lên trên mảnh đất khói lửa này. Mỗi khi những đợt ném bom và bắn phá của kẻ thù kết thúc thì người dân Vĩnh Linh với cây súng trên vai lại xuất hiện từ dưới hầm và khu địa đạo để chăm sóc đồng ruộng của mình.


Sự lạc quan yêu đời của người dân Vĩnh Linh khiến nhà báo Marta Rojas vô cùng cảm phục. Khi nói chuyện với bất kỳ ai ở vùng đất này, từ những chiến sỹ bộ đội, cô dân quân tới các cụ già, bà đều thấy họ tươi cười, cởi mở và đặc biệt là rất thân thiện. Ý chí sắt đá của người dân Vĩnh Linh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung dường như tiếp thêm sức mạnh để Marta Rojas có được những bài báo sống động, truyền tải tới nhân dân Cuba và Mỹ Latinh về con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, cũng như bản chất tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược.


Tiếp tục câu chuyện, bà Marta Rojas bồi hồi nhớ lại những điều tai nghe mắt thấy về lá cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc sông Bến Hải. Bất chấp việc đế quốc Mỹ ngày đêm đánh bom và bắn phá từ phía bờ Nam nhưng chưa một phút nào lá cờ này ngừng tung bay. Có những thời điểm mà tất cả mọi thứ ở vùng giáp với vĩ tuyến 17 đều bị san phẳng thì lá cờ khổ lớn treo trên chiếc cột cao 60 mét vẫn sừng sững đứng đó như là biểu tượng của một nước Việt Nam thống nhất. Marta Rojas bảo rằng bà cảm thấy xúc động nhất khi nghe câu chuyện về việc cấp trên ra lệnh sơ tán toàn bộ người dân ở vùng đất xung quanh vĩ tuyến 17 khi đế quốc Mỹ liên tục leo thang ném bom, nhưng hầu hết mọi người đều không đồng ý. Trừ trẻ em, người ốm đau và tàn tật được đưa đi sơ tán còn lại tất cả đều quyết tâm ở lại sát cánh cùng bộ đội bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc nơi tuyến lửa. Đặc biệt là một bà mẹ Việt Nam đã bám trụ trong suốt thời gian đó ở sát khu vực cột cờ để bảo đảm rằng lá cờ sẽ không ngừng tung bay dù chỉ một phút. Bà sống dưới một căn hầm được đào sẵn cùng với một chiếc máy may và một số lượng vải được dự trữ đủ để may vá lá cờ bất cứ khi nào nó bị bom đạn của quân thù phá rách.


Marta Rojas nhớ lại câu nói ấn tượng nhất với bà trong chuyến đi đó là của một nữ dân quân rằng “Quân thù muốn vùng đất Vĩnh Linh phải trở lại thời kỳ đồ đá nhưng chắc chắn chúng không bao giờ làm được. Chúng tôi có thể chứng minh rằng dưới làn bom đạn thì người dân Vĩnh Linh vẫn có thể tự cung cấp lương thực để tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa này”. Người dân Vĩnh Linh đã sống và chiến đấu như vậy đó, bà Marta Rojas kết luận.


Biết chúng tôi muốn ghi lại câu chuyện của bà cho số báo nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Marta Rojas thổ lộ rằng Việt Nam luôn có một tình cảm đặc biệt trong trái tim của bà. Chính những năm tháng có mặt trong chiến tranh ở Việt Nam đã tôi luyện thêm cho bà bản lĩnh của một nhà báo và một con người cách mạng. Marta Rojas khẳng định tự cảm thấy mình không chỉ là một nhà báo Cuba mà còn là một nhà báo Việt Nam luôn đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc anh em.

Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)