03:15 04/03/2011

Kỷ niệm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng Việt Nam

Những ngày này, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên địa bàn tỉnh Sơn La nhộn nhịp tiếp các đoàn khách, đồng bào đến chúc mừng, chia vui với cán bộ, chiến sĩ nhân kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2011) và kỷ niệm 22 năm Ngày Biên phòng toàn dân.

Những ngày này, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên địa bàn tỉnh Sơn La nhộn nhịp tiếp các đoàn khách, đồng bào đến chúc mừng, chia vui với cán bộ, chiến sĩ nhân kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2011) và kỷ niệm 22 năm Ngày Biên phòng toàn dân.

Đại tá Đỗ Quốc Vinh, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: Các đơn vị thường xuyên gắn bó với dân, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở, các lực lượng tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc vùng biên giới thực hiện nghiêm các quy định về Quy chế biên giới. BĐBP tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội tại các xã biên giới, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân phát động phong trào quần chúng tham gia tự chủ, tự quản đường biên, mốc giới đạt hiệu quả cao.

Hưởng ứng phong trào “Mái ấm biên cương”, BĐBP Sơn La đã góp công sức hoàn thành 164 ngôi nhà mới và 3 công trình dân sinh, giúp những hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới của tỉnh. Các đơn vị BĐBP cùng chính quyền cơ sở tổ chức ký kết thực hiện ở tất cả các bản giáp biên gắn phát triển kinh tế - xã hội với việc tự chủ, tự quản lý bảo vệ đường biên với việc nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Qua đó người dân có ý thức hơn về quốc gia quốc giới, có trách nhiệm cùng BĐBP ngăn chặn nạn xâm canh, xâm cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa bàn vùng biên.

Chúng tôi đến đơn vị BĐBP 459 (huyện Yên Châu - Sơn La) khi Đội tuần tra chuẩn bị làm nhiệm vụ. Lần này, ngoài đồng chí thiếu tá, Đồn phó Hà Ngọc Sơn và 3 chiến sĩ, còn có 2 nữ dân quân địa phương. Con đường tuần tra của họ là 6,5 km đường biên, vượt qua các bản Nà Hiên, bản Đen, bản Tẻn, nơi sinh sống của các hộ đồng bào dân tộc Mông và Sinh Mun.

Đến địa phận cột mốc 218, những người lính biên phòng vừa trang nghiêm, vừa xúc động thực hiện nghi lễ chào cột mốc. Nghi lễ này với những người lính biên phòng đã trở thành thói quen gắn bó, thể hiện sự trân trọng, giây phút thiêng liêng khi đứng trước cột mộc đánh dấu chủ quyền Tổ quốc. Thiếu tá Hà Ngọc Sơn giải thích thêm: Cột mốc này trước đây có số hiệu E3. Thực hiện chỉ đạo về tăng dầy cột mốc, sắp tới sẽ có thêm 3 cột mốc nữa được cắm trên đường biên mà đơn vị 459 đảm nhận quản lý và tên mới của cột mốc đổi thành số hiệu 218.

Đơn vị biên phòng 459 mới được thành lập năm 2008, đóng quân tại xã Phiêng Pằn. Xã Phiêng Pằn có 19 bản, dân tộc chủ yếu là Sinh Mun và Mông. Ông Vì Văn Sáng, Trưởng bản Phiềng Sáng, xã Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn cho biết: Từ khi có đơn vị biên phòng 459, bà con được nhờ nhiều lắm, không sợ kẻ xấu làm hại mình. Người Sinh Mun và người Mông ở cùng một bản được cán bộ, chiến sĩ biên phòng thường xuyên đến vận động tuyên truyền về chính sách dân tộc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn bà con cách làm ăn mới, đưa cây, con giống có giá trị kinh tế để nuôi trồng.

Còn ở đơn vị biên phòng 453 đóng quân trên địa bàn xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, cán bộ chiến sĩ ở đây đã cùng bà con tại 5 bản giáp biên phát đường tuần tra biên giới, phát quang quanh 4 cột mốc từ D4 đến D7 thuộc địa bàn xã quản lý trên 50 km đường biên. Trưởng bản Pu Hao khoe: Bà con người Mông đã có ý thức bảo vệ rừng, không săn thú hoang. Bà con đã không nghe theo lời những kẻ xấu tuyên truyền lôi kéo, kích động chia rẽ dân tộc, chia rẽ giữa các dòng họ... BĐBP được bà con tin yêu lắm!

Điêu Chính Tới