06:11 20/06/2011

Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng việt Nam 21/6: Chuyện nhà báo săn tin

Với số lượng hàng trăm cơ quan báo chí, áp lực cạnh tranh thông tin ngày càng lớn. Báo nào cũng muốn có tin hay, tin độc, tin “hot”... để thu hút độc giả. Nhưng đâu phải cơ quan nào, đâu phải ai cũng rộng cửa đón tiếp nhà báo.

Với số lượng hàng trăm cơ quan báo chí, áp lực cạnh tranh thông tin ngày càng lớn. Báo nào cũng muốn có tin hay, tin độc, tin “hot”... để thu hút độc giả. Nhưng đâu phải cơ quan nào, đâu phải ai cũng rộng cửa đón tiếp nhà báo. Vì vậy, để có thông tin nóng hổi bám sát những vấn đề dư luận quan tâm, các nhà báo luôn xác định săn tin là nhiệm vụ sống còn...

Muôn kiểu săn tin

Đâu phải lúc nào đề nghị của nhà báo về việc cung cấp thông tin cũng được dễ dàng chấp thuận. Nhiều khi nguồn tin nhận lời trả lời phỏng vấn mà lại không cho ghi âm vì sợ để lại bằng chứng, sợ chịu trách nhiệm về việc phát ngôn. Bởi thế, nhà báo nhiều khi phải dùng thủ thuật ghi âm “trộm” để không bị phát hiện. Ngày nay, việc ghi âm lén trở nên đơn giản bởi chiếc ghi âm kỹ thuật số rất gọn nhẹ, dễ dàng để đút vào túi xách hoặc túi quần, áo... Với nhiều chiếc điện thoại hiện đại có cài chức năng ghi âm, phóng viên có thể vừa gọi điện cho nguồn tin, vừa ghi âm. Hoặc với những chiếc máy ảnh với ống kính có thể chụp xa tới vài chục mét, việc chụp ảnh những địa bàn nóng, nhạy cảm như cảnh hút chích ở một khu buôn bán ma túy, địa bàn hoạt động của các gái mại dâm, hay địa bàn của bọn buôn lậu... của nhà báo cũng dễ dàng hơn.

Phóng viên TTXVN Nguyễn Đức Thọ tại Quảng Bình vượt lũ vào với đồng bào Rục ở Thượng Hóa - Minh Hóa, Quảng Bình bị nước lũ chia cắt (ảnh do phóng viên cung cấp).


Không những phải có lúc ghi âm, chụp ảnh lén (tất nhiên chỉ ở những nơi mà việc này không vi phạm pháp luật), nhiều khi để có những loạt bài điều tra về các vấn đề dư luận quan tâm, đặc biệt là các vấn đề tiêu cực, nhiều phóng viên còn phải mạo hiểm giả danh hoặc đóng vai người khác để dễ dàng thâm nhập và thu thập thông tin. Vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, phong trào người nhập cư bất hợp pháp vào Pháp để tìm đường sang Anh rộ lên bất thường, trong đó có cả người Việt Nam. Nhận thấy đây là vấn đề nóng, phóng viên thường trú của TTXVN tại Pháp Nguyễn Thu Hà đã quyết tâm theo đuổi vấn đề này để viết chùm bài phóng sự điều tra "Người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh". Để viết bài này, chị đã phải thân gái dặm trường, đi hàng trăm cây số, mò vào rừng rú để gặp những người tị nạn Việt Nam bất hợp pháp tại nước Anh. "Muốn có những bài viết hay, sống động không có cách nào khác là phải đi thực tế, đến tận hiện trường , thậm chí "sống cùng" nhân vật”, chị tâm sự. Chùm bài phóng sự điều tra "Người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh" đã được giải A giải báo chí TTXVN năm 2010 và giải C Giải báo chí Quốc gia 2010.

Nữ phóng viên PTT của báo Tin Tức để viết loạt bài phóng sự về việc giải tỏa xóm liều Thanh Nhàn, một điểm nóng bức xúc về an ninh trật tự thành phố Hà Nội đã phải biến mình thành “dân chơi” đi tìm kiếm thuốc trắng. Theo chị PTT, lọt vào xóm liều Thanh Nhàn là phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, nhiều người cư trú hoặc lai vãng ở địa bàn đó đều có tiền án, tiền sự, không ít người nghiện nhiễm HIV. Nếu để các đối tượng này phát hiện ra mình là “nhà báo” là chị khó bề “sống sót”. May mà để nhập vai dân chơi này, chị đã phải thuyết phục được một con nghiện đang có ý định hoàn lương giúp đỡ để xâm nhập. Bản thân chị cũng đã phải đọc, phải quan sát rất kỹ để nhập vai dân chơi.

Với phóng viên P.D, báo ANTG, việc giả danh là gay để đi viết bài về chủ đề đồng tính cũng không dễ dàng. P.D kể, những người đồng tính do tâm lý mặc cảm thường giấu mình rất kỹ nên lúc đầu với danh xưng nhà báo, anh chẳng khai thác được thông tin gì. Tuy nhiên, khi giả danh là gay, anh không chỉ hiểu cuộc sống, những mối quan hệ phức tạp của họ mà hơn hết còn hiểu được những nỗi khổ đau, những tâm trạng giằng xé của những người luôn phải giấu thân phận của mình và chịu nhiều mặc cảm. Thậm chí, chỉ vì viết loạt bài về vấn đề này quá thành công, nhà báo P.D còn phải đối mặt với tin đồn bản thân mình cũng có vấn đề về giới tính. Tuy nhiên, loạt bài về người đồng tính đăng trên báo ANTG hé lộ nhiều bí mật về những người đồng tính đã được bạn đọc quan tâm với anh đã là niềm động viên rất lớn.

Săn tin là hoạt động mà mỗi nhà báo phải làm hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, nhiều nhà báo thừa nhận, để săn tin giỏi thì không dễ. Một nhà báo có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nhận xét: Muốn săn được tin, nhà báo “tai lúc nào cũng dỏng, mắt lúc nào cũng đáo nhìn, miệng lúc nào cũng đưa đẩy”, tức là nhà báo phải rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin. Nhà báo cũng phải có quan hệ tốt với ngành được theo dõi. Nhiều nhà báo nhận xét: Chỉ khi nào bấm điện thoại của các sếp ngành mà không bị từ chối, vào phòng lãnh đạo mà không cần phải lên lịch trước... thì mới có thể moi được tin độc. Nhiều phóng viên bám ngành "chặt" đến nỗi được coi như người nhà nên luôn có được những thông tin sớm nhất về ngành mình theo dõi. Nhà báo đeo bám được các sự kiện còn phải có độ lì, độ trơ rất cao. Nhiều khi bị xua đuổi, bị từ chối năm lần bảy lượt vẫn lẵng nhẵng bám theo nguồn tin. Thậm chí, để săn tin về những điểm nóng, nhà báo phải có cả sự dũng cảm... Nhiều nhà báo đã phải trả giá đắt cho việc săn tin, bị đánh đập hành hung, thậm chí bị hy sinh trong quá trình tác nghiệp.

Nhà báo Trần Thế Dũng, báo Người lao động đã từng phải đối mặt với tình huống nguy hiểm là mặc dù đã bị các đối tượng tham gia buôn lậu cảnh cáo nhiều lần nhưng khi được Ban biên tập giao viết bài về chống buôn lậu ở Lạng Sơn, anh vẫn vác ba lô đi viết bài. Vụ việc anh bị các đối tượng buôn lậu đánh trọng thương ở Kéo Kham - Lạng Sơn đã khiến dư luận và những người làm báo rất bất bình. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần bị dọa nạt, đánh đập, hành hung... anh cho biết sẵn sàng nhận các nhiệm vụ đưa tin viết bài ở các điểm nóng. Bởi, "khi đã chọn nghề báo là nhà báo đã phải chấp nhận dấn thân, chấp nhận cả với việc đối mặt với nguy hiểm", anh khẳng định.

Săn tin thời @

Theo ý kiến của nhiều nhà báo thế hệ trước, việc săn tin của nhà báo ngày nay và xưa có khá nhiều điểm khác biệt. Nhà báo Thao Lan, nguyên là phóng viên phụ trách mảng công nghiệp, xây dựng của báo Tin Tức, nay đã nghỉ hưu, cho rằng, việc săn tin của nhà báo thời nay “sướng” hơn do được hỗ trợ bởi các trang thiết bị hiện đại hơn nhưng lại khổ hơn vì áp lực cạnh tranh: “Trước đây, các cơ quan báo chí và nhà báo chưa nhiều như bây giờ nên nhà báo đi đến đâu cũng được đón tiếp rất nhiệt tình. Nhưng bây giờ, với tâm lý cảnh giác với báo chí, nhiều cơ quan chặn nhà báo ngay từ vòng gửi xe, nhiều quan chức hễ thấy điện thoại nhà báo là tắt máy từ chối trả lời... nên việc tiếp cận thông tin của nhà báo cũng khó khăn hơn".

Ngày nay, thậm chí, nhiều cơ quan còn quy định quy chế phát ngôn, theo đó để có được thông tin, nhà báo phải gửi câu hỏi phỏng vấn, phải đặt lịch liên hệ trước... việc tuân thủ đủ các quy định này khiến các nhà báo mất rất nhiều thời gian, công sức. Sau khi gửi câu hỏi, nhà báo phải chờ đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng... mới có được câu trả lời. Lúc đó, có khi thông tin đã hết tính thời sự. Một nhà báo công tác ở tờ báo ngành tâm sự: Những cơ quan báo chí lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, TTXVN, Đài tiếng nói Việt Nam còn dễ liên hệ phỏng vấn, lấy thông tin chứ các báo nhỏ thì việc phóng viên săn tin các bộ, ngành khó khăn hơn rất nhiều...

Riêng về khoản công nghệ thì nhà báo thời nay “sướng” hơn các thế hệ trước rất nhiều. Hầu hết các nhà báo đều được trang bị đến “tận răng” với ghi âm kỹ thuật số, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, USB 3G... Những phương tiện kỹ thuật này giúp cho hoạt động của nhà báo dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Máy tính xách tay nhỏ gọn giúp nhà báo có thể tác nghiệp tại ngay hiện trường. Với mạng Internet, USB 3 G, nhà báo có thể chuyển thông tin từ mọi nơi về tòa soạn một cách nhanh chóng...

Tuy nhiên, săn tin thời @ cũng có nghĩa là nhà báo cạnh tranh thông tin khốc liệt hơn. Các báo mạng ngày nay cạnh tranh thông tin với nhau không phải theo giờ mà thậm chí ăn thua nhau đến từng phút... Không săn tin được đồng nghĩa với việc các phóng viên theo dõi ngành, theo dõi sự kiện sẽ bị khiển trách, kiểm điểm, trừ lương thưởng... Ngày trước, đi hội nghị, hội thảo xong có khi còn “chén chú, chén anh” say sưa với cơ sở đã rồi lo làm tin, bài sau. Còn bây giờ, hội nghị, hội thảo nhiều khi chưa bế mạc, tin bài đã phải làm xong, phải gửi về sớm để phát báo, phát mạng.

Thu Hường