03:18 04/03/2019

Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc: Những chuyến tàu vệ quốc

Trên dải đất của Tổ quốc, có những chuyến tàu xuôi Nam ngược Bắc chở thương nhớ, niềm vui, sự đoàn tụ sum vầy, chở háo hức của những hành trình khám phá. Nhưng lại có những đoàn tàu suốt năm tháng ngược lên biên giới phía Bắc chở nặng khát vọng, sứ mệnh: Cho non sông sạch bóng thù!

“Chứng nhân” của những đoàn tàu ngược lên biên cương phía Bắc để giữ từng tấc đất quê hương, chống kẻ thù xâm lấn là ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Ông Liêm cũng còn là “chứng nhân” của những nhà ga, cầu đường ở tuyến đường sắt phía Bắc bị kẻ thù phá hủy trong những ngày tháng 2, đầu tháng 3 năm 1979.

“Hình ảnh đập vào mắt khi từ Hà Nội lên tới ga Đồng Đăng sáng 18/2 là cảnh tan hoang, đổ nát ở đây. Toàn bộ các toa tàu đều bị kẻ địch phá hoại. Rất may là có một số đầu máy chạy hơi nước, đầu máy động cơ diesel được cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt dũng cảm, mưu trí cứu được như trường hợp người thợ máy trẻ Vũ Minh Tiến vào rạng sáng 17 tháng 2.

Bất chấp sương mù dày đặc, xe tăng và bộ binh đối phương tràn tới, Vũ Minh Tiến cùng hai người thợ khác đã lái chiếc đầu máy 102 thoát khỏi làn đạn như dội mưa của chúng. Ra đến vùng an toàn mới thấy chiếc đầu máy đầy những vết đạn. Sau này, chính chiếc đầu máy đó lại kéo những chuyến tàu chở bộ đội lên biên giới”, ông Phạm Sĩ Liêm kể lại.

Nhớ rất rõ việc dốc sức, dốc lực khôi phục giao thông trên các tuyến đường sắt phía Bắc ngay trong ngày tháng khốc liệt ấy, ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam, cho hay: Các nhà ga trên hai tuyến đường Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Lào Cai đảm nhận những nhiệm vụ chuyên chở đặc biệt trong những điều kiện hết sức khó khăn, đều hoàn thành nhiệm vụ. Họ sẵn sàng cầm súng chiến đấu, nhưng công việc chính của anh chị em là bảo đảm những chuyến tàu, những sản phẩm mới, năng suất mới. Họ hiểu sức nặng của mỗi chuyến tàu ra tiền phương ấy là sấm sét trút vào bọn xâm lược.

“Trên các tuyến đường sắt của Tổ quốc, những con tàu như chưa bao giờ khẩn trương, hối hả như bấy giờ”, ông Khuất Minh Trí hồi nhớ.

 Lịch sử ngành Đường sắt đã ghi lại rất rõ: Trong 3 ngày có chiến sự, ngành đã chuyển được 15 vạn đồng bào tới nơi sơ tán an toàn, chuyển tải theo kiểu “sâu đo”, đưa 41 toa xe về tuyến sau, cấp cứu 43 thương binh. Hơn 100 chuyến tàu đã vận chuyển gần 23 vạn nhân dân đi sơ tán, từ Phố Lu về Bảo Hà, từ Lạng Sơn về Đồng Mỏ, Bản Thí.

Trong những ngày đang chiến đấu, ngành đã vận chuyển hơn 1 vạn tấn lương thực, thực phẩm từ Hà Nội lên Hoàng Liên Sơn, Lạng Sơn, Bắc Thái. Ngành chủ động giúp nhân dân huyện Bảo Thắng sơ tán kho hàng và vận chuyển cho bộ đội hơn 1 vạn tấn hàng các loại phục vụ chiến đấu. Địch vừa rút lui, ngành Đường sắt đã khôi phục ngay tuyến đường sắt Lạng Sơn và phía tây. Ngày 21/3/1979, ga Lạng Sơn đã đón chuyến tàu khách đầu tiên sau cuộc chiến đấu thắng lợi chống quân xâm lược và đưa khách từ Lạng Sơn về xuôi an toàn.

Một “chứng nhân” khác của năm tháng ấy là người cựu binh Sư đoàn 356, Nhạc sĩ Trương Quý Hải. Nhớ như in sân ga Yên Viên một ngày tháng 9 năm 1982, những đoàn tàu nối đuôi nhau vào ga, tiếng toa tàu dồn nhau ken két, rồi còi tàu rúc từng hồi lên đường. Khung cảnh bịn rịn tiễn đưa ở sân ga đến thắt lòng. Những bóng người tiễn vun vút lướt qua rồi mờ dần, nhỏ dần đến khi khuất hẳn. Những đường ray vươn dài phía trước như bất tận. Chuyến tàu từ ga Yên Viên lên Phố Lu ngày đó, ngoài ông còn là hàng ngàn khuôn mặt thư sinh người Hà Nội, vẫn nguyên sắc áo trắng lên đường tòng quân.

“Tháng 2 năm 1979, súng đã nổ và máu đã đổ khắp 6 tỉnh biên giới. Tôi có nghe những người anh kể về các trận đánh giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Vì thế khi cầm trên tay tấm giấy báo trúng tuyển vào Đại học Mỏ Địa chất, tôi quyết định xếp lại ước mơ vào giảng đường để thực hiện khát vọng lớn hơn là nhập ngũ bảo vệ đất nước. Khi đó, chúng tôi lên tàu đi từ ga Yên Viên nhưng không biết đi đâu. Mãi đến khi tàu dừng lại mới biết mình đang ở biên giới phía Bắc, cụ thể là Lào Cai”, Nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ lại.

Dõi ánh mắt về phía xa, tâm trí người cựu chiến binh Sư đoàn 356 như quay lại chặng đường hành quân từ Lào Cai sang Tuyên Quang rồi lên mặt trận Vị Xuyên. Ở nơi đó, súng đã nổ, máu đã rơi nhưng chợ vẫn họp, quán vẫn mở còn người dân vẫn bình thản sống. Bồi hồi nhắc lại thời khắc qua thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, Hà Giang có bà cụ lưng còng chống gậy, mặc chiếc váy rách chặn đoàn tân binh lại để đưa một rá gạo và lời căn dặn “các con đi rồi về nhé”, ông nói rằng, hình ảnh ấy và những bàn tay vẫy của các em bé, các bà mẹ đã tác động rất mạnh đến những người lính.

“Đó chính là sự trao gửi, chờ mong, tin tưởng, là khát vọng và động lực để người lính chúng tôi chiến đấu cho non sông sạch bóng thù. Chúng tôi hiểu mình chiến đấu vì ai, vì điều gì..."- Nhạc sĩ Trương Quý Hải bồi hồi nói.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)