05:09 27/05/2011

Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: Nguyễn Tất Thành ở Bình Định

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Định đã phối hợp với các cơ quan khoa học: Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Định đã phối hợp với các cơ quan khoa học: Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, tổ chức thành công 3 Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quy Nhơn. Kết luận từ các cuộc hội thảo này rất có giá trị nhân Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh (19/5/1890- 19/5/2011) và 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011).

Qua đề dẫn và báo cáo khoa học, PGS-TS Phạm Hồng Chương, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh đã đồng tình với tác giả Đỗ Quyên, tác giả của cuốn sách: “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định biên soạn và xuất bản năm 1991, cùng với một số tác giả khác đã dựa vào Tờ trình của Bộ Lại của Triều đình Huế ngày 11/4 năm Duy Tân thứ 3 (tức là ngày 29/5/1909), và Tấu trình về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Huy (tức Nguyễn Sinh Sắc) vào Ban chấm thi Hương, trường Bình Định, khoa thi Kỷ Dậu ngày 16/3/1909, năm Duy Tân năm thứ 3 (tức ngày 5/5/1909 - Dương lịch). Qua đó đã khẳng định, Nguyễn Tất Thành cùng anh là Nguyễn Sinh Khiêm theo cha vào Bình Định, khi ông Nguyễn Sinh Sắc đi chấm thi ở trường thi Bình Định.

Quang cảnh cuộc hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” tổ chức tại Quy Nhơn.

Như vậy, qua bằng chứng tư liệu lịch sử, các nhà khoa học đã xác định: Trên lộ trình tìm đường cứu nước, sự kiện Nguyễn Tất Thành đã đến Bình Định cùng với cha vào khoảng trung tuần tháng 5/1909, đồng thời là kết quả của một quá trình chuẩn bị về tư tưởng và hoạt động của chính Nguyễn Tất Thành với sự dẫn dắt của người cha là ông Nguyễn Sinh Sắc.

Về thời gian Nguyễn Tất Thành rời Bình Định, trong bản tham luận của mình, Tiến sĩ Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã nêu: Từ Huế theo cha vào Bình Định, Nguyễn Tất Thành lúc này vẫn là một người con phụ thuộc vào bố mẹ. Tuy rằng ở Huế, anh đã có những hành động yêu nước như một người trưởng thành. Sau khi cha bị cách chức tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành đã không theo cha trở về Huế mà vẫn ở lại tiếp tục học tập và sau đó tự độc lập quyết định hướng đi của mình và anh không thể ở lại Bình Định lâu, vì lúc này cụ Nguyễn Sinh Sắc bị cách chức, nguồn tài chính ăn học không còn, anh đã quyết định đi về phía Nam, để ra đi tìm đường cứu nước.

Dựa trên những minh chứng của tư liệu sử học và trên cơ sở phân tích các mối liên hệ, các nhà khoa học cho rằng: Mặc dù đã vạch lộ trình đi tìm đường cứu nước, nhưng chắc chắn với đạo đức truyền thống và khi chưa phải chịu sự thúc đẩy cấp bách nào, Nguyễn Tất Thành không thể quay lưng ra đi trước khi biết rõ thái độ cuối cùng của nhà nước thực dân - phong kiến với cha mình (tháng 8/1910). Do vậy, với các kiến giải khoa học trên nhiều khía cạnh khác nhau, kể cả khắc phục khó khăn về giao thông lúc đó và cả về sự quen biết, các nhà khoa học đã xác định rằng: Nguyễn Tất Thành cùng với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ rời Bình Định đi vào Bình Thuận vào khoảng tháng 8/1910.

Ông Đinh Bá Lộc, lão thành cách mạng, nguyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, một trong những người 3 lần được gặp Bác Hồ trên quê hương đất Bắc cho biết: Lần nào gặp Bác, nói đến quê hương Bình Định là Bác lại hỏi ngay: "Nhà các cô, các chú có ở gần sông Kôn không, nước sông Kôn vẫn trong đấy chứ". Rõ ràng truyền thống hào hùng của vùng đất Tây Sơn (Bình Định), hình ảnh của sông Kôn và những tình cảm ấm áp của đất trời thiên nhiên và con người Bình Định đã in dấu không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm của Người.

Tự hào là mảnh đất cách đây 100 năm Bác Hồ đã dừng chân trên đường vào Nam và ra đi tìm đường cứu nước, Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án xây dựng Nhà lưu niệm Bác Hồ tại Phủ Bình Khê xưa, nay thuộc huyện Tây Sơn (Bình Định) không chỉ tỏ lòng biết ơn công lao trời biển của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, qua đó để giáo dục truyền thống cách mạng cho muôn đời sau.

Viết Ý