03:10 25/03/2011

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Sáng 24/3, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Sáng 24/3, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Các đại biểu cơ bản nhất trí với những đánh giá trong Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội khóa XII. Nhiều đại biểu đánh giá cao bản lĩnh, tính khách quan, trách nhiệm, tính dân chủ và vì dân trong hoạt động của Quốc hội khóa XII.

Đánh giá việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các đại biểu cho rằng nhìn một cách tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động. Nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc của Quốc hội.

Theo đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), quy trình xây dựng luật của Quốc hội nên được cải tiến theo hướng dựa trên một quy hoạch đã được nghiên cứu trước, dự báo trước, chủ động tính toán trước các yếu tố. Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ không có những vướng mắc như nhiệm kỳ qua.

Mặt khác, đại biểu Quốc hội còn thiếu thông tin, chậm được tiếp cận với các dự án luật, không đủ thời gian để đọc, thẩm định nên sẽ gặp khó trong việc phản biện, đưa ra ý kiến đóng góp. Đại biểu cho rằng, nếu có “cơ chế lắng nghe” hợp lý hơn, chắc chắn chất lượng các luật sẽ tốt hơn. Thiếu thông tin cũng khiến cho việc quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia như vấn đề tài chính, ngân sách... của các đại biểu cũng có những khó khăn.

Ông Hà Văn Hiền, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Bàn về hoạt động giám sát, đại biểu Vũ Quang Hải cho rằng, giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội là kênh giám sát rất hiệu quả nhưng trong thực tế còn có nhiều khó khăn do vị trí pháp lý chưa rõ. Theo đại biểu, cần xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, có quy định cụ thể để các đại biểu trung ương tham gia ít nhất 1 lần giám sát của đoàn; nghiên cứu lại cơ chế tiếp dân.

Đại biểu cũng cho rằng, tăng số lượng đại biểu chuyên trách ở Trung ương là cần thiết nhưng không thể bỏ qua vai trò, kinh nghiệm của các đại biểu địa phương. Nhiều ý kiến đồng tình với đại biểu Vũ Quang Hải khi cho rằng, tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải tăng chất lượng, đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Liên quan tới tổ chức, hoạt động, đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) cho rằng, Quốc hội còn nhiều vấn đề chưa làm hết do những hạn chế về bộ máy, biên chế, nhân sự. Đại biểu lấy ví dụ, phạm vi hoạt động của mỗi Ủy ban của Quốc hội liên quan tới nhiều Bộ, với biên chế như hiện nay, không thể bao quát hết. Do đó cần tính lại để bảo đảm hoạt động hiệu quả...

Nội dung này sẽ còn được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trong phiên toàn thể tại hội trường vào tuần tới.

Chiều 24/3, Quốc hội khóa XII tiếp tục làm việc với phần thảo luận về Dự án Luật Kiểm toán độc lập.

Theo nội dung dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập và quy định việc thi và cấp chứng chỉ kiểm toán viên; tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên; cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp kiểm toán trong nước; chấp thuận thành lập chi nhánh hoặc công ty của doanh nghiệp kiểm toán ở nước ngoài.

Dự thảo luật cũng nghiêm cấm đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp sai lệch, không trung thực, không đầy đủ thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của doanh nghiệp kiểm toán; mua chuộc, hối lộ, thông đồng, móc nối với kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán…

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể tính pháp lý của số liệu thông tin từ kết quả kiểm toán độc lập và có chế tài cụ thể trong trường hợp doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp được kiểm toán cung cấp số liệu kiểm toán sai sự thật.

ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, nếu xét trên cơ sở điều kiện thực tế ở Việt Nam, việc cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên chưa nên giao cho các Hội nghề nghiệp mà vẫn nên giao cho Bộ Tài chính.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, nhưng ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đến thời điểm nào đó, khi các tổ chức nghề nghiệp kiểm toán đủ năng lực, cần chuyển giao thẩm quyền này cho Hội để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cuối buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã phát biểu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cho biết sẽ tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung sửa đổi để dự thảo Luật Kiểm toán độc lập đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất.

Thanh Hòa - Quang Vũ