03:09 26/03/2011

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Đánh giá cao chỉ đạo điều hành của Chính phủ

Sáng 25/3, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Sáng 25/3, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào các báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, ngành tòa án và kiểm sát đã thực hiện các nhiệm vụ được giao trong điều kiện có những thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra rất nặng nề. Trong tình hình đó, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Đăng Trừng phát biểu ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Thái Bình-TTXVN


Về cơ bản, ngành tòa án cũng đã hoàn thành tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; hạn chế, khắc phục những thiếu sót như việc để án quá hạn luật định, xét xử oan hoặc sai lầm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Việc xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài đã được tập trung xem xét, giải quyết dứt điểm. Công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử của tòa án cấp trên đối với tòa án cấp dưới cũng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc...

Đề nghị có chiến lược đào tạo cán bộ tư pháp

Các đại biểu cũng cho rằng, coi trọng công tác cán bộ là một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác của các ngành. Theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Quảng Ngãi), hiện nay, công tác tuyển dụng cán bộ ở các ngành nội chính nói chung và ngành tòa án nói riêng còn hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ 2 ngành này chưa thỏa đáng nên chưa thu hút, động viên được nhân lực có trình độ, năng lực vào công tác, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn tuyển dụng cán bộ. Bên cạnh đó là những khó khăn, khắt khe trong quy trình bổ nhiệm thẩm phán; bất cập trong công tác đào tạo dẫn tới chất lượng thẩm phán chưa cao…

Đại biểu Trần Việt Hưng (Hòa Bình) nhận xét: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hai ngành tòa án, kiểm sát chưa thực sự xứng tầm để đáp ứng được yêu cầu; còn xảy ra các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, thẩm phán, kiểm sát viên có tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa tốt. Cần nghiên cứu chế độ, chính sách đãi ngộ, xây dựng quy định về các chức danh cho phù hợp hơn; chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ; xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm; xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Thị Thu Ba phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chánh án TAND Tối cao. Ảnh: Doãn Tấn -TTXVN


Cho rằng trình độ lý luận của cán bộ tư pháp hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, đại biểu Nguyễn Văn Vượng (Thái Nguyên) kiến nghị Nhà nước có một chiến lược đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đầu tư tương xứng hơn nữa về cơ sở vật chất. Đại biểu Lê Quang Bình (Thanh Hóa) cũng đề nghị, Quốc hội nên giao cho tòa án chọn người đủ tiêu chuẩn để đào tạo thẩm phán quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền lợi quốc gia, nhất là trong điều kiện hội nhập hiện nay.

Chiều 25/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến vào các báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ 2007 – 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với việc đánh giá khá toàn diện những tiến bộ, những kết quả đạt được cũng như mặt hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục.

Các đại biểu cũng gửi gắm đến Chủ tịch nước, Thủ tướng những tâm tư, mong mỏi của cử tri về các vấn đề liên quan tới phòng chống tham nhũng, lãng phí, xử lý các sai phạm về kinh tế, thất thoát tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường, quản lý đất đai…

“Hoạt động đối ngoại của Thủ tướng rất thắng lợi, đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với khu vực và thế giới. Việt Nam đã thực sự hội nhập quốc tế về kinh tế, có 25 nước công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường”– đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) đối với báo cáo nhiệm kỳ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu nêu rõ hai ưu điểm rất nổi bật trong nhiệm kỳ công tác của Thủ tướng là hoạt động đối ngoại và phát triển kinh tế.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh việc Chính phủ chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Nhiệm kỳ qua, hoạt động quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong điều kiện kinh tế - chính trị thế giới biến động hết sức phức tạp, tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng theo trọng tâm từng thời gian, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát cao năm 2008 sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế năm 2009, khôi phục đà tăng trưởng năm 2010 và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2011. Chính sách tài khóa và điều hành ngân sách nhà nước tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bảo đảm thống nhất, minh bạch và công bằng. Chính sách thuế được điều chỉnh, giảm dần và ổn định thuế suất, mở rộng đối tượng thu, điều tiết hợp lý thu nhập, nuôi dưỡng nguồn thu. Vốn đầu tư từ ngân sách được tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn và phát triển các lĩnh vực xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Đề cập đến những chính sách về an sinh xã hội, các đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: Dư luận quốc tế và nhân dân trong nước đánh giá rất cao Đảng, Nhà nước đã có sự quan tâm và di tản kịp thời hàng nghìn lao động ra khỏi Libi trước khi cuộc chiến tranh nổ ra. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của đất nước đối với công dân Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới.

Chu Thanh Vân-TTXVN