11:14 04/11/2019

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Không thể hạ thấp các chỉ tiêu phòng chống tội phạm

Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 4/11 về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Cần làm rõ chính sách hình sự đặc biệt

Đánh giá cao việc trong thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá, truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lưu ý: Trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế như tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

“Việc chứng minh này là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách che giấu hành vi và việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, đa phần chỉ chứng minh khi qua phạm tội quả tang mà khó chứng minh qua án truy xét. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó nhưng không phải là không làm được!”, bà Mai Thị Phương Thoa phát biểu.

Dẫn vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và đồng bọn trong quá trình bị điều tra về các tội như đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền, còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ, sau đó được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước, đại biểu Mai Thị Phương Thoa nhấn mạnh: Lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn đó. Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện.

Việc chậm trễ này đã làm cho dư luận bức xúc và cho rằng việc xử lý tham nhũng vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để và băn khoăn đặt câu hỏi, phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác. Trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn hai của vụ án này để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ - đại biểu Mai Thị Phương Thoa đề nghị.

Nêu dư luận cho rằng trong một số vụ án tham nhũng lớn khi hành vi phạm tội đã được chứng minh, một số bị cáo đã nộp lại rất nhiều tiền và được cơ quan điều tra đề nghị cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt, đại biểu Mai Thị Phương Thoa cho rằng, bất kỳ người nào đã thực hiện tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Người nào thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng, tự nguyện khắc phục hậu quả sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

“Chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra làm rõ chính sách hình sự đặc biệt, vì chính sách này vừa không rõ về nội hàm, không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nào. Nếu muốn thực hiện thì cần quy phạm hóa để quyết định rõ trường hợp nào được áp dụng, đối tượng nào được áp dụng và nếu được áp dụng thì được hưởng những gì. Có như vậy mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng trong việc áp dụng chính sách hình sự”, đại biểu Mai Thị Phương Thoa nói.

Không thể hạ thấp các chỉ tiêu phòng chống tội phạm

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hoà Bình) cho biết, hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm diễn ra khá phức tạp. Trước tình hình trên, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm hiệu quả. Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác tư pháp với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu đối với các cơ quan tư pháp nói chung và trong đó có ngành Kiểm sát nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã nêu.

Theo đại biểu Bạch Thị Hương Thủy, vấn đề này do nhiều tác động, trong đó có việc một số chỉ tiêu nghiệp vụ đặt ra trong các nghị quyết khá cao, khó để đáp ứng trong tình hình vi phạm và tội phạm ngày càng tăng lên, diễn biến phức tạp, áp lực đặt ra trong việc thực hiện nhiệm vụ ngày càng cao…

Do đó, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu đặt ra trong dự thảo Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp theo hướng giữ nguyên hoặc có thể giảm một số chỉ tiêu để sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhằm bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đã giao cho các cơ quan tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng.

Bày tỏ không tình với ý kiến phát biểu này và cho rằng như thế sẽ dẫn đến hệ lụy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận: Tư pháp là vấn đề hộ pháp của nền kinh tế. Nếu hộ pháp không vững vàng thì nền kinh tế làm sao có thể phát triển được, đời sống của nhân dân làm sao có thể yên ổn được.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, về mặt nguyên tắc, các vi phạm pháp luật và tội phạm đều phải được xử lý. Vấn đề này quy định trong Hiến pháp và các quy định pháp luật. Việc đặt ra chỉ tiêu là bởi vì những năm vừa qua chúng ta cho rằng năng lực đó, với điều kiện đó chúng ta không làm được nhưng bây giờ chúng ta phải suy nghĩ lại.

“Tôi đọc ở trong dự thảo nghị quyết là bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%. Tôi không nói đến các chỉ tiêu khác. Tôi cho rằng chỉ tiêu này không nên đặt ra, chỉ tiêu đặt ra truy tố đúng tội là 95%, còn 5% là có thể sai tội thì quả thật rất khó chấp nhận. Cho nên tôi đề nghị chúng ta phải xem xét làm sao tất cả các tội phạm đều phải được xem xét về truy tố. Còn truy tố đến đâu là một câu chuyện khác. Tôi rất hoan nghênh kỳ họp này chúng ta đưa vào nghị quyết là các tin báo và tố giác tội phạm đều được xử lý 100%. Đây đúng là ước vọng của cử tri và ước vọng của nhân dân và không thể hạ thấp các chỉ tiêu này. Riêng chỉ tiêu về xử lý tội phạm, đề nghị không được phép hạ, chỉ được phép tăng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

“Không thể hạ thấp các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm, đặc biệt là chỉ tiêu xử lý đúng tội. Tôi cho rằng 5% không đúng tội là vô cùng nguy hiểm, nếu đặt vào trong nghị quyết này là cử tri không đồng tình”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Cũng cho rằng, không giao chỉ tiêu thì khó có căn cứ để đôn đốc hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) chỉ rõ: Có một số chỉ tiêu khi giao chúng ta cũng cần phải tính toán. Ví dụ, giao chỉ tiêu cho ngành Tòa án, riêng về chỉ tiêu giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, có thể nói đây là lần đầu tiên Quốc hội giao chỉ tiêu này cho ngành Tòa án, ở Nghị quyết số 111 không giao, tôi cho rằng việc giao này Quốc hội nên cân nhắc.

“Tôi đề xuất riêng chỉ tiêu này không nên giao. Bởi vì, Tòa án giải quyết các vụ án phải chấp hành rất nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn tố tụng rất chặt chẽ. Nếu giao như thế này vào những thời điểm nhất định có thể thời hạn chuẩn bị xét xử vẫn còn nhưng chỉ tiêu không hoàn thành lại thành vi phạm nghị quyết, vì chỉ tiêu nghị quyết là chỉ tiêu pháp lệnh thì bắt buộc phải thực hiện. Khi đã giao như thế có thể có những việc chúng tôi vẫn chấp hành đúng quy định của luật tố tụng, còn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng đối chiếu với nghị quyết thì lại vi phạm”, đại biểu Ninh Bình cho biết.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)