10:21 30/10/2019

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Đẩy mạnh việc giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước. Nhiều cử tri bày tỏ mong muốn, đề xuất với Đảng, Quốc hội, Nhà nước nhiều vấn đề liên quan về: nâng cao hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh cải cách hành chính; chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề; phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương ghi nhận ý kiến của cử tri qua phiên thảo luận.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp chiều 30/10. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi phiên thảo luận, ông Bùi Ngọc Xuyên, Bí thư Chi bộ KP4, phường Long Tâm, thành phố Bà Rịa cho biết, thời gian qua, tại địa phương, việc giải ngân vốn đầu tư công đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, hiện một số công trình đầu tư công vẫn chậm tiến độ, chất lượng công trình chưa cao.

Đặc biệt, ở một số công trình giao thông vào các hẻm, đường giao thông nông thôn chất lượng vẫn kém. Đưa vào sử dụng một thời gian, đường xuống cấp trầm trọng, trơ sỏi, đá khiến người dân đi lại khó khăn, dễ gây tai nạn giao thông.

Ông Xuyên đề nghị tỉnh, huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm; đồng thời giám sát chặt chẽ các công trình giao thông nông thôn, đường hẻm tại đô thị nhằm bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng xảy ra tiêu cực, gây lãng phí.

Ông Xuyên cũng cho rằng, việc chậm trễ trong trả hồ sơ tại các văn phòng một cửa vẫn còn xảy ra. Nhiều người dân đi lấy kết quả theo đúng giấy hẹn nhưng cán bộ bộ phận một cửa lại yêu cầu khi nào có tin nhắn trên điện thoại mới ra lấy kết quả.

Cách làm này vừa gây bức xúc vừa mất thời gian của người dân. Tình trạng này đã diễn ra từ lâu, người dân nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng vẫn không có biến chuyển. Ông đề nghị, các đơn vị, địa phương cần rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh lại để thống nhất trong việc hẹn trả kết quả hồ sơ cho người dân.

Ông Nguyễn Trường Quang, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trường Quang, ngụ ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền cho rằng, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt và có chế tài xử lý thật mạnh về việc đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài; sớm triển khai chuyển đổi nghề đối với nghề giã cào (lưới kéo) để hạn chế tình trạng đánh bắt tận diệt nguồn lợi hải sản, phá lưới của các ngành nghề đánh bắt khác gây thiệt hại cho ngư dân. Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có số tàu giã cào nhiều vào tốp đầu của cả nước, tỉnh nên xem xét có những kế hoạch dài hơi, cụ thể, chi tiết và có những chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề và ổn định với nghề mới.

Cần quan tâm hơn đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quan tâm theo dõi phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông cho rằng, trong thời gian qua, với điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng tại Đắk Nông đã thu hút lượng lớn dân di cư không theo quy hoạch và gần như hoàn toàn là người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu sinh kế tại các tỉnh vùng miền núi phía Bắc di dân vào. Từ đó, với áp lực dân nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số cùng với áp lực dân nghèo di dân từ các tỉnh khác, gây thêm nhiều áp lực, gánh nặng và hệ lụy “nghèo chồng nghèo” cho tỉnh Đắk Nông.

Theo ông Lưu Văn Trung, Đắk Nông là một tỉnh nghèo, thu không đủ chi, nguồn lực phát triển đều do Trung ương cân đối, hỗ trợ nên áp lực đối với các tỉnh trong công tác giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn.

Trung ương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, hiệu quả các chương trình chưa đạt được như mong muốn do thiếu nguồn lực thực hiện, chính sách ban hành nhưng Trung ương chậm hỗ trợ nguồn vốn, thiếu nguồn vốn và Đắk Nông cũng không có khả năng để cân đối hỗ trợ.

Vì vậy, để giải quyết căn cơ vấn đề phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, theo ông Lưu Văn Trung, Quốc hội và các cơ quan Trung ương cần, cân đối đủ nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo, ưu tiên mọi nguồn lực để tập trung nguồn lực đủ mạnh, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc.

Quá trình triển khai thực hiện nên tập trung vào hạ tầng kết nối, phát triển kinh tế, giáo dục để thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, Trung ương cần có chính sách đặc thù hỗ trợ thêm nguồn lực cho các tỉnh nghèo, miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề  xuất với Quốc hội, Ông Phan Đình Hiến, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông đề nghị phân bổ các nguồn lực để tỉnh thực hiện đầu tư những dự án, chương trình nhằm đẩy mạnh việc giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, đưa Đắk Nông phát triển toàn diện.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương