11:07 27/11/2019

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV đã đáp ứng kỳ vọng của các đại biểu

Các đại biểu Quốc hội đều đánh giá kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV đã làm việc khá hiệu quả, dù khối lượng công việc nhiều, không khí kỳ họp sôi nổi, các nội dung ngày càng mang hơi thở cuộc sống.

Chú thích ảnh
Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về đánh giá chất lượng kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng kỳ họp lần này, nhất là có nhiều nội dung mới, mang hơi thở cuộc sống được đưa vào nghị trường.

Đại biểu Lê Công Nhường, đoàn Bình Định

Kỳ họp lần này, tuy khối lượng công việc lớn, các dự án Luật đưa vào góp ý khá nhiều, với thời gian kỳ họp kéo dài 6 tuần, nhưng Quốc hội đã làm việc hiệu quả, quyết định được nhiều vấn đề. Đặc biệt, kết quả kỳ họp đã hoàn chỉnh được một số dự án luật và góp ý cho một số dự án Luật, Nghị quyết như: Việc thí điểm không thành lập HĐND xã, phường ở Hà Nội, Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn…

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thảo luận những vấn đề quan trọng như: Dự toán ngân sách Nhà nước đến năm 2020, đánh giá tình hình kinh tế xã hội của đất nước năm 2019… Qua đó cho thấy các chỉ số đều đạt và vượt các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Thông qua kỳ họp này, các kết quả sẽ là căn cứ để Chính phủ điều hành hoạt động trong thời gian tới và quyết định những vấn đề lớn. Nhìn chung chất lượng của kỳ họp đã đáp ứng kỳ vọng của các đại biểu.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

So với các kỳ họp trước, tại kỳ họp lần này, không khí hội trường sôi nổi, tính tranh luận được nâng cao hơn. Nhiều nội dung được đưa ra mới, hấp dẫn, điều chỉnh sát thực tế.

Tại kỳ họp thứ 8 cũng có nhiều nội dung được cử tri, nhân dân hết sức quan tâm như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công Luật Dân quân tự vệ… đây là những vấn đề không chỉ trong ngành, mà người dân cũng luôn theo dõi.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình.

Bên cạnh đó, chất lượng các văn bản, dự thảo gửi đến đại biểu cơ bản đảm bảo thời gian, cơ quan trình, cơ quan thẩm định đã làm hết trách nhiệm của mình. Với những vấn đề mới, khó, đại biểu đã tranh luận, thậm chí thảo luận quyết liệt trên tinh thần chung nhất là mong muốn mỗi dự thảo luật được thông qua có thể đi ngay vào cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu của người dân, để việc triển khai không quá xa vời.

Đặc biệt, việc Quốc hội triển khai ứng dụng cộng nghệ trong kỳ họp là một điểm mới, nếu ở kỳ họp 7, nhiều đại biểu còn bỡ ngỡ, thì đến kỳ họp này, khi Quốc hội bắt buộc phải nghiên cứu thì các đại biểu đã quen dần. Nhờ đó đã góp phần giảm chi phí, các đại biểu không những đỡ được phần in sao tài liệu, mà còn có thể tương tác ở mọi nơi kể cả khi ngồi trong hội trường. Các kỳ họp tới nên tiếp tục triển khai và có sự cải tiến để Quốc hội thực sự trở thành Quốc hội điện tử.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình

Việc thông qua Luật Lao động sửa đổi là một trong những nội dung ấn tượng, được người dân và cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, để thực hiện tốt các dự án Luật, thì ngay sau khi Luật bắt đầu có hiệu lực, các tỉnh cần ban hành chương trình thực hiện, chương trình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở trên địa bàn. Với cách làm này, từng huyện, thành phố, thị xã; các hội Luật gia, luật sư ở các địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc cùng với Sở tư pháp triển khai tuyên truyền phổ biến Luật.

Bởi trên thực tế, nhiều Luật chưa đi vào tận lòng dân là do việc tuyên truyền, phố biến của chúng ta còn ở từng mức độ khác nhau. Đơn cử như việc tuyên truyền cho những người có hiểu biết, thường xuyên tiếp cận với các phương tiện truyền thông dễ dàng; còn đối tượng người dân ở các vùng sâu, vùng xa hoặc chính những đối tượng hay vi phạm pháp luật thì họ lại không có cơ hội, không muốn hoặc khó tiếp cận các phương pháp tuyên truyền. Đây là yếu điểm cần được khắc phục và các cơ quan thông tin truyền thông, báo chí cần có giải pháp cụ thể để tuyên truyền cho những đối tượng này.

Tạ Nguyên- Viết Tôn/Báo Tin tức