06:15 15/06/2018

Kỳ họp thứ 5: Đối mới chất vấn khiến số lượng câu hỏi và trả lời đạt kỷ lục

Việc đổi mới chất vấn khiến số lượng câu hỏi và trả lời đạt số lượng kỷ lục, trên 260 đại biểu hỏi và trả lời, trên 400 lượt chất vấn và tham gia tranh luận, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn...

Chiều 15/6, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp.

Ngày 21/5/2018, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Sau 20,5 ngày làm việc Quốc hội đã bế mạc sáng 15/6/2018.

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận, thông qua 7 luật và 8 Nghị quyết. Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước…

Họp báo công bố kết quản kỳ họp thứ 5, Quốc hội khó XIV.

Các đạo luật thông qua gồm: Luật Đo đạc và bản đồ , Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Quốc phòng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch.

Các Nghị quyết được thông qua, gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.  Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”. Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. 2 Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019. Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với 9 dự án luật  nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, nhìn chung, các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được các cơ quan chuẩn bị chu đáo, đầy đủ hồ sơ theo quy định. Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, dân chủ, thẳng thắn, tích cực tranh luận, đưa ra những ý kiến cụ thể về nhiều nội dung mới, còn ý kiến khác nhau của dự án luật. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện dự án bảo đảm yêu cầu chất lượng, có tính khả thi, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật sớm đi vào cuộc sống.

Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật; đồng thời có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Trong thời gian 3 ngày, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Tài chính, Nội vụ tham gia báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những vấn đề được Quốc hội lựa chọn sát thực tế, được dư luận xã hội, cử tri cả nước quan tâm. Việc đổi mới, cải tiến cách thức chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi đã tạo điều kiện để tăng số đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đồng thời, phát huy được năng lực của đại biểu, nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời.

Theo ông Lê Bộ Lĩnh, việc đổi mới chất vấn khiến số lượng câu hỏi và trả lời đạt số lượng kỷ lục, trên 260 đại biểu hỏi và trả lời, trên 400 lượt chất vấn và tham gia tranh luận,  phiên chất vấn phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, tranh luận sôi nổi, làm rõ trách nhiệm của người được chất vấn.

Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, thể hiện rõ thái độ nghiêm túc, cầu thị và quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát, Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe và cơ bản tán thành Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4. Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành trong giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Công tác này đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết cũng như nội dung, số lượng các văn bản trả lời, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, giải quyết và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân; triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu trong các báo cáo.

Trả lời báo chí về công tác làm luật tại kỳ họp thứ 5, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, về luật an ninh mạng , Quốc hội đã lắng nghe ý kiến của cơ quan thẩm tra và soạn thảo, khi luật được thông qua sẽ bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Về Luật đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt, Quốc hội đã xin ý kiến của nhiều nhà khoa học, tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng đặc khu ở một số nơi trên thế giới. Việc lùi lại này là dựa trên cơ sở vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan tới các nội dung về đất đai. Quốc hội sẽ lấy thêm ý kiến của các chuyên gia trong thời gian tới. 

H.V/Báo Tin Tức