11:20 15/11/2022

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành các nội dung chương trình đề ra

Ngày 15/11, ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số luật, nghị quyết quan trọng với tỷ lệ tán thành cao.

Chú thích ảnh
Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Các Nghị quyết được thông qua gồm: Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng. Tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá. Bước giá là 5 triệu đồng. Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 và được thực hiện trong 3 năm. 

Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Bên cạnh đó, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 15/11 gồm 4 chương và 66 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2023.

Luật này quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Việc phòng, chống hành vi rửa tiền của tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong phiên họp sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc trong dự thảo Luật, đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ và thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ thông qua hình thức đấu thầu.

Theo đại biểu, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia hoặc hủy thầu. Đối với trường hợp này, cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, mục tiêu của việc đấu thầu là chọn được giá rẻ nhất, song cũng cần có giải pháp để vừa đảm bảo giá rẻ, vừa đảm bảo chất lượng, đặc biệt là trong đấu thầu thuốc. Một giải pháp cho vấn đề này được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất là bổ sung đánh giá của bác sỹ điều trị về thuốc đấu thầu, công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm trước Hội đồng thuốc và điều trị trong bệnh viện. Ngoài ra, quy định về chọn giá kế hoạch cần căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau, bởi như vậy sẽ dẫn đến giá đấu thầu thuốc ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp; nhờ vậy, mặc dù có những điều chỉnh nhất định về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao và thời gian kỳ họp được rút ngắn hơn.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã yêu cầu tập trung thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Tinh thần chỉ đạo đó đã được quán triệt, thực sự lan tỏa, thấm nhuần và được thể hiện đậm nét trong từng quyết sách và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 4 này, để lại những dấu ấn, hình ảnh tốt đẹp đối với cử tri và đồng bào cả nước.

“Với thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ 4, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, giám sát của cử tri và nhân dân cả nước, sự phối hợp của Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan, cùng với Nội quy kỳ họp Quốc hội vừa được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp này, hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ tiếp tục ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

TTXVN/Báo Tin tức