06:08 07/06/2012

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về ba dự án luật

Ngày 6/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về ba dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Ngày 6/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về ba dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

 

Tạo động lực phát triển đội ngũ luật sư Việt Nam


Đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư. Sau 5 năm thi hành, Luật Luật sư đã thực sự đi vào cuộc sống và mang lại nhiều kết quả. Về cơ bản, các quy định của Luật Luật sư là đúng hướng và đa phần vẫn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều quy định tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư, tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Số lượng luật sư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp. Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư ở một số địa phương còn lỏng lẻo, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, có sự trùng lặp giữa quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư... 
 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Vi Thị Hương phát biểu ở tổ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN.

 

Các đại biểu cho rằng dự án Luật đã thể chế hóa nhiều nội dung quan trọng về định hướng hoàn thiện chế định luật sư theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 49-NQ/TW) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các nội dung sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam. Đa số các đại biểu đều cho rằng quy định được miễn đào tạo nghề luật sư trong dự án luật còn quá rộng, nhiều chức danh chưa rõ ràng. Nhiều đại biểu tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là: Với người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên (kể cả thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp) cần giữ như quy định hiện hành. Các chức danh khác (không phải là chức danh tố tụng) cần cân nhắc quy định bắt buộc phải qua một thời gian đào tạo nghề luật sư và tập sự hành nghề luật sư nhất định mới được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại không nên đưa vào diện được miễn đào tạo nghề luật sư vì họ chưa được đào tạo nghề tiến hành tố tụng.


Nhiều đại biểu không đồng tình với quy định được hành nghề luật sư đối với người phạm tội nghiêm trọng trong trường hợp đã được xóa án tích. Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), luật sư hành nghề cần bảo đảm về đạo đức. Những người đã phạm tội hoặc phạm tội nghiêm trọng đã được xóa án tích nhưng sau đó lại được hành nghề luật sư là điều không nên. Đại biểu dẫn chứng: Tham khảo quy định của một số nước về vấn đề này rất khắt khe, ví dụ ở Nhật Bản là cấm vĩnh viễn. Đại biểu Đinh Tiên Phong (Thanh Hóa) cũng cho rằng nên quy định chặt chẽ những đối tượng được tham gia hành nghề luật sư để nâng cao chất lượng luật sư.
Các đại biểu còn dành nhiều thời gian thảo luận về Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam; tập sự hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư; hoạt động tham gia tố tụng của luật sư...

 

Giá điện phải hợp lý


Đa số các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 3/12/2004, có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Việc thi hành luật trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Tuy nhiên, qua gần 7 năm việc thực hiện, Luật Điện lực đã bộc lộ không ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngành điện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới cũng như tiến trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.


Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành phù hợp với quan điểm đẩy mạnh phát triển hạ tầng cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cơ bản thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước.


Về chính sách giá điện, đa số các đại biểu tán thành với quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Theo đại biểu Đinh Thế Huynh (Thanh Hóa), cần xử lý vấn đề giá điện một cách đồng bộ. Đại biểu cho rằng một mặt không thể để giá điện thấp nhưng mặt khác nếu đưa giá điện lên cao cần tính đến thu nhập người dân, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình, không được bù lỗ giá điện. Đại biểu Đinh Thế Huynh đề xuất nên có nhiều thang để tính giá, quy định mức nào được Nhà nước hỗ trợ nhiều, mức nào được Nhà nước hỗ trợ tương đối để bảo đảm tương đương thu nhập của người dân.
Một số đại biểu cùng đề nghị xem xét lại quy định về các loại phí đã được quy định trong dự thảo luật. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), quyền quy định phí là của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giao cho Chính phủ là chưa hợp lý. Đại biểu cũng cho rằng một số loại phí như phí điều độ, phí giao dịch thị trường, phí điều hành, phí điều tiết hoạt động điện lực... là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành điện. "Nếu chấp nhận doanh nghiệp tự quyết định theo giá thị trường và kèm theo một loạt loại phí như vậy e rằng giá điện sẽ bị đẩy lên cao và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân..." - đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.


Xung quanh quy định về chính sách của Nhà nước về giá điện, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng chính sách của Nhà nước về giá điện quy định trong dự thảo luật cần phù hợp với quy định của Luật Giá đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Theo đó, Nhà nước sẽ định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.


Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề xuất vấn đề thực hiện tiết kiệm điện và hiệu quả sử dụng điện cũng cần phải được quan tâm, có quy định cụ thể. Tán thành với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những vi phạm về tiết kiệm điện...

 

Tạo điều kiện để các hợp tác xã phát triển bền vững


Chiều 6/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).


Các đại biểu Quốc hội đánh giá Luật Hợp tác xã năm 2003 đã có đóng góp đáng kể trong việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định. Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức hợp tác xã, nhất là đặc trưng phục vụ xã viên của tổ chức hợp tác xã, sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức hợp tác xã với doanh nghiệp và với tổ chức xã hội - từ thiện; chưa làm thật rõ nội hàm “hợp tác” của tổ chức hợp tác xã, lợi ích và vai trò người chủ của xã viên khi tham gia hợp tác xã, mục tiêu của hợp tác xã và mối quan hệ giữa nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của xã viên với hợp tác xã.


Đa số các ý kiến của các đại biểu đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, để làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã và lợi ích của thành viên tham gia hợp tác xã, góp phần hiện thực hóa chủ trương về kết hợp “bốn nhà” trong nông nghiệp; bảo đảm hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững đúng với bản chất và mục đích thành lập, tránh lạm dụng hỗ trợ của Nhà nước; thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã có hiệu quả, từ đó góp phần định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường ở nước ta.


Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để trao đổi, làm rõ bản chất của tổ chức hợp tác xã. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nhận định trong dự án luật, vấn đề khó nhất là xác định mô hình hoạt động của hợp tác xã. Đại biểu nhấn mạnh cần làm rõ bản chất của hợp tác xã, nếu không, không thể xây dựng được luật sát với tình hình thực tế. Về nội dung này dự án luật nêu rõ: Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể, tự chủ, bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế là cơ quan tiến hành thẩm tra dự án luật cũng tán thành với quy định này với lý do hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, do các thành viên có chung nhu cầu, lợi ích tự nguyện hợp tác, thành lập và tự quản lý nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho thành viên tham gia cùng phát triển. Bản chất của hợp tác xã thể hiện ở mục đích hoạt động vì lợi ích thành viên và quản lý theo nguyên tắc đối nhân, khác với doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu là tối đa lợi nhuận và quản lý theo nguyên tắc đối vốn.


Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần phải có báo cáo, đánh giá đúng thực chất, thực trạng hoạt động của hợp tác xã để nhìn nhận mô hình này có phát triển hay không; đồng thời lý giải nguyên nhân của những tồn tại để xây dựng dự án luật sát với thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri. Đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) cho rằng để khuyến khích hợp tác xã phát triển, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, đặc biệt là mô hình hợp tác xã nông nghiệp; nghiên cứu cơ chế chính sách đào tạo riêng cho loại hình này, đồng thời tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại bằng các biện pháp như áp dụng giống mới, phương pháp mới...


Các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung: nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định góp vốn của thành viên hợp tác xã; phân phối thu nhập; quy định hợp tác xã được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty...


Phúc Hằng - Quỳnh Hoa