06:09 14/06/2012

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Các Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn

Ngày 13/6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa các đại biểu Quốc hội với một số thành viên Chính phủ.

Ngày 13/6, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa các đại biểu Quốc hội với một số thành viên Chính phủ.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong 2 ngày rưỡi, bên cạnh phần trả lời chất vấn trực tiếp của 4 Bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công an và Công Thương, Quốc hội sẽ nghe báo cáo, giải trình thêm của một số Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực, làm rõ các vấn đề quan trọng mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm.

 

Giải quyết hài hòa lợi ích trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến các nhóm vấn đề: Quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng; ô nhiễm môi trường các làng nghề, cơ sở chế biến; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, tự phát; chính sách, pháp luật về đất đai, xây dựng thủy điện..., trách nhiệm của Bộ trong quản lý, điều hành, các giải pháp khắc phục những hạn chế.


Trả lời các chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng: Việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng không đơn giản, do nhiều nguyên nhân như việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở một số dự án chưa đảm bảo dân chủ, công khai; việc tiến hành còn chưa kiên quyết... Bộ trưởng nêu rõ: Nguyên nhân cơ bản là do giá đất bồi thường còn thấp, chưa chú trọng quy định bắt buộc xây dựng khu tái định cư, tạo việc làm mới, chuyển nghề cho người bị thu hồi đất. Mặt khác, thời gian qua có sự mâu thuẫn, chưa cân bằng giữa lợi ích của Nhà nước, người dân bị thu hồi đất và chủ đầu tư; giá đất bồi thường còn thấp... Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vấn đề bức xúc.


Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) về thời hạn sử dụng đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ đã nghiên cứu đề nghị mở rộng thời hạn sử dụng đất để người dân yên tâm sử dụng và sử dụng hiệu quả theo hướng nâng thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp lên khoảng 50 năm... Mức hạn điền sắp tới có thể nâng lên gấp 5-10 lần, đi kèm với giải pháp thuế để tránh đầu cơ; chủ yếu phục vụ người trực tiếp sản xuất.

 

Phấn đấu năm 2013 hoàn thành cơ bản cấp GCNQSDĐ


Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) về việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân vào năm 2010, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, đối với một số loại đất như đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất ở nông thôn, tỷ lệ đã cấp giấy chứng nhận đạt trên 85%. Hai loại hiện nay đang còn thấp là đất đô thị đạt 63% và đất chuyên dùng khoảng 60%.


Theo Bộ trưởng, bên cạnh các nguyên nhân như giấy tờ không hợp lệ, nguồn gốc đất phức tạp, có vi phạm trong xây dựng, thiếu cán bộ chuyên môn có trình độ, thì một nguyên nhân quan trọng, lý do cơ bản khiến việc cấp sổ đỏ bị chậm là kinh phí. Hiện cần tới 30.000 tỷ đồng kinh phí để hoàn thành đo đạc. Cùng với những thay đổi phức tạp liên quan đến đất đô thị như chuyển đổi, mua bán…, Bộ trưởng cho rằng đến năm 2015 mới có thể hoàn thành về cơ bản cấp GCNQSDĐ vì thực tế rất nhiều vấn đề.


Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chính sách đều đã có đủ mà đến năm 2015 mới hoàn thành cấp GCNQSDĐ là quá chậm. Cần lưu ý cả trách nhiệm của địa phương, là nơi trực tiếp cấp giấy chứng nhận cho dân, “đến 2013 phải xong” bởi đây là nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân.

 

Giải quyết vướng mắc trên cơ sở pháp luật


Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và một số đại biểu về tiến độ giải quyết một số vụ cưỡng chế, thu hồi đất vừa qua như tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... và những giải pháp đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, đây là những vụ việc đáng tiếc và là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý. Để xảy ra các vụ việc đáng tiếc này, có trách nhiệm của địa phương, trách nhiệm của những người làm công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những văn bản pháp luật.


Về vụ việc tại Văn Giang (Hưng Yên), theo Bộ trưởng, việc cưỡng chế là trong quá trình thực thi pháp luật đất đai tại địa phương đối với một dự án đã được phê duyệt từ lâu. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác xuống địa phương, ghi nhận ý kiến của người dân đề nghị thu hẹp diện tích dự án chứ không phàn nàn về chuyện chính sách đền bù hỗ trợ.

 

"Không hy sinh môi trường vì mọi giá"


Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã trả lời các câu hỏi của đại biểu về tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông và làng nghề, khu công nghiệp.


Theo Bộ trưởng, đây là vấn đề bức bách, nan giải song trong bối cảnh nguồn lực cho lĩnh vực này có hạn; ý thức của người dân và doanh nghiệp có lúc có nơi còn hạn chế; việc xả thải lại liên quan đến nhiều đối tượng, quan điểm của Bộ là "không hy sinh môi trường vì mọi giá". Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm tốt công tác thẩm định theo Luật Tài nguyên môi trường, xử phạt nghiêm vi phạm... Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra và có biện pháp, nếu khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải sẽ không cho hoạt động.


Liên quan đến việc phục hồi các dòng sông chết, Bộ trưởng khẳng định quyết tâm “làm xanh lại” nhưng trong thời gian bao lâu thì chưa thể nói trước.


Kết luận nội dung chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao không khí thẳng thắn, tinh thần xây dựng; cách đặt câu hỏi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề của các đại biểu và phần trả lời tương đối đầy đủ của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có nhiều biện pháp tốt hơn công tác quản lý đất đai, nhất là trong việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới...  

 

Lựa chọn dự án đầu tư phù hợp


 

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Chu Sơn Hà chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Dân –TTXVN

 

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt vấn đề về nhu cầu nguồn lực tái cơ cấu tài chính liên quan đến ngân sách Trung ương, vấn đề sắp xếp và cơ cấu lại lao động khi một bộ phận chuyển đổi nghề nghiệp, một bộ phận mất việc làm khi thực hiện tái cơ cấu, cũng như các phương án tái cơ cấu đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước. 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Việc tái cơ cấu nền kinh tế chắc chắn cần đến nguồn lực, về cơ bản các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước phải bỏ ra để tái cơ cấu. Nhà nước không thể bỏ ra gói hỗ trợ bao nhiêu nghìn tỉ hỗ trợ cái này, hỗ trợ cái kia mà quan trọng nhất là trong cơ chế thị trường có chính sách, định hướng cho các thành phần kinh tế sẽ phải chuyển đổi theo yêu cầu đề án. Nhà nước sẽ có định hướng, ưu đãi có lợi cho các doanh nghiệp như miễn giảm thuế, hỗ trợ công nghệ nguồn. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là đề án tổng thể nên sau này sẽ hoàn chỉnh và giao cho các Bộ hoàn thiện các dự án thành phần và từ đó mới có thể từng bước hình thành mức tổng nguồn lực. “Tất nhiên cũng chỉ là mức tương đối. Cần chọn lựa tái cơ cấu trọng tâm”, Bộ trưởng nói.     

 

Quản lý chặt chẽ nguồn vốn


Nhiều đại biểu cho rằng vấn đề quản lý vốn ODA thời gian qua còn nhiều bất cập, các chương trình ODA chịu sự chi phối nhiều văn bản pháp quy trong nước và quy định của nhà tài trợ và giữa các văn bản có sự mâu thuẫn nhau. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết dư luận hết sức quan tâm đến việc Đại sứ quán Đan Mạch thông báo về việc dừng dự án nghi có tiêu cực tại 3 dự án ODA tại Việt Nam, đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xảy ra dư luận không tốt trên?


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ, với trách nhiệm của mình, ngay khi có thông tin xảy ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với các bộ có liên quan. Sự việc trên phía Đan Mạch cũng cho biết mới chỉ là nghi vấn vì có một số điều chưa được làm rõ và chỉ là tạm dừng để xem xét chứ không phải là dừng hẳn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cần làm rõ việc này, nếu xảy ra vi phạm thì sẽ xem xét xử lý quyết liệt để lấy lại niềm tin của các nhà tài trợ.  

  
Giữ tăng trưởng GDP ở mức 6% năm 2012


Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) băn khoăn liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh mức tăng trưởng GDP năm 2012 về mức 5,5 - 6% là có cơ sở hay không, và việc thành lập thêm Tổng cục Quản lý giám sát tài chính với doanh nghiệp liệu có hợp lý trong khi việc cần làm là phải giảm nhanh các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước bằng cổ phần hóa, tiến hành nhân sự, kiểm toán độc lập, công khai minh bạch tài chính.   


Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, trong kế hoạch 5 năm việc đề nghị giảm kế hoạch tăng trưởng GDP xuống 6,5 đến 7% là dũng cảm và đã được chấp nhận. Đối với năm 2012 nếu không đạt mức tăng trưởng 6% thì sẽ để lại hậu quả lớn, nên tối thiểu phải đạt mức này.


Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội cũng như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm liên quan tới quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển kinh tế. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định đến giờ này chưa có ý kiến nào đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu nên phải cố gắng quyết liệt hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Về đầu tư công cần đảm bảo công bằng hợp lý, ưu tiên từng ngành từng vùng, mặt khác đẩy nhanh cải cách hành chính tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.      

 

TTN