06:16 25/06/2015

Kỳ họp của lòng dân

Diễn ra trong giai đoạn “về đích” của lộ trình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm 2011 - 2015, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII có mục tiêu hàng đầu là “gút” lại những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Diễn ra trong giai đoạn “về đích” của lộ trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm 2011 - 2015, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII có mục tiêu hàng đầu là “gút” lại những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu mà Kế hoạch đã đề ra. Nhìn lại một tháng Quốc hội “sục sôi” những lời phát biểu “dậy sóng nghị trường”, những chủ đề thảo luận mà dư âm của nó lan tỏa trong mỗi câu chuyện đầu ngày, mỗi bữa cơm chiều sum họp với đầy ắp những niềm tin và hy vọng của cử tri về một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Thêm một Kỳ họp của lòng dân.

Thượng tôn Hiến pháp, bảo vệ quyền con người

Sau hơn 30 ngày họp, 11 dự án luật đã được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua sau quá trình thảo luận, tranh cãi xới đi, xới lại đến từng chi tiết nhỏ nhất. 15 dự án luật khác cũng đã được đặt lên bàn nghị sự để xin ý kiến đóng góp.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua toàn văn Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Nhằm tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp 2013 tại Kỳ họp lần này, có 2 đạo luật về tổ chức, quy định tổ chức, bộ máy, phương thức hoạt động của cả hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa được thông qua, là Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) ấn định một cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ với những quyền hạn bổ sung cho Thủ tướng, vai trò, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và quy định cứng cả số lượng cấp phó của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại địa phương, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại trong việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Đạo luật này cũng “chốt” lại những ý kiến nhiều chiều về mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân - cơ quan dân cử tại cơ sở.

Một nội dung xây dựng pháp luật khác cũng “hun nóng” diễn đàn Quốc hội Kỳ này là “quyền im lặng” và “quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong quá trình lấy lời khai” - hai tư tưởng rất mới, rất tiến bộ liên quan mật thiết đến quyền con người và đảm bảo quyền con người trong Hiến pháp khi Quốc hội bàn về sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc Quốc hội bàn thảo về nội dung này trùng với thời điểm Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn tất bản báo cáo giám sát chuyên đề “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” cho thấy tính hợp lý trong việc thiết kế chương trình Kỳ họp. Đại biểu và cử tri có cơ sở để nhìn thấu những điểm mấu chốt và nhu cầu tất yếu phải khắc phục các tồn tại, đổi mới chính sách hình sự qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan, sai; đồng thời quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo đúng định hướng cải cách nền tư pháp mà Đảng đã đề ra.

Mặc dù còn nhiều ý kiến chưa đồng nhất, nhưng những tư tưởng cải cách mang tính đột phá này đều nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cả giới học giả, tri thức và người dân.

“Biển Đông chưa lặng sóng”

Tại Kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước lắng nghe những phát biểu, đề xuất đầy tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân của các vị đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại bởi “Biển Đông chưa lặng sóng”.

Ngay trên diễn dàn Quốc hội, trước cử tri và đồng bào cả nước, có những ý kiến đề xuất thẳng thắn: “Hành động cải tạo các bãi đá ngầm không thuộc về quyền chủ quyền của Trung Quốc, nghiêm trọng hơn là việc đem vũ khí hạng nặng ra các bãi đá này là hành động đi xâm chiếm, cả thế giới cần phải lên án kịch liệt hành động này và yêu cầu Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm chiếm chủ quyền của các nước khác trong một kỷ nguyên hiện đại”.

Kỳ này, Quốc hội cũng dành một phiên họp kín để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông. Hơn lúc nào hết, những người đại biểu của nhân dân dõng dạc kêu gọi nhiều hơn nữa tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, lấy “nền tảng lòng dân” làm nguồn sức mạnh, kiên quyết bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Đó cũng là tiếng nói, là nguyện vọng, là tấm lòng của hàng triệu cử tri và nhân dân cả nước.

Thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh

9 buổi phát thanh - truyền hình trực tiếp tại Kỳ họp này hầu hết được Ban Thư ký Kỳ họp phân bổ cho những nội dung bàn thảo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để cử tri và nhân dân theo dõi, đánh giá.

Ghi nhận những tín hiệu vui từ kết quả phát triển kinh tế - xã hội ban đầu với 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra năm 2014, những ý kiến phát biểu trên nghị trường cũng như ý kiến của cử tri đều bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào sự Lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của Nhà nước.

Ý thức được một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động - một nội dung được rất nhiều cử tri và đại biểu quan tâm từ trước Kỳ họp. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014). Không chỉ có vậy, yêu cầu của Quốc hội với Chính phủ còn là bảo đảm cho người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc được nhận bảo hiểm xã hội một lần; công khai, minh bạch thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, nhân dân cả nước rất quan tâm đến các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Bằng việc đặt trọng tâm vào chủ đề công, nông nghiệp; giáo dục, khoa học, chủ đề chất vấn của Kỳ họp thứ 9 đã đưa thẳng những câu chuyện từ lũy tre làng, từ cây lúa, con gà của người nông dân đến diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, gần như thỏa mãn nỗi trông đợi của cử tri - đối tượng cuối cùng trực tiếp thụ hưởng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với những đổi mới tinh tế, kịp thời và xác đáng, tạo dựng nên những cuộc đối thoại đầy ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả tức thì, đây cũng là Kỳ chất vấn hết sức thành công và nâng lên tầm cao mới như một ấn tượng đặc biệt của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và trở thành một trong những phiên chất vấn ấn tượng nhất của cả nhiệm kỳ trong lòng cử tri cả nước.
Quang Vũ