11:20 08/11/2014

"Ký họa thời chiến" của họa sĩ Trần Huy Oánh

85 bức ký họa được trưng bày trong triển lãm, với các chất liệu chì than, màu nước, phấn nước, mực nho, bút sắt… là một phần trong kho tài sản quý báu của họa sĩ Trần Huy Oánh;

Chiều 8/11, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Ký họa thời chiến” của PGS. họa sĩ Trần Huy Oánh, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Đây là hoạt động chào mừng 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.


Họa sĩ Trần Huy Oánh.


85 bức ký họa được trưng bày trong triển lãm, với các chất liệu chì than, màu nước, phấn nước, mực nho, bút sắt… là một phần trong kho tài sản quý báu của họa sĩ Trần Huy Oánh; được ông ghi chép lại ở hậu phương miền Bắc, tuyến lửa khu 4- Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên; Trường Sơn và Tây Nguyên trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh (giai đoạn 1965-1973). Đó là những ký họa chân thực, sinh động, đẹp và có nhiều ý nghĩa của một thời không thể nào quên trong lịch sử dân tộc.

Ký họa của họa sĩ Huy Oánh.


Xem triển lãm, công chúng như được gặp lại anh lính thông tin, cô dân quân xã, bà mẹ Vân Kiều địu con bịn rịn bên những binh trạm ở ngầm Ta Lê, cao điểm Pu la nhích… trong những tác phẩm “Mở đường Trường Sơn trên núi cao”, “Bộ đội thông tin trong rừng”, “Anh lính trẻ biểu diễn sáo”, “Lão dân quân đọc sách”… Và cũng qua những tác phẩm ấy, người xem như được sống lại với những chiều mở đường Trường Sơn trên núi cao, những chuyến xe zin 3 cầu vượt ngầm nhọc nhằn, vất vả; những cung đường cây cháy rụi và những hố bom… cách đây gần 50 năm.


Đánh giá về họa sĩ Trần Huy Oánh, họa sĩ Lê Trọng Lân khẳng định: “Như có sự hỗ trợ của tâm hồn mình, họa sĩ nhanh chóng phát hiện, ghi chép những hình ảnh đẹp của đồng bào, đồng chí mà ông tin yêu. Trên những mảng màu phết vội vã, họa sĩ vẽ những hình, những nét, diễn tả những cảm nhận về cuộc sống thoáng qua, chợt đến, vội đi. Sự sống hiện lên trên trang giấy, những sinh hoạt của quân và dân thời chiến gian khổ mà hào hùng. Nét vẽ chọn lọc, tương phản trên những mảng màu rộng, dài, loang xa, màu bình dị như rêu phong, bụi đường mờ đục, như lá rừng, suối cạn, như son đất đỏ, thắm thiết một mạch nối từ cảm xúc của họa sĩ đến người lính, anh lái xe, o giao liên, cô y tá”.


Cũng theo họa sĩ Lê Trọng Lân, họa sĩ Trần Huy Oánh đã khiêm nhường tôn trọng thần thái cuộc sống của bức vẽ, dù đã hoặc chưa hoàn thiện, càng vẽ vội vẽ nhanh, càng bộc lộ những khả năng đặc biệt của một họa sĩ có trình độ, một cây bút sung sức, nhiều rung động. “Trong ‘Ký họa thời chiến’ của họa sĩ Huy Oánh, nhân vật như quen thuộc nên gần gũi, không gian hiện thực nên rộng lớn, màu sắc của trời, đất này nên xúc động. Những tác phẩm của Trần Huy Oánh vì thế là những tín hiệu lấp lánh nối quá khứ với tương lai của mỹ thuật Việt Nam”.



Họa sĩ Trần Huy Oánh sinh năm 1937, tại Nam Định, tốt nghiệp trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1963. Với vai trò là Phó Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội; ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam. Trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã tham gia hơn 20 triển lãm trong và ngoài nước, có 3 triển lãm cá nhân. Ông có góp mặt trong bộ sưu tập của Viện Bảo tàng nghệ thuật Việt Nam, các bộ sưu tập cá nhân Australia, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Canada, Mỹ. Đã ở tuổi 77, ông vẫn tiếp tục tham gia giang dạy chương trình Master nghệ thuật tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội.



Triển lãm “Ký họa thời chiến” kéo dài tới ngày 19/11.


P.V