05:06 07/05/2014

Kỳ công Điện Biên Phủ của các nhà quay phim tài liệu Liên Xô (Kỳ cuối)

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam nhanh chóng giành được thắng lợi và khi đoàn làm phim của đạo diễn Roman Karmen vượt biên giới Trung - Việt vào khu giải phóng thì chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra được nửa tháng.

Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam nhanh chóng giành được thắng lợi và khi đoàn làm phim của đạo diễn Roman Karmen vượt biên giới Trung - Việt vào khu giải phóng thì chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra được nửa tháng.

 

Những bức ảnh quí trong cuốn “Ánh sáng trong rừng thẳm” viết về Việt Nam của Roman Karmen.

Nhưng với mục tiêu đặt ra là “… cần quay một bộ phim thật sâu và nói rõ về bản chất cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, chứ không phải một bộ phim hời hợt”, các nhà làm phim Liên Xô đã vượt qua mọi khó khăn, làm việc với sự tài tình và đầy sáng tạo để có thể ghi lại những giờ phút hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, tái hiện một giai đoạn lịch sử trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam bằng những thước phim vô cùng quý giá. Có thể nói bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của các nhà làm phim Liên Xô khi đó có lẽ là bộ phim tài liệu nghệ thuật duy nhất ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử của Hà Nội năm 1954.


Đoàn làm phim Liên Xô chia làm 3 nhóm để thực hiện những cảnh quay trước khi hội tụ về Hà Nội quay cảnh đại quân Việt Nam tiếp quản thủ đô. Trong khi đạo diễn Roman Karmen làm việc ở chiến khu Việt Bắc, gặp gỡ và quay cảnh về các nhà lãnh đạo Việt Nam; nhóm do ông Esukin phụ trách đến tỉnh Nghệ An và quay các cảnh về cuộc sống của nhân dân Việt Nam; nhóm thứ 3 của ông Mukhin, trong đó có nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi và quay phim phụ Nguyễn Khắc Lợi, chuyên quay các cảnh về chiến sự đã lên Điện Biên Phủ và nhiều tỉnh khác. Mỗi một người trong 3 nhóm đã ghi lại những sự kiện và con người cụ thể, để đồng thời tạo nên một bức tranh hùng vĩ của cuộc kháng chiến chống Pháp, phản ánh đất nước và nhân dân Việt Nam trong một thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc. Đó là những trận tấn công dũng cảm của các đại đội du kích, cảnh quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào thủ đô Hà Nội, cảnh binh lính Pháp bị bắt làm tù binh, hay những cảnh về đời sống người dân Việt Nam dần được ổn định ở các thành phố khi hòa bình lập lại và những thay đổi ở vùng nông thôn…


Cùng làm việc với đoàn còn có sự tham gia của một số đạo diễn, nhà quay phim và nhân viên kĩ thuật của Việt Nam như Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Tiến Lợi, Mai Lộc, Nguyễn Khánh Dự, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Đặng Bảy, Bùi Đinh Hạc, Nguyễn Đắc… sau này họ đều trở thành các nghệ sĩ nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam. Kề vai sát cánh cùng nhau, các nhà làm phim Liên Xô và các đạo diễn Việt Nam đã cùng nhau không chỉ thực hiện một bộ phim lịch sử, mà đối với họ, công việc này đã trở thành một trường học tuyệt vời để tiếp thu những kĩ năng chuyên nghiệp và nâng cao trình độ tay nghề đồng thời có thể coi là trận thử lửa đầu tiên để bước vào sự nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp. Không những thế đối với họ, việc thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử này còn đánh dấu bước đầu trên con đường hợp tác lâu dài và có kết quả giữa nền điện ảnh của hai nước Việt Nam - Liên Xô.


Thêm nữa, các nhà lãnh đạo Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, các nhà hoạt động văn hóa Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi cũng đã ủng hộ và giúp đỡ rất nhiều cho đoàn hoàn thành bộ phim lịch sử này.


Sau khi hoàn thành bộ phim, đạo diễn Roman Karmen nổi tiếng ở Việt Nam đến nỗi khi ông đã trở về Moskva, “những người Việt Nam coi bất kì nhà quay phim châu Âu nào cũng là đạo diễn Liên Xô Roman Karmen”. Ở Moskva, Karmen tiếp tục nhận được những bức thư từ Việt Nam gửi tới, trong số những bức thư đó, đạo diễn nổi tiếng Liên Xô rất thích đọc đi đọc lại bức thư ngắn của một đồng sự Việt Nam với những lời lẽ hết sức chân tình nhưng chứa chan tình cảm: “Anh Karmen đã đi bộ hàng chục cây số để thu được những tài liệu tuyệt vời. Anh Karmen và hai nhà quay phim Liên Xô khác đã làm việc cả ngày lẫn đêm để phản ánh sự chính xác và chân thực cuộc đấu tranh của nhân dân chúng tôi. Nhiều khó khăn, mưa gió, thiếu phương tiện đi lại và những gian nan khác không thể làm nao núng tinh thần và ý chí của anh Karmen và hai người đồng sự, đó cũng là ý chí sắt đá của những người anh em Liên Xô”.


Có thể nói, những nhận xét này cũng là sự đánh giá cao nhất về kỳ công sáng tác của Karmen, Esurin và Mukhin trong bộ phim tài liệu lịch sử về Việt Nam.


Duy Trinh (sưu tầm)