11:17 11/11/2010

Kỳ 1: Ẩn ý đằng sau đề nghị của ông Zoellick

(Tin tức) - Trong bài phân tích đăng trên tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra ngày 8/11 vừa qua, ông Zoellick cho rằng một cơ chế "bản vị vàng" cải tiến (trong hệ thống tiền tệ) có thể giúp tạo công cụ mới cho nền kinh tế toàn cầu.

(Tin tức) - Trong bài phân tích đăng trên tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra ngày 8/11 vừa qua, ông Zoellick cho rằng một cơ chế "bản vị vàng" cải tiến (trong hệ thống tiền tệ) có thể giúp tạo công cụ mới cho nền kinh tế toàn cầu. Người đứng đầu WB “chua” thêm rằng thế giới cần có một hệ thống mới để “kế nhiệm” hệ thống tiền tệ thả nổi "Bretton Woods II" vốn tồn tại kể từ khi hệ thống tỷ giá cố định Bretton Woods bị sụp đổ vào năm 1971. Hệ thống này có thể phải bao gồm đồng USD của Mỹ, đồng euro của châu Âu, đồng yên của Nhật Bản, đồng bảng của Anh và đồng nhân dân tệ (NDT) đang tiến tới quốc tế hóa và sau đó trở thành tài khoản mở về vốn của Trung Quốc. Theo ông Zoellick, hệ thống mới này cũng nên xem việc sử dụng vàng như một "điểm tham chiếu quốc tế đối với dự báo thị trường về lạm phát, giảm phát và giá trị tiền tệ tương lai”.

Bản vị vàng là chế độ tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn được ấn định bằng hàm lượng vàng. Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt (ở dạng giấy bạc hay tiền xu) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu. Các chính phủ sử dụng thước đo giá trị cố định này nếu chấp nhận thanh toán cả tiền mặt của chính phủ nước khác bằng vàng sẽ có liên hệ tiền tệ ấn định (lượng tiền mặt lưu hành, tỷ giá quy đổi...).
Nguồn: wikipedia.org

Đề nghị của ông Zoellick được đưa ra giữa lúc nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ ngày càng hiện hữu khi các nước chủ trương hạ giá đồng nội tệ để theo đuổi các lợi thế thương mại và vấn đề tỉ giá vẫn là một trong những chủ đề quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Vì thế, hàm ý của nó không còn nằm ở sự cần thiết phải xây dựng lại hệ thống tiền tệ quốc tế, mà phần nhiều phản ánh nỗi lo ngại của vị Chủ tịch WB nói riêng và mọi người nói chung về hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện nay.

Thực tế cho thấy Mỹ đã dẫn đầu làn sóng cáo buộc Trung Quốc cố tình ấn định đồng NDT ở mức “thấp giả tạo” nhằm trợ giúp xuất khẩu, dẫn tới thâm hụt thương mại của nhiều nước đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Oasinhtơn cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích, đặc biệt là từ các thị trường mới nổi về hành vi “sử dụng lạm phát thế giới để giải quyết tình trạng giảm phát trong nước” thông qua việc thực hiện chính sách nới lỏng định lượng lần 2 (QE2).

Dư luận nói chung cho rằng động thái bơm thêm 600 tỷ USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này có thể làm đồng USD giảm giá nhanh hơn, buộc các nước khác phải thực thi các biện pháp quản lý và kiểm soát tương ứng về dòng tiền vốn cũng như can dự vào vấn đề tỉ giá và áp đặt các hàng rào thương mại. Sự nhiễu loạn trong hệ thống tiền tệ toàn cầu rốt cuộc có thể đẩy thế giới vào một cuộc chiến thương mại mà hậu quả của nó sẽ lây lan sang lĩnh vực chính trị, cản trở kinh tế thế giới hồi phục, nghiêm trọng hơn là gây ra sự đổ vỡ kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, phải thấy rằng mọi người đã sớm nhận thấy hệ thống tiền tệ hiện hành - dự trữ quốc tế đa nguyên hóa lấy đồng USD làm trung tâm và thả nổi tỉ giá - đang tồn tại những vấn đề nghiêm trọng. Nhưng việc tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Còn nhớ vào đầu năm 2009, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã lên tiếng đề nghị lấy đồng SDR do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều hành làm đồng tiền dự trữ quốc tế thay cho đồng USD. Tuy đồng SDR có thể giúp khắc phục được rủi ro nội tại của một đồng tiền tín dụng chủ quyền như đồng USD, nhưng sự bó buộc về cơ chế và do thiếu tính lưu thông rộng rãi, nên đồng SDR khó có thể trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Cuối cùng, giới tài chính quốc tế vẫn cứ phải tiếp tục xuyên qua “mây mù” mà đi.

Trong bối cảnh này, lời đề nghị của ông Zoellick giống như việc tung ra con “săn sắt” để bắt về con “cá rô” – cần phải tiếp tục triển khai những cải cách về hệ thống tài chính quốc tế. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm quốc tế của những quốc gia giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính quốc tế; mở rộng vai trò của các nước đang phát triển trong hệ thống tài chính quốc tế; tăng quyền phát ngôn và tính đại diện của những thị trường mới nổi và những nước đang phát triển trong hệ thống tài chính quốc tế. Chỉ có từng bước cải thiện hệ thống tiền tệ quốc tế, cải cách tổ chức tài chính quốc tế, tăng cường giám sát và quản lý tài chính quốc tế, khuyến khích hợp tác tài chính khu vực mới có thể nâng cao một cách thực sự tính ổn định của hệ thống tài chính quốc tế. Và người ta hi vọng chí ít tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 này, các bên sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc chỉ đạo nhằm chặt đứt những manh nha của cuộc chiến tiền tệ.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)