02:10 28/02/2011

Ksor Tuy vượt khó vươn lên

Tỉnh Gia Lai ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Ksor Tuy, làng Pleikuro, TP Plâycu là một điển hình trong phong trào này.

Tỉnh Gia Lai ngày càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Ksor Tuy, làng Pleikuro, TP Plâycu là một điển hình trong phong trào này.

Chỉ với 1 ha đất canh tác, anh Ksor Tuy đã biết cách sử dụng đất để tổ chức sản xuất hợp lý. Đối với vùng đất trũng có nước, anh gieo cấy 6 sào lúa giống mới năng suất cao, đủ cung cấp lương thực cho gia đình trong năm. Với 2 sào đất vườn, một phần anh rào lại để nuôi gà thả vườn, phần còn lại thì trồng rau xanh. Mùa nào cây đó, trong vườn nhà anh luôn xanh mượt các loại rau…


Sau khi tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, anh đã quyết định thâm canh cây bí lấy ngọn và trở thành cây chủ lực trong vườn rau của nhà anh. Ngoài ra, từ các phụ phẩm nông nghiệp anh đã phát triển nghề chăn nuôi, bằng cách nuôi lợn nái để tự cung cấp giống, chuồng nhà anh luôn duy trì đàn lợn gần 20 con, đưa tổng thu nhập của gia đình mỗi năm lên trên 50 triệu đồng.

Cùng với việc tổ chức sản xuất hợp lý, gia đình Ksor Tuy còn xây dựng môi trường nông thôn sạch qua việc tiếp nhận công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học bioga.


Gia đình anh là hộ đầu tiên của làng Pleikuro mạnh dạn đầu tư xây dựng hầm bioga bằng nhựa composite. Sử dụng công nghệ này không những xử lý được chất thải trong chăn nuôi lợn, có điện phục vụ sinh hoạt, mà còn có nhiên liệu để làm chất đốt, tiết kiệm được một khoản kinh phí khá lớn cho gia đình.


Anh Ksor Tuy cho biết: “Nhà mình chủ yếu sống bằng nghề nông khó khăn lắm, làm lúa và trồng rau chỉ đủ ăn thôi. Được sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước, mình mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội của tỉnh để đầu tư nuôi thêm heo, gà, nhờ đó mà đến nay gia đình cũng đã có của ăn của để. Thêm nữa, mình còn được cán bộ kỹ thuật tư vấn và được hỗ trợ một phần kinh phí nên gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng hầm bioga để lấy nhiên liệu phục vụ cho gia đình vừa tiết kiệm được chi tiêu vừa giữ được môi trường sạch sẽ. Trước đây mình mua củi nấu, mỗi năm hết hơn 5 triệu, bây giờ có gas rồi, không phải tốn tiền nữa”.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được, gia đình anh Ksor Tuy đang là điển hình tiêu biểu cho nông dân sản xuất giỏi và xây dựng nếp sống mới trong khu dân cư của TP Plâycu.


Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản Gia Lai đã chọn gia đình anh làm mô hình để nhân rộng cho bà con trong tỉnh. Ông Lê Huy Toàn – Phó Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản Gia Lai cho biết: “Chúng tôi chọn mô hình anh Ksor Tuy để xây dựng thành mô hình kiểu mẫu hướng dẫn cho bà con nông dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để bà con chăn nuôi theo phương pháp mới, khắc phục tình trạng chăn nuôi thả rông như lâu nay gây ô nhiễm môi trường”.

Với mô hình sản xuất kinh tế, kết hợp xử lý chất thải bằng bể sinh học bioga của gia đình anh Ksor Tuy, nông dân các dân tộc trong tỉnh Gia Lai có thể dựa vào đó để tìm cho mình một hướng đầu tư hợp lý.

Nguyễn Hoài Nam