06:09 05/06/2013

Konchoro - 'chiếc nôi' của văn hóa dân tộc Bahnar

Chúng tôi có dịp về Konchoro, một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai; đắm mình trong những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của đồng bào Bahnar, vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn nhờ ý chí và nguyện vọng của người dân bản địa...

Chúng tôi có dịp về Konchoro, một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia Lai; đắm mình trong những giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của đồng bào Bahnar, vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn nhờ ý chí và nguyện vọng của người dân bản địa, cũng như sự cố gắng nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng trong việc bảo tồn và phát huy.

 

Konchoro lâu nay được coi là "chiếc nôi" của văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh, bởi số lượng cồng chiêng không chỉ nhiều, mà còn phong phú và đa dạng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 bộ cồng chiêng, thì riêng ở huyện Konchoro có tới 560 bộ; trong đó có 150 bộ chiêng cổ, mỗi bộ có thể đổi tới cả chục con trâu trắng, khỏe. Buôn làng nào cũng còn lưu giữ từ 3 - 5 bộ cồng chiêng và đều được trình diễn trong những ngày lễ hội. Vào tiết trời tháng 3 hàng năm - mùa con ong đi lấy mật, tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng...

Cồng chiêng của đồng bào Bahnar ở Gia Lai được bảo tồn và phát huy giá trị. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Ở Konchoro còn mới hình thành thêm 3 đội cồng chiêng nhi đồng từ 11 tuổi trở xuống tại 3 làng Byang (thị trấn), làng Tờ Nừng (xã Ya Ma) và làng H'Tiêng (xã Đăk K'ning) để bảo tồn và phát huy nối tiếp trong thế hệ trẻ. Hoạt động của các đội cồng chiêng nhi đồng rất hiệu quả và thiết thực. Đây được coi là mô hình mới và huyện đã có chủ trương nhân rộng mô hình này đến tất cả các buôn làng dân tộc trên địa bàn trong những năm tới.


Bên cạnh cồng chiêng, thì nhà mồ của đồng bào Bahnar ở Kongchoro cũng là nét văn hóa truyền thống được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Nhiều nhà mồ vẫn còn giữ được "hình hài" có từ ngàn đời nay, bởi bà con đã biết trân trọng và giữ gìn. Buôn làng nào cũng đều có khu nhà mồ riêng, có một số buôn làng có đến 2 khu nhà mồ.


Chúng tôi có dịp "mục sở thị" tại một khu nhà mồ ở làng Byang (thị trấn Konchoro). Khu nhà mồ này có chừng 100 ngôi mộ, mỗi mộ đều nằm riêng biệt, được làm bằng nguyên liệu tại chỗ. Phía bên trong phần mộ nào cũng có "tài sản" của người sống chia cho người chết như ché rượu, hũ đựng gạo, một số loại dụng cụ lao động sản xuất... Phía bên ngoài phần mộ có tường rào bao bọc và dựng các tượng gỗ chung quanh theo nhiều hình dạng khác nhau như tượng người vợ khóc chồng, bảo vệ nòi giống và nhiều tượng thú rừng khác... Trước khu nhà mồ là cây neo cao vút với nhiều hoa văn đặc sắc, biểu hiện sức sống mãnh liệt và tính cách mạnh mẽ của đồng bào Bahnar. Anh Đinh GDrenh cho biết, đối với đồng bào Bahnar, người chết vẫn còn linh hồn sống chung với dân làng. Do vậy, họ được quyền chia tài sản và người sống phải chăm lo cho người chết từ việc cho ăn uống hàng ngày cũng như giữ gìn phần mộ...


Nhà rông ở Konchoro cũng được giữ gìn và phát huy tốt, buôn làng nào cũng đều có nhà rông - là nơi linh thiêng để dân làng hội họp và tổ chức các lễ hội như mừng lúa mới, mừng mưa thuận gió hòa..., để cho cộng đồng được no ấm. Nhiều buôn làng còn giữ được những nhà rông mang dáng cổ xưa theo truyền thống của đồng bào Bahnar, toàn bộ công trình đều được làm bằng nguyên liệu từ rừng. Điển hình, ở làng H'le K'tu (thị trấn konchoro) đã huy động sức dân làm mới nhà rông của tộc người Bahnar có giá trị hơn 1 tỷ đồng. Đây là nhà rông lớn nhất của cộng đồng làng từ trước tới nay, với tổng diện tích sử dụng trên 200 m2 theo kiểu mẫu nhà rông truyền thống, tất cả nguyên liệu được làm bằng lá cây rừng và thời gian kéo dài trong 3 năm. Đến nay, nhà rông ở làng đã cơ bản hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng theo đúng nghi lễ của Bahnar. Tại địa bàn không có gỗ tốt, làng xin phép địa phương khai thác với khối lượng gỗ và các loại vật liệu cần thiết tại vùng rừng xã Chư Krei (cách xa hơn 10 km) để làm nhà rông. Già làng Ui - chủ làng H'Le KaTu cho biết, việc dựng mới lại nhà rông đều được dân làng đồng thuận và phấn khởi, bà con tự nguyện đóng góp công sức để tham gia cùng với làng. Bởi bà con đã có chỗ sinh hoạt cộng đồng trong điều kiện rộng rãi, thoáng mát và chắc chắn, hơn nữa là nơi linh thiêng của Yàng do chính công sức và trí tuệ của dân làng tạo dựng nên...


Ông Phan Văn Trung - Chủ tịch UBND huyện Konchoro khẳng định: Việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là đối với một huyện vùng sâu xa như Konchoro có tới hơn 70% số dân là người dân tộc Bahnar (34.000 người). Do đó, từ nhiều năm nay huyện thực hiện nhiều biện pháp tích cực và đồng bộ để giữ gìn và phát huy có hiệu quả. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động, hàng năm huyện còn tổ chức liên hoan cồng chiêng cấp xã, cấp huyện; thành lập và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn nghệ nhân cồng chiêng, nghệ nhân tạc tượng..., tham gia liên hoan cấp tỉnh và trong cả nước.



Văn Thông