11:12 07/11/2017

Kon Tum: Tập trung khôi phục các tuyến đường sạt lở do mưa bão số

Để khắc phục nhanh hậu quả do ảnh hưởng của bão số 12, tỉnh Kon Tum đã huy động mọi nguồn lực, tập trung khôi phục hệ thống đường giao thông, đảm bảo việc thông tuyến, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Lực lượng chức năng xử lý hiện trường sạt lở cho các phương tiện qua lại.

Theo đó, ngành Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum tập trung nhiều máy móc, phương tiện, nhân công giải phóng khối lượng đất đá sạt lở, cây cối đổ xuống đường. Ở nhiều khu vực,  công nhân và máy móc hoạt động suốt ngày đêm với nỗ lực thông tuyến, kết nối giao thông với các điểm khó khăn.
         
Ông Phan Mười - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, công tác khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông đang gặp nhiều khó khăn. “Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo trực tiếp các đơn vị quản lý đường đẩy nhanh tiến độ khắc phục. Tuy nhiên, do mưa vẫn tiếp diễn, khối lượng đất đá sụt trượt vẫn tiếp tục, thời tiết còn biến động thì khó lường trước được, có thể còn kéo dài”- ông Phan Mười lo lắng nói.
         
Theo nhận định của ngành chức năng địa phương, nếu thuận lợi cũng phải đến hết ngày 8/11 mới khắc phục xong điểm sạt lở với hơn 3.000m3 đất đá trên Quốc lộ 24. Đối với các tuyến tỉnh lộ, nhanh nhất cũng 3 ngày nữa mới thông đường.

Đến ngày 7/11, cơn bão số 12 đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum đã gây nhiều thiệt hại, làm 29 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng và 1 người chết; nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng khiến nhiều vùng trong tỉnh bị cô lập, công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn hai huyện Đăk Glei và Kon Plông vẫn đang bị chia cắt, cô lập. Tỉnh lộ 676 nối trung tâm huyện Kon Plông với 4 xã phía trong, gồm Đăk Tăng, Đăk Ring, Đăk Nên và Măng Bút bị sạt lở nghiêm trọng. Trên tuyến tỉnh lộ này có 53 điểm sụt trượt với hàng nghìn mét khối đất đá cùng cây cối ngã đổ ngổn ngang. Tại Km23+150, Km23+250, Km 25+500, Km 26+ 450… đất đá tràn ra mặt đường, ta luy dương bị sạt lở nặng khiến phương tiện, người dân không thể qua lại.
         
Ngoài ra, tình trạng sạt lở cũng gây tắc đường, cô lập nhiều khu dân cư trên tỉnh lộ 673 nối trung tâm huyện Đăk Glei với hai xã Mường Hoong và Ngọc Linh. Trên tuyến tỉnh lộ này có 71 điểm sạt lở với hàng ngàn m3 đất đá, cây cối. Nhiều điểm sạt lở với khối lượng đất đá lớn dẫn đến tắc đường như Km16+800, Km29+600…
         
Sạt lở nghiêm trọng nhất là khu vực đường Trường Sơn Đông và đèo Lò Xo; trong đó, nhiều điểm hiện vẫn chưa thể khắc phục thông tuyến, nhất là trên khu vực đường Trường Sơn Đông. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý đường bộ III.4, mưa bão đã làm hư hỏng nền, móng mặt đường, sạt lở taluy nền đường, hệ thống thoát nước và hệ thống an toàn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Km1408 - Km1418 và đường Trường Sơn Đông từ Km175- Km230.
         
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đèo Lò Xo, mưa lũ đã làm 6 điểm bị sạt lở nặng với khối lượng hơn 4.000m3, khiến tuyến đèo này bị tê liệt trong nhiều giờ.

Tin, ảnh: Quang Thái (TTXVN)