Xuất khẩu - “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế

Xuất khẩu (XK) năm 2010 có thể “cán đích” 70,8 tỷ USD, tăng tới 24% so với năm 2009, vượt 18% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên (ảnh) cho rằng, với thành tích này, XK năm 2010 được coi là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế năm nay.

Tăng lượng, tăng cả chất

Thưa ông, XK năm 2010 có những chuyển biến như thế nào so với những năm trước?

Mặc dù trong năm 2010, XK gặp nhiều khó khăn về thị trường sau khủng hoảng toàn cầu và các rào cản thương mại, song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng XK chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, gạo... đã đạt kim ngạch XK cao.


Hàng dệt may tiếp tục đứng đầu về kim ngạch XK (đạt 11 tỷ USD, tăng 21,3% so với năm trước và chiếm 15,5% tổng kim ngạch XK của cả nước), vượt 8% so với mục tiêu XK đặt ra từ đầu năm; Hai mặt hàng da giầy, thủy sản tuy bị áp thuế bán phá giá ở một số thị trường và đặc biệt là thủy sản còn chịu sự kiểm tra khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, song do có sự đầu tư chiều sâu, tạo mặt hàng mới và mở rộng thị trường nên kim ngạch XK của hai mặt hàng này đều đạt trên 4,9 tỷ USD, lần lượt vượt 13,4% và 8,1% mục tiêu XK đặt ra từ đầu năm.

Mặt hàng gạo đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD và vượt 8,6%, cao su đạt 2,2 tỷ USD và vượt 73% so với mục tiêu đầu năm. So với năm 2009, chúng ta có thêm 5 mặt hàng mới có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD là mặt hàng hạt điều, xăng dầu các loại, sản phẩm chất dẻo, dây điện cáp điện và phương tiện vận tải, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 18 mặt hàng.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang). Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Khối lượng hàng XK gia tăng ở nhiều nhóm hàng. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống có khối lượng XK tăng khá như thủy sản, nhân điều, gạo, cao su, hàng dệt và may mặc, da giày, điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ..., nhiều mặt hàng XK mới như máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, hóa chất, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm thủy tinh..., cũng có kim ngạch XK tăng mạnh.


Điều này đã khẳng định chủ trương phát triển mặt hàng XK mới từng bước phát huy hiệu quả trong năm qua, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng XK của nền kinh tế ngày càng được mở rộng.

Khối lượng XK tăng góp phần tăng kim ngạch XK của cả nước đạt mức 5 tỷ USD so với 2 tỷ USD năm 2009. Đây là dấu hiệu tích cực đối với XK, do lượng hàng hóa XK tăng thể hiện quy mô sản xuất được mở rộng, là yếu tố giúp duy trì tăng trưởng XK một cách bền vững.


Bên cạnh đó, lượng hàng công nghiệp tăng lên đã bù đắp cho lượng hàng khoáng sản giảm mạnh (dầu thô và than đá giảm 3,8 tỷ USD).

Giá XK của hầu hết các mặt hàng đều tăng: Ngoài các mặt hàng có hàm lượng chế biến thấp như gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than được hưởng lợi nhờ giá thị trường thế giới tăng mạnh, nhiều mặt hàng XK khác có giá XK tăng khá phản ánh hàm lượng chế biến trong sản phẩm XK được nâng lên một bước trong năm 2010 như thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây và cáp điện...


Trong số các mặt hàng XK chủ lực, một số mặt hàng có kim ngạch XK tiếp tục xếp thứ hạng cao so với các nước XK trên thế giới, có khả năng ảnh hưởng đến thị trường thế giới như gạo và cà phê (đứng thứ 2 thế giới về XK), cao su, hạt tiêu, hạt điều. Giá cả hàng hóa tăng một phần do giá thế giới tăng, một phần do chất lượng hàng XK của ta đã được cải thiện.

Trong đó, chất lượng tăng trưởng XK được cải thiện, thể hiện ở các mặt sau: Cơ cấu hàng hóa XK đã có những chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần XK hàng thô. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến so với năm 2009 tăng mạnh từ 63,4% lên 68,2%; nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm từ 15,2% xuống 11,1%; nhóm hàng nông sản thủy sản giảm từ 21,5% xuöëng 20,8%...

Ông có cho rằng, thành tích XK năm nay đã giúp kiềm chế nhập siêu?

Kim ngạch nhập khẩu năm 2010 ước đạt 82,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2009. Về giá trị, kim ngạch nhập khẩu năm 2010 tăng 12,85 tỷ USD. Nhập siêu năm 2010 khoảng 12 tỷ USD, bằng 16,9% tổng kim ngạch XK của cả nước, thấp hơn 3% so với mục tiêu Chính phủ đề ra.


Qua kết quả hoạt động XK, nhập khẩu năm 2010 cho thấy dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực của các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2010 đã thu được kết quả đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng XK cao, thâm hụt cán cân thương mại giảm đáng kể.

Nội lực tăng XK và giảm nhập siêu năm 2011

Xin ông cho biết một số nét chính về mục tiêu xuất nhập khẩu năm 2011?

Năm 2011, phấn đấu kim ngạch XK hàng hóa tăng trưởng 10% so với năm 2010 và tỷ lệ nhập siêu hàng hóa năm 2011 không vượt quá 18% so với tổng kim ngạch XK. Bộ Công Thương xác định, đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thương mại là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.

Tiếp tục mở rộng thị trường XK, nhất là những thị trường tiềm năng, thị trường có nhu cầu hàng hóa phù hợp với hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.


Đảm bảo ổn định nhập khẩu có kiểm soát các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất cho tiêu dùng trong nước và XK. Có biện pháp chặt chẽ kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được và các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, giảm dần nhập siêu.

Thứ trưởng có đánh giá gì về những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch XK năm 2011?

Trong năm 2011, hoạt động XK có những thuận lợi nhưng cũng còn những khó khăn, thách thức. Về mặt thuận lợi, sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt là của các thị trường XK truyền thống, đang tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa XK của Việt Nam.


Với việc triển khai tích cực của các bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, XK, kiểm soát nhập siêu đã từng bước phát huy tác dụng.


Nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây tăng mạnh (lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, sản phẩm cơ khí…).

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế thế giới. Bảo hộ thương mại ngày càng leo thang: Các nước phát triển như Mỹ, EU sẽ đưa ra những chính sách ưu ái các công ty trong nước và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của nước ngoài. Việc các nước nhập khẩu bắt đầu áp dụng các rào cản thương mại và các quy định mới sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.


Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá.


Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất, XK vẫn đang gặp một số khó khăn liên quan đến giá cả nguyên liệu đầu vào gia tăng do giá điện, than dự kiến tăng trong năm 2011 và giá hàng hóa thế giới tăng; tình trạng thiếu lao động phổ thông cho một số lĩnh vực sản xuất như thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ vẫn tiếp diễn; tình trạng thiếu điện...

Với những diễn biến trên, ông có lời khuyên gì để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện kế hoạch XK năm 2011?

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh để có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA), nhất là thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn các thị trường rộng lớn này.


Để XK thành công vào các thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phát triển kế hoạch tiếp thị tốt với tầm nhìn dài hạn; cung cấp sản phẩm có chất lượng ổn định; thiết lập mối quan hệ bền chặt với các siêu thị và nhà nhập khẩu có hệ thống phân phối tốt.


Bên cạnh đó, các doanh nghiệp XK cần xác định các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và những đại lý, nhà phân phối tiềm năng; nắm bắt các quy trình theo quy định, thuế suất thuế nhập khẩu, cơ chế thương mại liên quan tới sản phẩm...


Các doanh nghiệp XK cần có chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh mang tầm cỡ quốc gia vì việc xây dựng và nâng cao vị thế của thương hiệu được coi là thứ vũ khí cạnh tranh hữu hiệu.

Các thị trường nhập khẩu có xu hướng gia tăng áp dụng các rào cản thương mại với hàng hóa Việt Nam. Theo ông, cần phải có giải pháp gì để đối phó với xu hướng này?

Đa dạng hóa thị trường XK, tránh tình trạng phụ thuộc vào các khu vực thị trường trọng điểm, khi gặp rào cản thương mại của các nước gây khó khăn cho hoạt động XK. Thường xuyên cập nhật, nắm bắt các chính sách thương mại của các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đưa ra để có các giải pháp ứng phó kịp thời.


Tăng cường đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và XK các mặt hàng có kim ngạch lớn. Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến doanh nghiệp, tìm kiếm và mở rộng thị trường; đẩy mạnh đầu tư sản xuất và XK các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: Hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm…


Tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường XK truyền thống, thị trường XK trọng điểm đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những quy định không phù hợp hạn chế XK thời gian qua.


Tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương (FTA); gắn thị trường XK với thị trường nhập khẩu, thông qua đó đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN