Vốn ngân hàng đang 'chảy' vào doanh nghiệp

Với mục tiêu phát triển mới 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, các ngành chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực vào cuộc, trong đó phải kể đến vai trò tích cực của chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” mà thành phố đã triển khai 5 năm qua.

Chương trình này tiếp tục triển khai sẽ là “điểm nhấn” quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp.

“Điểm sáng” trong hỗ trợ doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thời gian qua, chương trình "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp" đã đưa được nguồn vốn từ ngân hàng vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và được xem là “điểm sáng” trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Ký kết vay vốn giữa các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Vietinbank. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Chương trình không chỉ có hiệu ứng trong phạm vi thành phố mà đã lan tỏa ra cả nước, giúp các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng kịp thời với lãi suất hợp lý để sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế, tài nguyên môi trường, đầu tư thì nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò huyết mạch trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến cuối năm 2016 có trên 480.000 tỷ đồng thông qua chương trình “Kết nối ngân hàng- doanh nghiệp” đã đến với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố.

Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra điểm nhấn của Chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” là tập trung cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp. Dự kiến khoảng 280.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối này.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là chương trình “ký thật và làm thật”, tức không chỉ dừng lại ở đối thoại, trao đổi, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp mà khi ký kết xong các ngân hàng sẽ tiến hành giải ngân ngay theo đúng với hợp đồng ký kết. Không có tình trạng ký kết xong rồi về còn thẩm định, đánh giá lại mới có quyết định cho vay.

Mặt khác, các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong môi trường của chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” hoạt động rất hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích càng làm tăng ý nghĩa của chương trình.

Đến nay chưa có trình trạng doanh nghiệp nào bị nợ quá hạn. Đồng thời, việc giải ngân đúng tiến độ, sử dụng vốn đúng mục đích của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã góp phần giảm nợ xấu một cách hiệu quả, nợ xấu trên địa bàn thành phố hiện nay giảm xuống còn 2%.

Ngay từ đầu năm 2017, đã có 16 ngân hàng đăng ký hỗ trợ vốn khoảng 226.000 tỷ đồng và 10 triệu USD cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố trong chương trình kết nối, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm và cho vay trung dài hạn từ 8-10%/năm.

Đến cuối quý I/2017 đã giải ngân hơn 56.000 tỷ đồng cho gần 4.000 khách hàng. Do đó, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, năm nay mục tiêu của thành phố đặt ra cho chương trình số vốn từ 280.000 - 300.000 tỷ đồng là hoàn toàn khả thi và sẽ đạt mục tiêu đề ra.

Theo ông Nguyễn Thiện Quân, Phó Trưởng Văn phòng đại diện miền Nam Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Agribank tham gia chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” ngay từ những ngày đầu triển khai.

Agribank dành nguồn vốn cho vay cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2017, các chi nhánh Agribank cam kết tham gia chương trình với số vốn hơn 3.700 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 6,8%/năm, trung và dài hạn 8%/năm đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên; trong đó điểm nhấn là tập trung lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chú trọng tới doanh nghiệp mới thành lập

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế chính sách của ngành ngân hàng hiện nay đã có nhiều thuận lợi để hỗ trợ các hộ kinh doanh khi thành lập mới doanh nghiệp.

Về điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, Thông tư 39/TT-NHNN (có hiệu lực ngày 15/3/2017) của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay của ngân hàng với khách hàng quy định chỉ có 2 đối tượng được vay là pháp nhân và cá nhân.

Các đối tượng là hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã… không còn được đứng tên vay vốn ngân hàng nữa. Nếu những tổ chức này muốn vay vốn thuận lợi thì phải chuyển thành doanh nghiệp.

Cùng với chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”, chương trình Kích cầu đầu tư theo Quyết định 15/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng tạo niềm tin, thúc đẩy cho các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.

Về lãi suất, khi lên doanh nghiệp các hộ kinh doanh cũng sẽ được nhiều ưu đãi thuận lợi hơn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ưu đãi cho vay vốn ngắn hạn (5,8-6,7%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Đặc biệt, đối với các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu có thể vay vốn bằng ngoại tệ, với lãi suất ngắn hạn (từ 2,5-3%/năm), trung và dài hạn (3-5,5%/năm).

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện không có tài sản thế chấp, doanh nghiệp có thể được vay bằng tín chấp hoặc được bảo lãnh bởi Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố hỗ trợ để vay vốn ngân hàng. Hoặc các ngân hàng sẽ thực hiện quản lý các dòng tiền của doanh nghiệp thông qua việc quản lý các nguồn thu, quản lý thu nợ...

Những giải pháp này chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp còn các hộ kinh doanh không được hưởng những ưu đãi này. Là một doanh nghiệp xuất thân từ hộ kinh doanh, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu N.P.T cho biết, gánh nặng chi phí là cản trở đầu tiên đối với một doanh nghiệp đi lên từ cơ sở nhỏ, trong đó, tài sản thế chấp là một trở ngại lớn về tài chính để doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Vũ, Ngân hàng Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, những cơ sở khởi nghiệp giống như những chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội khi hỗ trợ những chương trình chính sách, xã hội.

Nghĩa là phải có những ngân hàng cho những doanh nghiệp này vay nhưng chấp nhận tỉ lệ rủi ro hay thẩm định về mức độ thành công của doanh nghiệp mà không dựa trên tài sản thế chấp, vì doanh nghiệp mới hình thành hầu như không có tài sản thế chấp, ông Nguyễn Xuân Vũ cho hay.

Đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khi dùng tài sản thế chấp vay vốn cũng không được nhiều, vì giá trị thẩm định tài sản bất động sản nông nghiệp rất thấp, đặc biệt là doanh nghiệp có tài sản gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, vòng quay của nông nghiệp lâu năm, thường trên 3 năm mới thu hoạch, nếu cho vay trung hạn từ 3 năm trở xuống thì không thể nào trang trải kịp. Vì vậy, ngân hàng cần xem xét chính sách ngân hàng có thể giãn thời gian và kéo lãi suất xuống thì doanh nghiệp mới phát triển mạnh và đầu tư các dự án mới được.

Đại diện Công ty TNHH Sao Mai cho rằng, so với những năm trước, hiện ngân hàng đã chủ động hơn trong cung ứng vốn và chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp để tìm ra giải pháp tốt nhất. Nhưng hiện tại chỉ có 16 ngân hàng tham gia chương trình “Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp mong muốn lan tỏa đến tất cả các ngân hàng trên địa bàn thành phố đều tham gia chương trình để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình này hơn.

Việt Âu (TTXVN)
Vốn đã vào doanh nghiệp  nhờ kết nối ngân hàng
Vốn đã vào doanh nghiệp nhờ kết nối ngân hàng

Sau 3 năm (2012 - 2015) UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN), đã có gần 6.300 khách hàng được vay tổng số tiền hơn 145.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 5 - 9%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN