TP Hồ Chí Minh: Nan giải thiếu điện (Bài 1)

TP Hồ Chí Minh đang và sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Mặc dù đã dự báo trước nhưng chiến lược phát triển và quy hoạch mạng lưới điện phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của ngành điện lực vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Bài 1: Mối lo quá tải

Nhu cầu về điện liên tục tăng hàng năm, nhưng hệ thống trạm biến áp, phụ tải không đáp ứng được dẫn đến hệ thống gặp sự cố, quá tải, tình trạng cúp điện luân phiên và đột ngột liên tục diễn ra trong năm 2010 khiến dư luận bức xúc.

Quá tải hệ thống điện

Mỗi năm nhu cầu điện trên địa bàn TP.HCM tăng 13%, cụ thể năm 2011 là 16,5 tỷ kWh và đến năm 2015 là 31 tỷ kWh. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguồn cung cấp điện trên địa bàn TP (là các nhà máy điện, các trạm 500 - 220 kV) cơ bản đáp ứng được.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là khả năng các trạm phụ tải không đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại có đến 23/37 trạm phụ tải đang vận hành quá tải. Ngay cả các trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 - 220 kV cũng luôn trong tình trạng quá tải. Cụ thể: Trạm 500 kV Phú Lâm liên tục quá tải từ 110 - 120%; đường dây 220 kV Thủ Đức - Cát Lái quá tải 195%; Nhà Bè - Nam Sài Gòn quá tải 163%.

Tình trạng quá tải trên dẫn đến việc cúp điện liên tục gây thiệt hại cho các ngành sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Nhân, chủ cơ sở giấy bao bì Văn Nhân (quận Tân Phú) than thở: Tình trạng cúp điện đột ngột trong năm 2010 đã làm cho doanh nghiệp chúng tôi thiệt hại gần hai trăm triệu đồng. Vì theo quy trình thì phải tắt máy trước khi cúp điện. Nếu cắt điện đột ngột, đơn hàng chúng tôi đang in bị dở dang. Máy móc thiết bị, có loại trị giá cả hơn 80 triệu đồng cũng bị hỏng, doanh nghiệp phải cắn răng đền bù đơn hàng cho khách hàng và chi phí mua lại máy móc.

Công nhân Điện lực Sài Gòn sửa chữa dường dây hạ thế trên đường Lý Thái Tổ, quận 3 nhằm giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Thanh Phàn-TTXVN

Một lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCM) cho biết, chúng tôi đã thành lập Tổ điều hành công tác vận hành hệ thống điện tại tổng công ty và các đơn vị; xây dựng phương án chuyển tải, vận hành lưới điện linh hoạt đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, đơn vị sản xuất, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu. Cùng với đó, EVNHCM sắp xếp lịch thi công bảo trì, sửa chữa lưới điện một cách hợp lý… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp cấp bách trước mắt trong những thời điểm nhu cầu về điện tăng cao.

Dự án điện: 4 năm chưa xong 1 công trình

Trong lúc nhu cầu về điện rất cấp bách thì tiến độ triển khai các dự án điện của EVNHCM rất chậm. Năm 2010, EVNHCM khởi công 21 công trình lưới điện nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được 9 công trình.

Điển hình là dự án đường dây 500 kV Nhà Bè - Ô Môn (đoạn Nhà Bè - Cai Lậy) dự án được khởi công từ tháng 4/2006 với khối lượng gồm 19 vị trí trụ, chiều dài tuyến 6,978 km, đến thời điểm hiện nay, Ban QLDA lưới điện Miền Nam có 17 văn bản gửi huyện Nhà Bè và UBND thành phố, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) có 4 văn bản gửi UBND thành phố, UBND huyện Nhà Bè đã tổ chức 6 buổi họp, UBND thành phố đã tổ chức 3 cuộc họp và có 7 văn bản chỉ đạo mà vướng mắc của dự án vẫn chưa giải quyết xong.

Tương tự một dự án "rùa" khác là đường dây 220 kV Nhơn Trạch - Nhà Bè dài 15,898 km dự án khởi công tháng 8/2008, trong đó đoạn qua địa bàn huyện Nhà Bè có chiều dài 800 m. Phần trụ và hành lang tuyến chỉ vướng 1 hộ không đồng ý nhận tiền bồi thường đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của cả dự án. Ngoài ra nhiều dự án phát triển điện theo quy hoạch hiện đang “giậm chân” vì không giải phóng được mặt bằng như: Trạm biến áp 110 kV Bình Chánh, Bình Hòa, Bình Tân 3, An Hạ, Nam Sài Gòn 3, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Thới Hiệp…

Không những thế, đề án "Qui hoạch phát triển điện lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến 2015, xét tới 2020" hiện đang trình Bộ Công Thương phê duyệt, thì khối lượng đầu tư các công trình lưới điện là rất lớn gồm 37 trạm 110 kV, 3 trạm 220 kV thuộc trung tâm thành phố...

Nếu không sớm có biện pháp thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án thì nguy cơ thiếu điện tại TP.HCM vẫn sẽ tiếp diễn trong những năm tới. Bởi theo cảnh báo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), "Với tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện như hiện nay, tình trạng quá tải lưới điện và không đảm bảo cung cấp điện sẽ tiếp diễn".

EVN đề nghị UBND thành phố xem xét sử dụng nguồn ngân sách từ thành phố để triển khai cắm mốc hành lang tuyến đường dây 110 - 220 - 500 kV và quy hoạch vị trí các trạm biến áp để tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch sử dụng đất cho các dự án điện.

Sĩ Dũng

Bài 2: Quy hoạch điện hợp lý để tiết kiệm điện
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN