Tìm điểm lạ từ những ngành quen

Tại “Ngày hội đầu tư 2012” diễn ra ở TP.HCM ngày 16/2, đã có 20 diễn giả kinh tế, doanh nhân hàng đầu trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và cơ hội đầu tư kinh doanh trong năm 2012.

Nông nghiệp được dự báo là một kênh đầu tư hấp dẫn.


Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2012 vẫn được xem là năm sẽ có nhiều biến động. Tuy nhiên, để tìm kiếm cơ hội trong thời điểm khó khăn vẫn xuất phát từ những ngành đầu tư cũ, cái chính là phải biết tìm điểm lạ từ những ngành quen.

Những kênh đầu tư hấp dẫn

Tiến sĩ Alan Phan – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Viasa Fund cho biết: Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư hiện đang phân vân lựa chọn cho mình những giải pháp đầu tư hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất cho các nhà đầu tư chính là tư duy đột phá. Càng có tư duy sáng tạo và mới lạ, cơ hội đầu tư kinh doanh càng có hiệu quả. Theo đó, năm 2012 sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ của nền kinh tế, trong đó những ngành có cơ hội tốt và hấp dẫn để đầu tư chính là đầu tư tài chính và đầu tư giá trị sản phẩm.

Cũng theo TS Alan Phan, phần lớn các nhà đầu tư đều quan tâm đến đầu tư tài chính như: Vàng, ngoại hối, chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, vàng chỉ là kênh phòng thủ chứ không phải là kênh đầu tư. Nguyên nhân giá vàng lên xuống thất thường do phụ thuộc vào sự phát triển hay bất ổn của nền kinh tế thế giới. Vì thế, nếu không am hiểu về thị trường vàng sẽ dẫn đến rủi ro cao.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch SJC cho biết: Mặc dù theo dự báo của nhiều chuyên gia thế giới, giá vàng có thể tăng nóng lên 2.000 - 2.100 USD/ounce trong năm 2012 và 2013. Tuy nhiên, thông thường giá vàng tăng theo hình răng cưa chứ không phải hình thẳng đứng. Nguyên nhân, do thủ thuật kinh doanh của nhiều tổ chức đầu tư thế giới làm giá vàng bằng cách mua vào khi vàng chạm đáy và bán ra khi vàng lên đỉnh. Vì thế, với những nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên đầu cơ vàng lướt sóng. Nhưng với những người muốn xem vàng là kênh tài sản an toàn thì nên mua vào thời điểm này. Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong nước bị thua lỗ nặng chỉ vì đặt sai lệnh giá vàng.

Với kênh đầu tư chứng khoán, TS Alan Phan nhận định, trong 6 -7 tháng nữa thị trường sẽ có sự tăng trưởng do sự can thiệp của Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài thì sự tăng trưởng này phụ thuộc vào thông tin hỗ trợ. Nếu hỗ trợ tốt, thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tăng trưởng tốt, ngược lại thị trường sẽ tiếp tục rơi vào ảm đạm.

Ông Hồ Công Hưởng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCK Hoàn Gia cho rằng: Nguyên nhân là do TTCK Việt Nam vẫn chưa đi vào ổn định. Quy mô thị trường chứng khoán nhỏ; số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường ít (hiện có khoảng hơn 1.000 tài khoản); thanh khoản kém… Ngoài ra, tình trạng đầu cơ, làm giá, thông tin thiếu minh bạch vẫn còn. Bên cạnh đó, TTCK bị ảnh hưởng của các chính sách tài khóa, tiền tệ, khung pháp lý quản lý. Theo đó, thị trường biến động khó dự đoán.

Với kênh ngoại hối, các chuyên gia nhận định là kênh có cơ hội thu lợi dù có phức tạp. Với kênh gửi tiết kiệm VND, nếu dựa vào kịch bản của Chính phủ đưa ra lạm phát dưới 10%, thì lãi suất 14%/năm có thể đem lại cơ hội lợi nhuận khoảng 3%. Nhưng ngược lại, kênh đầu tư này không hiệu quả và dễ bị lỗ.

Có lẽ, ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin (IT) được xem là triển vọng nhất trong năm 2012. Theo TS Alan Phan, doanh nghiệp Việt Nam luôn có nhiều cơ hội đột phá và có lợi thế cạnh tranh ở hai ngành này. Đây là hai ngành Việt Nam có nhiều triển vọng nhất, sẽ có sức hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thực tiễn cho thấy, trong một nền kinh tế mà hệ thống vận hành còn nhiều trì trệ thì IT là ngành dễ có cơ hội đột phá vì nó không phụ thuộc nhiều vào bộ máy, nó vốn dành cho người trẻ và các doanh nghiệp nhỏ. Khi ít phụ thuộc thì cơ hội phát triển dễ hơn, ngược lại những hệ thống hạ tầng quy mô càng lớn thì càng khó có sự chuyển đổi nhanh. Với nông nghiệp, trong những năm tới sẽ là một trong những ngành điểm sáng của kinh tế thế giới, dân số toàn cầu tăng lên bảo đảm một thị trường có nhu cầu rất tốt. Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội trong lĩnh vực này dễ tiến xa.

Tái cấu trúc toàn diện

Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, mặc dù các kênh đầu tư trên hấp dẫn, nhưng với dự báo môi trường kinh doanh năm 2012 cho thấy, nền kinh tế thế giới vẫn đang biến động mạnh, lạm phát phức tạp vẫn có thể tiếp tục diễn ra, điều này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Cụ thể, tháng 1/2012, sản xuất công nghiệp giảm 12,9% so với tháng cuối năm 2011. Tương tự, xuất khẩu giảm 28,5%, nhập khẩu giảm 29,5%. Ngay cả đầu tư nước ngoài dù đạt 37,3 triệu USD, nhưng cũng chỉ bằng 2,5% cùng kỳ năm trước, trong đó cấp phép mới đạt 29,5 triệu USD, chỉ bằng 2,4% so với cùng kỳ 2011… Như vậy, nếu dự báo trên đúng thì tái cấu trúc doanh nghiệp là cần thiết, cụ thể là tái cơ cấu ngân hàng.

TS Lê Đăng Doanh cho hay, hiện tình hình ngân hàng đáng lo ngại: Nợ xấu tăng, thanh khoản kém, quản trị rủi ro kém, số liệu thống kê kém tin cậy. Trong khi đó, chi phí xử lý nợ xấu hiện đang là ẩn số. Vì thế, việc tái cơ cấu ngân hàng sẽ giúp xử lý nợ xấu, ổn định thanh khoản, minh bạch báo cáo tài chính, tăng cường giám sát rủi ro; đồng thời, đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ lợi ích người gửi tiền, khuyến khích sáp nhập, mua lại.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn. Hiện các doanh nghiệp đã bị suy yếu nhiều, vẫn phải thích nghi với lãi suất, lạm phát để tồn tại và phát triển. Theo đó, đây là cơ hội để làm sống động thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua mua, bán cổ phần, doanh nghiệp, tạo cú hích cho thị trường tài chính. Dự kiến, các tập đoàn nhà nước sẽ phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành khoảng 20.000 tỷ đồng trước năm 2015. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các tập đoàn, ngân hàng thương mại được đẩy mạnh.

Sôi động M&A

Nếu đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện, ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện Aureos Capital Việt Nam cho rằng, đây sẽ là cơ hội cho những giao dịch M&A (mua bán và sáp nhập doanh nghiệp). Đây là chiến thuật tiết kiệm thời gian để đầu tư và xây dựng thương hiệu và tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, phải có đòn bẩy tối đa mới có thể tăng lợi thế cạnh tranh.

Theo dự đoán của ông Alan Phan, trong năm 2012 sẽ có nhiều biến động trong giao dịch M&A, và M&A sẽ diễn ra trong nhiều lĩnh vực hơn. Nhất là khi kinh tế càng biến động, lộ rõ khoảng cách giữa doanh nghiệp yếu và mạnh, làm cho M&A gia tăng. Dù vậy, để có một thị trường M&A mạnh thì phải có những công ty có vốn lớn, thị trường có được nguồn thông tin đầy đủ, có nhiều nhà đầu tư quan tâm... Trong đó, M&A ngành ngân hàng Việt Nam đang được quan tâm nhất. Có thể thấy, có nhiều ngân hàng khó khăn về thanh khoản, đến nay chưa thể rõ sự “sắp xếp” hay “giải cứu” theo xu hướng nào. Nhưng với các thông tin chính thức, Nhà nước sẽ không để cho bất cứ ngân hàng nào phá sản. Nếu vậy, giải pháp sẽ phải bơm tiền, hoặc áp dụng cách buộc các ngân hàng nhỏ, yếu kém phải M&A. Tuy nhiên, việc M&A ngân hàng không thể theo cách đưa các ngân hàng yếu vào cùng chỗ, ngân hàng nhỏ hay lớn mà quan trọng là, lượng tiền dự trữ có tốt, kinh doanh có hiệu quả, nợ xấu thấp hay cao...

Ngoài ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản là hai ngành M&A được các nhà đầu tư quan tâm tiếp theo. Nhưng ngành M&A sôi động nhất vẫn là ngành hàng tiêu dùng. Đây là ngành có tỷ trọng lớn trong xã hội ở bất cứ thị trường nào, lớn nhất theo nhu cầu chứ không phải thích mua hay không. Và đặc biệt ngành này lại ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, ông Đặng Doãn Kiên lo ngại, về ngắn hạn thì M&A mang lại giá trị kinh tế và thương hiệu của doanh nghiệp. Nhưng xét về dài hạn, các doanh nghiệp sau khi M&A thường thua thiệt hơn các doanh nghiệp không có M&A. Vì thế, giá trị lợi ích M&A thường mang lại hiệu quả với các quỹ đầu tư hơn. Trên thế giới hiện nay, hơn 90% M&A là các thương vụ của quỹ đầu tư. Riêng tại Việt Nam, các quỹ đầu tư hiện đang gặp nhiều thách thức do vướng các rào cản của chính sách Việt Nam như: Khung pháp lý, thẩm định, định giá, hồ sơ pháp lý giao dịch, văn hóa doanh nghiệp, cam kết về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN