Tiềm năng tiết kiệm điện còn rất lớn

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010, tăng trưởng tiêu thụ điện ở Việt Nam gấp 2 lần tăng trưởng GDP, trong khi ở các nước chỉ gấp khoảng 1 lần. Con số này cho thấy, việc sử dụng điện ở nước ta còn nhiều lãng phí. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết chương trình Tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 do Bộ Công Thương tổ chức vào hôm qua (15/12), tại Hà Nội.

Lãng phí trong sử dụng điện

Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An, ngành điện mỗi năm phải tăng trưởng đến 14 - 15% mới đáp ứng được yêu cầu GDP tăng 6 - 8%. Điều này cho thấy rõ, việc sử dụng điện của nền kinh tế hiện đang có sự lãng phí.

Ông An cũng lấy thêm dẫn chứng từ kết quả khảo sát tại 347 doanh nghiệp Việt Nam quý II và quý III năm 2010 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Cạnh tranh châu Á thực hiện để minh chứng cho việc doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa quan tâm nhiều tới việc tiết kiệm điện. Theo kết quả cuộc khảo sát này, 25% DN được hỏi thừa nhận không thể tiết kiệm điện được. Số DN tiết kiệm điện được từ 20% trở lên rất thấp. Có duy nhất một DN cho biết sẽ quyết liệt đầu tư để thực hiện tiết kiệm điện với tỉ lệ giảm một nửa trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) trong các năm 2006 - 2010, sản lượng điện tiết kiệm của các tỉnh, thành phố như trên đã bằng khoảng 1,4% tổng lượng điện thương phẩm, tập trung vào lĩnh vực cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt - dịch vụ. Riêng năm 2010, cả nước tiết kiệm được trên 1,1 triệu kWh, tăng 42% so với kế hoạch.

Việc sử dụng điện phục vụ quảng cáo vẫn còn lãng phí. Ảnh: Thanh Phàn - TTXVN


Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu đã chỉ rõ rằng, công nghiệp và xây dựng hiện là lĩnh vực có tiềm năng tiết kiệm điện lớn nhưng chưa thực hiện hiệu quả, nhất là các DN vừa và nhỏ. Nguyên do là phần lớn các DN đang sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, nhận thức của chủ DN còn hạn chế; kinh phí và vốn đầu tư để thay thế, cải tiến về công nghệ là vấn đề khó khăn và cần có thời gian.


Trong khi đó, tiết kiệm điện trong khối văn phòng, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thụ hưởng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách chưa thực sự có chuyển biến, nặng về hình thức và không được kiểm tra giám sát thường xuyên, thiếu chế tài gắn với trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị. Việc thực hiện tiết kiệm điện trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng cũng còn gặp nhiều khó khăn do yêu cầu về an ninh trật tự xã hội, giao thông đô thị và du lịch. Tuy vận động quảng bá cho các loại sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao nhưng trong thực tế lại chưa có biện pháp hiệu quả hạn chế một số DN tiếp tục sản xuất, tiêu thụ ở trong nước với số lượng lớn các loại đèn tròn sợi đốt, đèn huỳnh quang T10 vốn tiêu tốn điện năng.

Tiết kiệm điện để giảm thiếu điện

Theo tính toán của EVN, chi phí bỏ ra để tiết kiệm 1 kWh điện ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh điện. Hơn nữa, không dễ để tăng cung nguồn điện khi mà nguồn tài nguyên khí để sản xuất điện không dồi dào. Nguồn thủy điện thì bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết. Hơn nữa, khả năng tăng cung từ nguồn thủy điện cũng không còn nhiều, Nhà máy thủy điện Lai Châu dự kiến xây dựng trong thời gian tới đây sẽ là nhà máy thủy điện công suất lớn cuối cùng được xây dựng. Nguồn nhiệt điện cũng sẽ khó khăn hơn vì theo dự kiến, năm 2015 nước ta bắt đầu phải nhập khẩu than để sản xuất điện.


Năm 2020 theo dự kiến sẽ phải nhập khoảng 30 triệu tấn than. Năm 2030 sẽ phải nhập khoảng 130 triệu tấn than (chiếm hơn 1/2 sản lượng than XK của Ôxtrâylia, hoặc Inđônêxia, 2 nước xuất khẩu than nhiều nhất thế giới, mỗi nước cũng chỉ xuất khẩu khoảng trên 200 triệu tấn than/năm). Như vậy, việc có đủ than cho sản xuất điện cũng không hề dễ dàng. Chính vì vậy, ông Đặng Hoàng An đề nghị, việc lập quy hoạch phát triển điện không thể mang tính chất một chiều, tức là chỉ quan tâm đến việc tăng cung mà còn thiếu quan tâm đến việc giảm cầu, có như vậy mới giảm được nguy cơ thiếu điện.

Cũng theo ông Đặng Hoàng An, việc sử dụng điện lãng phí như trên một phần do chính sách giá để kiểm soát việc tiết kiệm điện chưa hợp lý. Thậm chí, dư luận vẫn còn chưa đồng tình với việc sử dụng điện càng nhiều thì giá điện càng cao. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiết kiệm điện được ban hành thời gian qua vẫn mang tính khuyến khích, khuyến nghị thực hiện nhưng lại thiếu chế tài ràng buộc chặt chẽ cũng như các biện pháp xử lý vi phạm.

Để đảm bảo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác đối với từng đối tượng sử dụng điện, theo Bộ Công Thương, trước năm 2011 cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của địa phương, coi tiết kiệm năng lượng là trách nhiệm và nghĩa vụ, gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tập đoàn kinh tế cũng cần chủ động, tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm điện nhằm giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm, đặc biệt chú trọng đối với một số lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, khai thác khoáng sản, đóng tàu, hóa chất... Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; triển khai tiếp các chương trình quảng bá sử dụng đèn compact, giàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các sản phẩm được dán nhãn năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Cung ứng điện trong 10 năm tới vẫn còn căng thẳng. Như vậy, ngoài giải pháp đầu tư vào nguồn điện, lưới điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, tăng giá điện… thì giải pháp tiết kiệm điện là hữu hiệu nhất để có thể giảm nguy cơ thiếu điện.

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN