Thương hiệu nổi tiếng là đích nhắm của hàng giả

Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2010, các cơ quan chức năng đã xử lý 12.507 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng và số vụ vi phạm này vẫn tiếp diễn dày đặc trong 2 tháng đầu năm 2011. Như vậy, bình quân mỗi ngày có tới khoảng 35 vụ hàng giả, hàng nhái... bị phát hiện và xử lý. Tất nhiên, những vụ vi phạm nhưng được phát hiện vẫn còn là ẩn số.

Con số trên nếu đọc qua, chỉ đơn giản là số học. Nhưng đằng sau những con số đó, lại là cả ngàn câu chuyện bi hài của các doanh nghiệp (DN) bị cạnh tranh không lành mạnh, làm giả, làm nhái hàng. Theo một cán bộ quản lý của Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), thực tế nhiều năm qua cho thấy, càng những thương hiệu lớn, sản phẩm uy tín, được nhiều người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng và tin dùng lại càng bị làm nhái, làm giả. “Điều này khiến cho không ít DN bỏ cả tiền tỷ để làm thương hiệu, đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng bỗng chốc bị thiệt hại không tính nổi, ảnh hưởng cả về uy tín, doanh số bán hàng, đến cả thời gian và công sức để làm sáng tỏ vụ việc, lấy lại hình ảnh vốn có của mình!”, vị cán bộ trên cho biết.

Trường hợp xảy ra gần đây của Tập đoàn Tân Hiệp Phát là một ví dụ điển hình. Doanh nghiệp này vốn rất dày công trong việc xây dựng thương hiệu và nổi tiếng với các sản phẩm Trà xanh Không độ, Trà Thảo mộc DrThanh... Đặc biệt, sản phẩm Trà xanh Không độ do được chiết xuất từ lá trà xanh tươi, được đầu tư sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản kết hợp cùng công nghệ chiết nóng ưu việt từ châu Âu nên đã trửo thành một sản phẩm không chỉ giữ nguyên tinh chất trà xanh mà còn kháng khuẩn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vị ngon mát lạ, có lợi cho sức khỏe...

Theo quy định pháp luật hiện hành, hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái gây sự nhầm lẫn của người tiêu dùng đối với sản phẩm đang được bảo hộ có thể được coi là hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (Điều 320, Luật Thương mại), hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 39, Luật Cạnh tranh và Điều 130 Luật SHTT), hành vi vi phạm quyền được bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp (Điều 126, 129 và 213, Luật SHTT). Tùy mức độ vi phạm có nghiêm trọng có thể được coi là vi phạm Luật Hình sự.

Do đó, sản phẩm này rất được ưa chuộng trên thị trường. Nhưng cũng chính bởi sự nổi tiếng của Trà xanh Không độ nên đã có không ít vụ việc cạnh tranh không lành mạnh đối với sản phẩm này. Mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện lượng lớn sản phẩm mang nhãn hiệu Trà xanh Không độ C (làm giả Trà xanh Không độ của Tân Hiệp Phát) của DN tư nhân sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm Q - AN (số 19 Trương Tấn Minh, TX Cao Lãnh). Quan sát chai Trà xanh không độ C cho thấy, trên vỏ chai màu sắc và hình ảnh giống nhãn hàng Trà xanh không độ (thật), rất dễ gây nhầm lẫn cho NTD nếu không xem xét kỹ, dẫn đến mua nhầm sản phẩm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Trước vụ việc trên, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát bức xúc cho biết, tình trạng làm hàng giả hàng nhái trên thị trường đã gây không ít khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh của DN này. "Là một DN kinh doanh chân chính và cạnh tranh lành mạnh, sản phẩm của THP đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và giải thưởng thương hiệu quốc gia.
 
THP cam kết sản xuất sản phẩm có lợi cho sức khoẻ và đủ tiêu chuẩn chất lựơng để tiếp thị với người tiêu dùng. Nhưng sự xuất hiện của hàng giả đã dẫn đến một số hiểu nhầm lệch lạc về hiện trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty chúng tôi. Điều lo ngại là các sản phẩm làm giả thường rơi vào trường hợp giả bao bì, sở hữu trí tuệ và nhái chất lượng, uy tín của THP", đại diện DN này nói.

Thực tế cho thấy, thường những thực phẩm là hàng giả, hàng nhái đồ ăn, thức uống rất có hại cho sức khỏe, có thể gây ngộ độc hoặc tiềm ẩn chất gây ung thư vì các sản phẩm này chế biến ở những nơi mất vệ sinh và chất sử dụng không rõ nguồn gốc... Trong khi đó, tiêu thụ trên thị trường lại bị hiểu nhầm là sản phẩm uy tín của DN, nên tác hại đối với DN là không thể định lượng hết được.
 
Bởi vậy, để chống lại việc cạnh tranh không lành mạnh, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ngoài nỗ lực của DN, rất cần sự vào cuộc của các ngành liên quan và thậm chí là toàn xã hội. Tân Hiệp Phát cũng như nhiều DN đang bị làm nhái sản phẩm rất mong muốn các cơ quan quản lý sẽ phối hợp với DN nhằm thông tin đến người tiêu dùng về sự tồn tại của những cơ sở làm hàng giả để giúp họ có thể lựa chọn đúng hàng hoá đảm bảo chất lượng và bảo vệ sức khoẻ.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, nâng cao kỹ thuật làm tem chống hàng nhái, hàng giả, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ lập các điểm tư vấn, giám định, hỗ trợ phân biệt hàng giả để góp phần làm trong lành môi trường cạnh tranh và bảo vệ uy tín DN. Quan trọng nữa là phải xử phạt thật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm thương mại như trên.

Tuệ Trân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN