Thu hút đầu tư cho nông nghiệp - cần những chính sách đột phá

Cùng với nhiệm vụ chung của cả nước là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 là từng bước tái cơ cấu ngành để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, để thực hiện chủ trương tái cơ cấu, trước hết phải đẩy mạnh thu hút đầu tư để có được các nguồn lực đa dạng đầu tư vào nông nghiệp, từ đó tạo nền tảng tái cơ cấu sản xuất.

Thu hoạch lúa đông xuân 2011 tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Nói về những thành quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong những năm gần đây, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, cho rằng đầu tư vào nông nghiệp có hiệu ứng lan tỏa tốt, chỉ số ICOR thấp so với ngành khác và thực sự là ngành mang lại giá trị gia tăng cao, xuất khẩu tốt. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đầu tư vào nông nghiệp vẫn luôn ở mức thấp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn vốn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn Chính phủ thì cần sử dụng vốn hiệu quả, sử dụng vào chỗ nào lợi ích rõ rệt nhất, đem lại giá trị gia tăng cao để có hiệu ứng lan tỏa lớn, từ đó thu hút thêm các nguồn lực còn nằm ở trong dân, thị trường. Quan trọng trong cơ cấu đầu tư là khuyến khích tư nhân và các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư của ngành. Theo đó, vốn nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chiến lược của ngành và các dự án không có khả năng thu hồi vốn; đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dành nguồn ngân sách thỏa đáng để thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Nếu chỉ sử dụng trái phiếu Chính phủ để làm các công trình, dự án Bộ đã khởi công thì cần tới 57.000 tỷ đồng, trong khi đến nay mới phân bổ và giải ngân được 17.000 tỷ đồng, như vậy cần 40.000 tỷ đồng nữa. Nếu mỗi năm Chính phủ cấp 4.000 tỷ đồng thì phải mất 10 năm sau chúng ta mới hoàn thành các công trình, dự án hiện đang làm. Như vậy, cần điều chỉnh như thế nào hay cứ tiếp tục theo con đường chúng ta đang làm và sau 5 năm nền nông nghiệp nước ta vẫn không có gì chuyển biến. Do đó, ngành sẽ thực hiện rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh nguồn vốn và hình thức đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho nông nghiệp, nông thôn: Lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn để xã hội hóa nguồn vốn đầu tư; tăng tỷ trọng đầu tư tín dụng, vốn của các cá nhân, tập thể; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kể cả hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ bỏ tiền vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mà có rất nhiều việc có thể hợp tác công tư như xây dựng cánh đầu mẫu lớn, phát triển rừng phòng hộ... Hiện nay, Bộ đang liên kết với 15 tập đoàn đa quốc gia để xây dựng các mô hình về hợp tác công tư và các địa phương đã bắt đầu thấy có tác dụng như các dự án trồng chè, trồng cà phê, nuôi cá có xác nhận”.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp và nông dân là một trục, khi đó để phát triển chính doanh nghiệp phải tập hợp nông dân lại, nông dân góp vốn vào thông qua quyền sử dụng đất để trở thành cổ đông của doanh nghiệp, chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp. Khi đó nền nông nghiệp nước ta mới có được sản phẩm ổn định, thị trường ổn định.

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, ông Nguyễn Văn Bộ cho rằng, chính sách về đất đai, chính sách hỗ trợ đầu tư của doanh nghiệp cần đi trước một bước thì khoa học công nghệ mới vào được.
Theo ông Đặng Kim Sơn, khó khăn không dễ vượt qua là sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sự thiếu những lao động có tay nghề cao, quản lý tốt của lĩnh vực nông nghiệp so với các lĩnh vực khác. Cho nên nếu chỉ áp dụng biện pháp khuyến khích giống như khuyến khích các doanh nghiệp đang làm ở các đô thị, thì khó có thể thu hút doanh nghiệp về một nơi khó khăn hơn, rủi ro hơn để đầu tư. “Nếu chúng ta thực sự muốn thu hút đầu tư, tạo môi trường lớn để đầu tư thì chúng ta cần phải có chính sách đột phá hơn nữa” - ông Sơn nhấn mạnh.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, ngành nông nghiệp sẽ lựa chọn các dự án lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chí cơ bản; bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và không đồng bộ; tập trung vốn đầu tư cho các chương trình, dự án có khả năng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cụ thể, ngành sẽ điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực: Ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống, cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất; phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm; nghiên cứu và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và lao động nông thôn xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, bao gồm cả thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Bích Hồng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN