Thiếu vốn cho tuyến đường sắt Xingapo-Côn Minh

Các nước Đông Nam Á đang trông chờ Trung Quốc hỗ trợ kinh phí cho tuyến đường sắt dài hơn 5.000 km, nối Xingapo tới Côn Minh.

Các quan chức thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có kế hoạch tổ chức một cuộc họp đặc biệt với Trung Quốc vào cuối năm nay để tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật của nước này.

Ảnh:Internet


Tình trạng thiếu vốn khiến dự án trên - do Hiệp hội các nước Đông Nam Á đề xuất năm 1995 - khó có thể đạt được mục tiêu hoàn tất vào năm 2015.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo News, một quan chức ASEAN nhận định phải sau năm 2015, có thể là năm 2020 dự án mới hoàn thành. Hiện Việt Nam hy vọng sẽ hoàn tất phần đường của mình vào năm 2018, trong khi Mianma mới đang khởi động tìm kiếm nguồn tài trợ và đoạn đường sắt qua nước này khó hoàn thành trước năm 2030.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính châu Á sẽ cần 750 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020 để phát triển cơ sở hạ tầng chung, trong khi ADB chỉ cho vay khoảng 15-17 tỷ USD/năm. Ashok Sharma, một quan chức của ADB nhận định: Ở giai đoạn này, việc tài trợ trong dài hạn ở châu Á rất khó khăn vì cả nguồn vốn lẫn các công cụ đều rất hạn chế.

Tuy nhiên, ADB vẫn nỗ lực giúp xây dựng mạng lưới đường sắt trong khu vực và có kế hoạch tổ chức một diễn đàn cơ sở hạ tầng liên châu Á vào cuối năm nay để "mai mối" các nhà thầu với nhà đầu tư tiềm năng. Hiện tại nhiều quốc gia ASEAN, ngành đường sắt vẫn thuộc độc quyền nhà nước và khó có thể thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Trong khuôn khổ của một dự án chung được công bố hồi tháng 10/2010 nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa các nước ASEAN, hiệp hội này xác định một trong những ưu tiên là hoàn tất tuyến đường sắt Xingapo-Côn Minh.

 Tuyến đường này tập trung vào khu vực tiểu vùng sông Mê Công, chạy qua Việt Nam, Campuchia, Lào và Mianma. Khi hoàn thành, đây sẽ là còn đường huyết mạch nối ASEAN với Trung Quốc. Nhưng hiện vẫn còn khoảng 4.000 km đường cần được nâng cấp, chủ yếu là tại Campuchia, Lào, Malaixia, Mianma, Thái Lan và Việt Nam.

Một phần kinh phí cho dự án sẽ được lấy từ Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN - được thành lập với mục tiêu thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa các nước ASEAN. Ngoài vấn đề vốn, các nước trong khu vực cần nâng cao khả năng hợp tác trên các khía cạnh khác như các quy định và thủ tục hải quan, để đảm bảo "một con đường thông suốt" qua các khu vực biên giới của nhau.

 Trong bối cảnh hầu hết hoạt động thương mại trong khu vực được thực hiện qua đường biển, cần phải thuyết phục các doanh nghiệp về lợi ích kinh tế của việc tăng cường vận tải bằng đường bộ.

TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN