Tháng 5, giá một số mặt hàng sẽ ổn định hơn

Trong tháng 4, giá một số mặt hàng đã tăng khá mạnh, nhất là nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hiệp hội ngành hàng, giá một số mặt hàng sẽ ổn định hơn trong tháng 5 này.

Người tiêu dùng mua sản phẩm bình ổn giá tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu - TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Giá lương thực hạ nhiệt do nguồn cung gạo dồi dào

Giá gạo trên thị trường nội địa trong tháng 4 tiếp tục tăng. Ở miền Bắc, giá lúa tẻ thường từ 6.700 – 7.200 đồng/kg, tăng 200 – 500 đồng/kg; gạo tẻ thường từ 10.500 – 12.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg. Ở miền Nam giá lúa tẻ thường từ 6.000 – 6.200 đồng/kg, tăng 750 – 800 đồng/kg; gạo tẻ thường từ 10.500 – 12.000 đồng/kg, tăng 500 – 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá lúa gạo trên thị trường nội địa tăng là do cầu thu mua gạo cho xuất khẩu tăng. Các tỉnh phía Bắc bắt đầu vào giai đoạn chăm sóc lúa đông xuân và các tỉnh phía Nam đang vào cuối vụ thu hoạch. Chi phí đầu vào tăng (do cước vận chuyển tăng, giá phân bón tăng).

Bộ Công Thương dự báo, giá gạo trong nước tháng tới sẽ ổn định do lượng gạo thu hoạch tại các tỉnh phía Nam khá dồi dào và kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã kết thúc trong tháng 4.

Bình ổn thị trường với mặt hàng thực phẩm

Trong tháng 4, giá thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn đồng loạt tăng trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam. Hiện giá lợn hơi đứng ở mức cao nhất từ trước tới nay. Giá lợn mông sấn ở miền Bắc phổ biến ở mức 80.000 – 85.000 đồng/kg, ở miền Nam phổ biến ở mức 75.000 – 80.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã phần nào được khống chế nhưng mức độ lây lan vẫn còn trên diện rộng và ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa trên thị trường. Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao và tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngày 20/4/2011, Bộ Công Thương đã có Công văn số 3546/BCT - TTTN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phối hợp rà soát cân đối cung cầu và bình ổn thị trường đối với mặt hàng thực phẩm.

Hệ thống các siêu thị góp phần tích cực trong bình ổn giá. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Theo các chuyên gia thị trường, dịch bệnh vẫn còn trên diện rộng là nguyên nhân chính làm cho các chủ trại chăn nuôi chưa dám đầu tư tái đàn mạnh, gây tâm lý lo ngại về nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn. Tuy nhiên, mức giá cao như hiện nay sẽ khuyến khích người chăn nuôi tái đàn và giúp làm tăng nguồn cung cho thị trường trong vài tháng tới.

Giá phân bón sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ

Tháng 4, nhu cầu phân bón giảm ở các tỉnh phía Bắc nhưng tăng ở phía Nam do các tỉnh ở khu vực này chuẩn bị vào vụ hè thu. Giá phân bón hiện phổ biến ở mức: urê từ 9.000 – 10.000 đồng/kg; DAP từ 14.000 – 15.500 đồng/kg, kali từ 10.200 – 12.000 đồng/kg. Giá phân bón trong nước chịu tác động của các yếu tố: Phân bón thế giới tiếp tục vững giá ở mức cao, mặc dù nhu cầu thấp nhưng do các chi phí nguyên liệu cao và nguồn cung hạn chế đã giữ cho giá phân bón tháng 4 vững giá. Nguồn cung trong nước cũng không cao do nhập khẩu tiểu ngạch giảm, nhập khẩu chính ngạch chịu tác động của chi phí vận tải tăng.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ 15/5 Nhà máy đạm Phú Mỹ dự kiến nghỉ bảo dưỡng khoảng 30 ngày sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, giá phân bón thế giới đang có xu hướng tăng, Trung Quốc tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến chi phí vận tải... các yếu tố trên sẽ tác động làm tăng giá phân bón trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, do giá phân bón đã ở mức cao, nhu cầu phân bón trong nước cũng không đột biến nên giá phân bón sẽ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với tháng trước.

Giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng nhẹ

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, giá thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm tháng 4/2011 tăng 2% so với tháng 3/2011. Hiện giá thức ăn hỗn hợp cho lợn là 9.390 - 10.800 đồng/kg, thức ăn cho gà từ 10.000 - 11.000 đồng/kg. Giá bán lẻ thức ăn chăn nuôi tại một số địa phương tăng từ 280 -1.200 đồng/kg.

Nguyên nhân giá thức ăn chăn nuôi tăng là do giá nguyên liệu tăng, chi phí đầu vào như giá điện, giá xăng, cước vận chuyển tăng. Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 5 vẫn có xu hướng tăng nhẹ do giá nguyên liệu tăng.

T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN