Tạo liên kết chuỗi trong chăn nuôi

Chăn nuôi đã giúp người dân các xã ngoại thành Hà Nội tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, người dân vẫn đối mặt với những khó khăn như thị trường tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh.


Bấp bênh khâu tiêu thụ


Gia đình anh Phùng Viết Thắng (thôn Đông Phượng, xã Cẩm Lĩnh, Ba Vì) có đàn gà giống khoảng 700 con chuẩn bị cho xuất chuồng. “Lứa này nuôi bắt đầu có lãi do nhu cầu về gà tăng vào dịp cuối năm. Gia đình tôi nuôi 2 đàn gà giống/tháng. Sắp tới, gia đình nuôi thêm lứa gà thịt cho dịp Tết. Bên cạnh đó, chúng tôi nuôi đàn lợn hơn chục con để bổ trợ cho nhau khi dịch bệnh, mất giá”, anh Thắng chia sẻ.

 

 

 

Anh Phùng Viết Thắng chăm sóc đàn gà, lợn.


Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, anh Thắng mỗi năm chỉ nuôi 2 - 3 đàn gà thịt, mỗi đàn gà khoảng 1.000 con. Tổng chi phí cả vốn, giống, thức ăn khoảng 60 triệu đồng, nếu không bị dịch bệnh, thị trường ổn định thì sau 4 - 5 tháng nuôi, khi xuất bán lãi sẽ khoảng 20 triệu đồng. “Chăn nuôi với thời gian như vậy coi như lấy công làm lãi. Từ đầu năm 2014, nuôi gà mới có lãi, chứ năm 2012 - 2013, giá hạ do gà Trung Quốc tràn vào, lại thêm dịch bệnh khiến nhiều hộ lỗ nặng. Để có lãi, các hộ nuôi gà nơi đây tối thiểu cũng phải nuôi từ 500 con trở lên. Có như vậy mới bảo đảm quy mô đầu tư về chuồng trại, thức ăn, dịch vụ chăm sóc thú y”, anh Thắng cho biết thêm.


“Người chăn nuôi theo quy mô lớn như chúng tôi sợ nhất là thị trường tiêu thụ không ổn định. Người dân chưa nghe đến kế hoạch về xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mà phụ thuộc theo đơn đặt hàng của thương lái. Nông dân chỉ biết sản xuất theo kinh nghiệm và nhiều khi là phong trào”. Anh Phùng Viết Thắng

Cẩm Lĩnh là xã phát triển mạnh về chăn nuôi gà với 50% số hộ nuôi. “Việc hình thành những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn ở Cẩm Lĩnh là yêu cầu tất yếu theo quy luật sản xuất thị trường và cũng là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Mỗi năm, nông dân xã Cẩm Lĩnh xuất ra thị trường khoảng 650.000 con gà thịt và hàng vạn con gà giống”, ông Trần Đình Thành, Hội Nông dân xã Cẩm Lĩnh cho biết.


“Vấn đề chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ, toàn bộ số gà chúng tôi nuôi đều do thương lái bao tiêu, gần như không có sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước cũng như chính quyền địa phương”, chị Phùng Thị Luyến, một chủ trang trại gà thôn Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh bày tỏ lo lắng.


Chị Phùng Thị Xuyến là thương lái gà trong gần 20 năm qua, công việc là thu gom gà cho một vài đầu mối quen tại quận Nam Từ Liêm và tỉnh Bắc Ninh. “Sau đó các đầu mối này tiếp tục phân phối tiếp vào nội thành Hà Nội, qua các chợ truyền thống, nhà hàng. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi cung cấp khoảng 5 tạ gà. Các đầu mối cũng yêu cầu gà sống (gà lông) để dễ phân biệt với gà Trung Quốc. Do đó, chúng tôi chỉ là trung gian thu gom tại xã và chuyển đến các đầu mối vùng ven đô và từ đó tiếp tục vào nội thành”, chị Phùng Thị Xuyến chia sẻ.


Chuỗi liên kết còn yếu


Để cung cấp nguồn thực phẩm ổn định cho thị trường Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2011 - 2015, theo đó hình thành 4 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm (Ứng Hòa, Thạch Thất, Thanh Oai, Sơn Tây); 6 vùng chăn nuôi gà (Ba Vì, Chương Mỹ, Sơn Tây, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn)... Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 400.000 tấn/năm, đáp ứng 60% nhu cầu người dân thành phố.


Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế tại một số địa bàn cho thấy, Hà Nội mới tập trung vào khâu sản xuất, trong khi khâu tiêu thụ chưa được quan tâm. Đơn cử như tại xã Cẩm Lĩnh, người dân phát triển chăn nuôi tự phát từ con giống, không theo quy hoạch, nuôi tự phát trong khu dân cư, nên giá cá bấp bênh. Phần tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. “Dù gần thị trường Hà Nội nhưng khâu tiêu thụ tại các siêu thị lớn gần như bỏ trống”, ông Đỗ Mạnh Hùng, Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược nông nghiệp cho biết.


Theo Sở NNPTNT Hà Nội, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm Hà Nội còn yếu và chủ yếu là người dân tự lo. Hà Nội có hơn 1.000 chợ, 417 siêu thị, cửa hàng và gần 4.200 cơ sở như nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể có nhập, kinh doanh sản phẩm động vật. Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy, ý thức kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y của người kinh doanh, buôn bán rất thấp, thậm chí một số vì lợi ích trước mắt đã sử dụng sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề này do công tác quản lý, tuyên truyền về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) của Ban quản lý các chợ, chính quyền còn chưa nghiêm.

 

Bên cạnh đó, kiểm tra tại một số cơ sở nhà hàng tại Hà Nội cũng đã phát hiện một số cơ sở sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguy cơ mất ATTP. “Trong quá trình kiểm tra, có đến 60% trường hợp kinh doanh sản phẩm, gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Trong 60% trường hợp trên có khoảng 30% sản phẩm gia súc, gia cầm được giết mổ tại các điểm, hộ giết mổ thủ công tại các tỉnh lân cận vận chuyển về Hà Nội, số còn lại giết mổ tại các huyện ngoại thành Hà Nội”, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết.


Để hạn chế những bất cập trên, một trong những giải pháp mà Sở NNPTNT Hà Nội đưa ra là xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để giảm khâu trung gian, bảo đảm ATTP... Chương trình này đã hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ trứng gà Tiên Viên (Chương Mỹ) gồm 12 hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn và 90 cửa hàng tiêu thụ; chuỗi tiêu thụ thịt lợn của trang trại Bảo Châu (Sóc Sơn).


Hiện Sở tiếp tục triển khai chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gồm gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu; vịt Đại Xuyên, gà Mía Sơn Tây; thịt bò Hà Nội. “Kế hoạch như vậy, nhưng tại các xã phát triển nông nghiệp Hà Nội, vai trò của chính quyền địa phương, doanh nghiệp còn thiếu. Người dân và thương lái vẫn tự kết nối theo kiểu làm ăn nhỏ lẻ, truyền thống trước đây. Rất cần các doanh nghiệp uy tín đứng ra bao tiêu và chịu trách nhiệm để nông dân yên tâm sản xuất”, ông Đỗ Mạnh Hùng kiến nghị.

 

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT):

Khâu kiểm soát phải được chú trọng

Chăn nuôi quy mô nhỏ trong các hộ dân vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Để có lãi, các hộ liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại như tại xã Cẩm Lĩnh. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi từng vùng phải dựa trên nguồn giống địa phương. Như vùng Ba Vì có giống gà mía thì cần được quy hoạch và bảo đảm nguồn giống tốt. Hình thành chuỗi liên kết là điều tất yếu để bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, nên cần có quy hoạch trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm tiêu thụ tại thị trường cần được chú trọng, bởi thực tế người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm gà đồi Ba Vì và sản phẩm gà nơi khác. Chính vì không phân biệt gà chất lượng cao với gà thường, nên chưa tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm làm sẵn.

 

Ông Đào Thế Anh, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn:

Lò mổ quá to không cần thiết

Vấn đề an toàn thực phẩm Hà Nội vẫn còn bỏ ngỏ. Hà Nội quy hoạch một số lò mổ quá hiện đại, quá to so với quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến bất cập là các lò mổ hoạt động không hết công suất; trong khi người dân vẫn vận chuyển gà sống đi tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng. Nếu vận chuyển gà sống, lợn về đến gần địa điểm tiêu thụ mới làm thịt, sẽ rất khó kiểm soát được vệ sinh môi trường, ATTP. Về nguyên tắc, lò mổ phải xây dựng gần nơi sản xuất và vận chuyển sản phẩm theo mô hình bảo quản lạnh. Muốn vậy, cần có doanh nghiệp phân phối uy tín, kết hợp với khâu giám sát, bảo đảm chất lượng sản phẩm để hình thành chuỗi liên kết bền vững. Để làm được điều này, cần có sự nghiêm minh trong xử lý vi phạm.

 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội:

Cần có sàn giao dịch nông sản, chăn nuôi

Để tới được tay người tiêu dùng, sản phẩm gia súc, gia cầm đang phải qua quá nhiều trung gian do hệ thống phân phối rời rạc, không có sàn giao dịch để người mua gặp người cần bán, qua đó, minh bạch mặt bằng giá. Đặc điểm của những trung gian là gom hàng, vận chuyển nhỏ lẻ. Với hình thức phân phối như hiện nay khó quản lý được chất lượng, giá cả, vấn đề ATVSTP. Cũng do nhỏ lẻ, bị phân khúc thành nhiều trung gian, nên giá bị đẩy lên cao và hao hụt cực lớn. Tất nhiên, những thiệt hại đó đều do người tiêu dùng và người sản xuất gánh chịu. Thương lái là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng nông sản, vấn đề là tổ chức ra sao để từ sản xuất tới tiêu dùng một cách ngắn nhất. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, cần hình thành các sàn giao dịch đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm chăn nuôi.

 

Xuân Minh

Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp
Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp

Chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam không phải là nghề truyền thống và cũng không có nhiều lợi thế cạnh tranh như nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật... ngành chăn nuôi bò sữa trong nước đang trên đà phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN