Tầm vóc mới của Thủ đô kháng chiến

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết, tập trung khai thác nguồn lực, phát huy tiềm năng, tranh thủ thuận lợi và khắc phục khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, do vậy hầu hết các mục tiêu đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Đến Tuyên Quang hôm nay, mọi người đều cảm nhận sự đổi thay rõ rệt.

Dấu ấn 5 năm

Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng. Tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, như: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca; dưới gốc đa Tân Trào lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng tiến về Hà Nội, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Một góc thành phố Tuyên Quang.

Trong kháng chiến chống Pháp, một lần nữa Tuyên Quang lại được Bác Hồ chọn làm căn cứ địa, Thủ đô kháng chiến của cả nước - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, 11/12 bộ và trên 60 cơ quan trung ương đặt trụ sở làm việc. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tổ chức tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - đây là đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước.

Với truyền thống lịch sử đáng tự hào đó, 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh Tuyên Quang đã thu được những kết quả to lớn, tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt trên 13,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và các ngành dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, gấp 2,3 lần so với năm 2005.

Điều đáng chú ý và được coi bước đột phá trong nhiệm kỳ qua đó là để thúc đẩy phát triển công nghiệp, lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp, do vậy đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 32 dự án công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư trên 11.800 tỷ đồng, trong đó có Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa - một trong những nhà máy lớn nhất nước, với tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 3.197 tỷ đồng, công suất 130.000 tấn/năm... Qua đó, giúp giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 21,2%/năm, đạt 2.262 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2005.

Cùng với phát triển công nghiệp, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nông thôn, do vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành một số vùng chuyên canh như: Chè 6.652 ha, mía 7.066 ha, lạc 5.420 ha...; bình quân giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng 8,1%/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra), an ninh lương thực được bảo đảm. Phong trào trồng rừng phát triển mạnh, từng bước nâng cao thu nhập của người trồng rừng. Theo thống kê, tổng diện tích trồng rừng tập trung giai đoạn 2006-2010 đạt 55.900 ha (vượt 22.900 ha so với Nghị quyết đề ra), nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 64,1% và đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước.

Xác định lấy giao thông làm đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư 7.440 tỷ đồng để phát triển mạng lưới giao thông; trong đó, mở mới, cải tạo, nâng cấp 426 km đường QL, tỉnh lộ; xây dựng 133 cầu; cải tạo trên 1.490 km đường giao thông nông thôn.

Về công tác phát triển đảng, tỉnh Tuyên Quang cũng có riêng Nghị quyết về phát triển đảng viên và “xóa” chi bộ sinh hoạt ghép. Do vậy, 5 năm trước, tỉnh còn 244 chi bộ, trong đó 159 chi bộ thôn, bản, tổ nhân dân và 85 chi bộ trường học phải sinh hoạt ghép, đến nay, đã “xóa” chi bộ sinh hoạt ghép, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được triển khai nghiêm túc, việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành việc thường xuyên, tự giác ở nhiều tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên.

Đến Tuyên Quang hôm nay, sự đổi thay nhìn thấy rõ. Chợ trung tâm các xã lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán. Ông Triệu Minh Cương, sinh năm 1924, dân tộc Dao, thôn Ao Búc, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, nguyên cán bộ lão thành cách mạng, nhận xét: Thời Pháp thuộc, Trung Yên và các xã khác trong tỉnh Tuyên Quang nghèo lắm, hơn 80% số hộ đói ăn, bây giờ cuộc sống người dân được cải thiện rất nhiều, trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường, người lớn đi làm được đi trên đường nhựa, người ốm đau được đến khám chữa bệnh ở trạm xá. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương (xã nằm ở "cửa ngõ" phía tây của an toàn khu (ATK), nơi có bến Bình Ca cách đây 63 năm trong chiến dịch thu đông năm 1947, Tiểu đoàn Bình Ca đã bắn chìm tàu chiến của giặc Pháp, đánh lui một trận đổ bộ của địch, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô và đảm bảo an toàn cho chiến khu Việt Bắc) không giấu được niềm vui. Ông Bình cho biết: 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, đời sống của đồng bào các dân tộc trong xã được cải thiện rất nhiều. Toàn xã hiện có 1.660 hộ, với 6.770 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Dao… Năm 2006, xã còn 323 hộ nghèo, thì đến năm 2010, số hộ nghèo giảm chỉ còn 140 hộ, chiếm 8,4%; 100% các thôn quy ước thực hiện nếp sống văn hóa, 70% số hộ gia đình có các công trình hợp vệ sinh. Điện lưới quốc gia đã về đến tất cả các thôn, bản trong xã, với tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện chiếm trên 90%. Hệ thống trường học nay đã đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông; sóng phát thanh, truyền hình địa phương được phủ rộng, nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tới được với người dân một cách nhanh nhất và hiệu quả cao.

Tập trung đột phá, khai thác tiềm năng

Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, tạo nền tảng cho phát triển nhanh hơn trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp còn chậm, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, công nghiệp và các ngành dịch vụ phát triển chưa mạnh. Chất lượng một số lĩnh vực văn hóa, xã hội còn thấp. Công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có mặt còn hạn chế; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa đáp ứng yêu cầu...

Trước ngày Đại hội Đảng, trao đổi với PV TTXVN, đồng chí Nguyễn Sáng Vang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XII tỉnh Tuyên Quang cho biết: Ðại hội tỉnh lần này, những yếu kém, khuyết điểm trên sẽ được đặt lên bàn nghị sự, phân tích rạch ròi, tìm ra nguyên nhân để sửa chữa cho bước đi tiếp theo. Về mục tiêu tổng quát, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Tuyên Quang lần thứ XV sẽ bàn và quyết định mục tiêu cụ thể đến năm 2015, đồng chí cho biết, đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phấn đấu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ; cải thiện rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; sớm đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển và phấn đấu thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Đồng chí Nguyễn Sáng Vang tự hào nhấn mạnh: Tinh thần cách mạng tháng Tám quật khởi luôn là mạch nguồn bất tận, thấm sâu vào ý chí, tình cảm mọi người dân Tuyên Quang. Sự nỗ lực và mỗi thành tựu của ngày hôm nay là sự tri ân, đền đáp, phát huy những gì mà lịch sử đã tạo cho Tuyên Quang. Toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quyết tâm phát huy cao độ truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của miền đất đã vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, Tỉnh Anh hùng.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN