Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Hướng đi đã rõ

Dự thảo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nằm trong “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh” đã xác định được những nội dung, định hướng, giải pháp tái cơ cấu DNNN. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đề án sẽ sớm được hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới.

 

Những trọng tâm của cải cách


Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), mục tiêu của đề án tái cơ cấu DNNN là góp phần thay đổi cơ chế quản lý và phân bố nguồn lực quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của từng DNNN nói riêng và khu vực DNNN nói chung. Việc tái cơ cấu là để các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước thực hiện tốt hơn vai trò và chức năng trong nền kinh tế, tương xứng với nguồn lực và nhiệm vụ được giao.


 

Vận chuyển mủ cao su sơ chế phục vụ xuất khẩu tại Nhà máy chế biến mủ cao su Long Hòa, Công ty TNHH một thành viên Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương). Ảnh : Đình Huệ – TTXVN

 

Thực hiện tái cơ cấu, các TĐ, TCT sẽ phải xây dựng, bổ sung sửa đổi chiến lược phát triển, các chỉ tiêu và đo lường kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược. Để các TĐ, TCT trở thành doanh nghiệp (DN) kinh doanh có hiệu quả và có năng lực cạnh tranh hàng đầu trong các ngành, lĩnh vực có liên quan, họ phải xác định rõ ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề hỗ trợ.


Đối với các ngành kinh doanh không liên quan, nhất là ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… thì các TĐ, TCT phải hoàn thành thoái vốn trước năm 2015. Đối với các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành, Bộ Tài chính cho biết, cơ chế thoái vốn sẽ được Bộ này hoàn chỉnh trong thời gian tới theo hướng bảo toàn vốn đầu tư cao nhất. Ví dụ, sau khi thoái vốn, khoản vốn còn lại sẽ được sử dụng có hiệu quả vào ngành nghề kinh doanh chính, giúp bảo toàn vốn. Nếu càng chậm thoái vốn thì lỗ càng lớn. Vì vậy, nên chấp nhận thoái vốn sớm để lỗ ít. Đây cũng được coi là phương án thoái vốn tối ưu nhất trong các phương án.


Để có cơ chế giám sát và đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của DNNN, Đề án phân chia và phân biệt DNNN thành 4 nhóm: nhóm cung cấp dịch vụ công ích, thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng; nhóm bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các loại dự trữ quốc gia; nhóm thực hiện các nhiệm vụ phát triển quốc gia trên các lĩnh vực, ngành nghề mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa làm được; nhóm các DN còn lại. Từng nhóm DN sẽ có cơ chế quản lý, giám sát riêng thông qua việc áp dụng các khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế.


Một trong các mục tiêu quan trọng khác của đề án là các DNNN phải công khai thông tin, bao gồm báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán; danh mục các dự án đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành; khoản vay hay cho vay lớn và thông tin về thị trường, dự báo về thị trường sản phẩm có liên quan, về những rủi ro thị trường có liên quan… Lãnh đạo TĐ, TCT cũng phải công khai về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và các vị trí quản lý đã nắm giữ.

 

Triển khai trong năm 2013


Với các nội dung xác định trong đề án tái cơ cấu DNNN, TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kỳ vọng, cải cách DNNN lần này là một sự nâng tầm mới về chất, một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt để tạo nền tảng, từ đó tái cơ cấu DNNN thực sự thay đổi về chất.


Ví dụ, từ trước đến nay, vấn đề minh bạch thông tin của DNNN là kém nhất, nay đề án đã coi đây là một trong những yếu tố cơ bản trong việc tái cơ cấu DNNN. Thông qua sự giám sát của thị trường (phát hiện, cảnh báo DNNN vượt rào), một mặt giúp các cơ quan chủ quản sớm có biện pháp chấn chỉnh, mặt khác sẽ tạo áp lực buộc DNNN phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ là quản trị và sử dụng vốn hiệu quả trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao.


Việc đầu tư ngoài ngành của DNNN đang bị coi là “lấn sân” của DN tư nhân thì đề án cũng đã xác định: DNNN sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ phát triển quốc gia trên các lĩnh vực, ngành nghề mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc chưa làm được.


Theo GS TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, những nội dung mà DNNN phải triển khai, sẽ góp phần khắc phục những bất cập trong các vấn đề như quản trị, tính minh bạch, hiệu quả sử dụng vốn, sự dàn trải ngành nghề… của DNNN. Trong tương lai, các vấn đề như đại diện sở hữu vốn, vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của DNNN là những nội dung sẽ tiếp tục cần được làm rõ để DNNN thực hiện tốt chức năng, vai trò trong nền kinh tế.


Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN