Tái cơ cấu đầu tư công để tăng trưởng bền vững

Với hệ số hiệu quả vốn đầu tư (ICOR) cho khu vực nhà nước giai đoạn 2000 - 2007 lên tới 7,8, cao hơn nhiều so với mức trung bình 5,2 của nền kinh tế, đầu tư công chẳng những chưa hoàn thành được vai trò “bà đỡ “ cho nền kinh tế mà còn trở thành “gánh nặng” khiến nợ công gia tăng và kéo theo một loạt hệ lụy khác như lạm phát, lãng phí. Vì vậy, cơ cấu lại đầu tư công là đòi hỏi cấp thiết để sử dụng hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng bền vững.

Hiệu quả đầu tư công thấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2000, Việt Nam theo đuổi mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư với tỷ lệ vốn/GDP bình quân cho cả giai đoạn 2001 - 2010 xấp xỉ 41% so với 30,7% giai đoạn 1991 - 2000, thuộc nước cao nhất khu vực Đông và Đông Nam Á. Xét về cơ cấu, khu vực Nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất trong đầu tư xã hội với 59,8% vào năm 2001 và 38% vào năm 2010.

Nguồn vốn đầu tư cho các dự án cần được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Mặc dù đầu tư công trong những năm qua đã làm thay đổi đáng kể kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước nhưng trên thực tế, lĩnh vực đầu tư này chưa mang lại hiệu quả tương xứng với lượng vốn đã bỏ ra.

Nghiên cứu thực nghiệm của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, chỉ số ICOR khu vực Nhà nước cao gấp đôi so với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Một ví dụ rõ nét là năm 2007, để tạo thêm một đồng GDP, khu vực kinh tế Nhà nước, trong đó có đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước phải mất tới 8,1 đồng vốn trong khi khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chỉ tốn 3,7 đồng vốn.

Nhìn nhận về những hạn chế trong đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, cơ chế về phân cấp quyết định đầu tư và phân bổ vốn theo hướng tăng quyền quyết định cho các cấp là chủ trương đúng nhưng thiếu các biện pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, việc thiếu kiểm tra, kiểm soát đã dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới tình trạng đầu tư bị phân tán, dàn trải, thời gian thi công công trình kéo dài gây lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính của Nhà nước.

Do cơ chế và lợi ích của địa phương, mỗi tỉnh đều muốn trở thành một thực thể kinh tế “hoàn chỉnh” nông - công nghiệp - dịch vụ, kèm theo là trường đại học, bến cảng, sân bay, khu kinh tế... mặc dầu không hội đủ điều kiện... nên việc đầu tư ở nhiều địa phương có tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, chính sách đầu tư chưa có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ đầu tư đổi mới chuyển giao công nghệ; cơ chế chính sách bảo lãnh Chính phủ vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp chưa hợp lý, làm ảnh hưởng đến nợ công dự phòng của Chính phủ tăng lên. Trong khi đó, cân đối vốn đầu tư trong cân đối thu chi ngân sách, chi phí đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội phải dựa phần lớn vào nguồn bội chi, là nguồn vốn vay của Chính phủ ở trong và ngoài nước để đầu tư.

Nâng cao vai trò “bà đỡ”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2012 - 2015 cho các dự án đã có trong danh mục được Quốc hội thông qua khoảng 500 nghìn tỷ đồng, nhưng nguồn vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu chỉ là 180 nghìn tỷ đồng nên mới đáp ứng được 36%.

Chính vì vậy, các nhà tài trợ quốc tế khi được tham vấn về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 đã tiếp tục khuyến nghị Việt Nam tái cơ cấu đầu tư công nhằm giúp ổn định kinh tế vĩ mô và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo ông Allaster Cox, Đại sứ Ôxtrâylia tại Việt Nam, Chính phủ cần đưa ra các kịch bản chính cho cơ sở hạ tầng quốc gia, không nên để các tỉnh vì muốn phát triển cơ sở hạ tầng cho riêng mình nên có thể làm các công trình đó phân tán và thiếu sự kết hợp.

Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tsuno Monotori khuyến nghị: Chính phủ cần đưa ra ưu tiên rõ ràng trong giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo. Ví dụ như phát triển cơ sở hạ tầng thì cần xác định đâu là dự án ưu tiên nhất.

Về định hướng tái cơ cấu đầu tư trong thời gian tới, trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay: “Để xác định được định hướng và cơ cấu đầu tư phù hợp với mô hình phát triển mới, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc quản lý đầu tư phát triển. Trong đó, đầu tư công tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư của các thành phần kinh tế khác, tạo sự lan tỏa, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng kinh tế phát triển với các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong điều kiện nhu cầu đầu tư quá lớn, nguồn lực có hạn, để đầu tư hiệu quả, ba nguyên tắc của Chỉ thị 1792 về “Tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành phải kiên định quyết liệt thực hiện gồm:
Thứ nhất, bố trí đầu tư không dàn trải. Theo đó, Chủ tịch UBND các địa phương, Bộ trưởng các bộ nếu quyết định đầu tư các dự án mà không cân đối xem nguồn lực, để gây ra dàn trải thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Thứ hai, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính “gác cửa” việc này. Trước khi quyết định các công trình đầu tư sử dụng vốn ngân sách, các địa phương phải báo cáo việc bố trí nguồn vốn cho công trình nhóm C để đảm bảo trong vòng 3 năm phải hoàn thành, nhóm B 5 năm phải hoàn thành. Nếu địa phương không bố trí được thì hai Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét xử lý.

Thứ ba, cần xây dựng một loạt các hình thức để huy động vốn. Đây là vấn đề rất quan trọng và cần nhiều công sức để có một hành lang pháp lý về các hình thức kêu gọi vốn đầu tư ngoài nhà nước từ chính sách đất đai, chính sách giá cho đến các hình thức đầu tư đảm bảo cho doanh nghiệp có thể có lãi, có thể thu hút vốn. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ có nguồn lực trong và ngoài nước đáp ứng được yêu cầu xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trong tương lai.

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN