Tái cấu trúc để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn

Hội thảo “Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Bộ Tài chính và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 31/5 đã tiếp nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế đóng góp ý kiến cho Đề án tái cấu trúc DNNN.

 

Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - ông Đặng Quyết Tiến cho biết: Tái cấu trúc không phải là hạn chế, làm giảm vai trò mà phải làm cho DNNN mạnh hơn, thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước.

 

Nêu cao vai trò quản lý giám sát


Hiện nay, hệ thống DNNN được mở rộng và phát triển, đổi mới, hoạt động theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản xuất, cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống DNNN vẫn còn những hạn chế như: hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực, một số tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) DNNN tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính, thua lỗ kéo dài... Điều này đã dẫn tới sự cần thiết phải tái cơ cấu DNNN.


Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: Tính đến hết tháng 4/2012 đã có 35 TĐ kinh tế, TCT nhà nước đã xây dựng và đang hoàn thiện Đề án tái cơ cấu DNNN trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành cho Đề án này, trong đó, 7 TĐ kinh tế, TCT NN trình Đề án cho Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ Tài chính, những vướng mắc thường gặp trong tái cơ cấu DNNN là việc sắp xếp lại ngành nghề kinh doanh chính; lộ trình thoái vốn các ngành không phải ngành nghề kinh doanh chính; quy trình tổ chức tái cơ cấu; các giải pháp tài chính trong từng DNNN còn chưa rõ ràng.


Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề nghị các TĐ, TCT trong quá trình hoàn thiện Đề án, cần làm rõ 4 vấn đề cốt yếu: Xác định rõ ngành nghề kinh doanh chính; phương án tái cơ cấu tài chính, trong đó trọng tâm là xác định về xử lý nợ, thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề chính; tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp.


Tại hội thảo, GS Đặng Văn Thanh nói: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của TĐ, TCT, cần phải có cơ chế tài chính, kế toán, đây là trách nhiệm ban hành của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó cần phải khôi phục hệ thống kiểm soát nội bộ TĐ, nội bộ doanh nghiệp. Hàng năm, người điều hành DNNN phải chịu sự kiểm toán của hệ thống kế toán nội bộ”.


Trong số những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra nhằm đổi mới cơ chế chính sách trong quá trình tái cơ cấu các DNNN, có đề cập tới việc ban hành Nghị định về quản trị DNNN; quy chế quản trị nội bộ và kiểm soát nội bộ; thực hiện phân cấp quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; quy chế của người đại diện chủ sở hữu vốn; quy định về vay nợ đầu tư của DNNN; thành lập Tổng cục quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp.


Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng: Cần có quan điểm rõ ràng trước khi hoạch định hệ thống giải pháp tổ chức tái cơ cấu DNNN. Hiện chưa có câu trả lời rõ ràng từ các cấp lãnh đạo, quản lý có thẩm quyền là sau tái cơ cấu, DNNN có còn giữ vai trò chủ đạo và có phải gánh trách nhiệm ổn định kinh tế vĩ mô nữa không; mô hình quản lý vốn tại tất cả các DNNN sau tái cơ cấu là gì...? “Chừng nào chưa có lời giải đáp đủ rõ ràng và hệ thống cho những câu hỏi trên, thì quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ còn lúng túng, nhất là khi việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đụng đến các TĐ, các TCT lớn...”, ông Tuyển cảnh báo.

 

Đẩy nhanh việc thoái vốn ở lĩnh vực đầu tư ngoài ngành


Để đẩy nhanh tái cấu trúc DNNN, Chính phủ đã yêu cầu các TĐ, TCT phải tiến hành thoái vốn ở những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, việc thoái vốn đang vẫn còn nhiều quan điểm không đồng nhất.


Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, Bộ Tài chính đặt ra yêu cầu các TĐ, TCT nhà nước phải có phương án thoái vốn theo hướng bảo toàn vốn đầu tư cao nhất. Nhưng, ông Hiếu cũng cho rằng, nên hiểu bảo toàn vốn theo nghĩa rộng. "Chẳng hạn một khoản đầu tư trước đây DNNN mua 10, nay bán 9, nhưng sau đó khoản vốn được thoái này sử dụng có hiệu quả vào ngành nghề kinh doanh chính, thì được coi là bảo toàn vốn", ông Hiếu nói.


Đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc thoái vốn mà có lãi so với thời điểm đầu tư là không dễ vì thực tế, trong nhiều trường hợp, DNNN đã đầu tư không hiệu quả. Có trường hợp càng chậm thoái vốn lỗ càng lớn, thì càng không thể bảo toàn được vốn. Bởi vậy, nếu phải chấp nhận thoái vốn sớm để lỗ ít thì vẫn khả dĩ hơn là thoái vốn chậm mà lỗ nhiều. Có quan điểm như vậy mới mở đường cho tái cơ cấu nhanh, hiệu quả DNNN.


Đại diện DNNN, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ: Thực tế các khoản đầu tư ngoài ngành nghề chính thuộc diện phải thoái vốn xong trước năm 2015 tại không ít DNNN, hiện có giá thị trường dưới giá trị sổ sách. Trong khi đó, nguyên tắc số một mà Bộ Tài chính đưa ra đối với việc thoái vốn là tối thiểu phải bảo toàn được đồng vốn đầu tư. Với bối cảnh kinh tế vĩ mô và các thị trường chứng khoán, bất động sản... còn nhiều khó khăn, thì rất khó để DNNN bảo toàn được vốn khi thoái vốn.


Theo ông Tri, nếu vì thoái vốn lỗ mà có thể bị truy tố, phạt tù, thì không một lãnh đạo DNNN nào dám đưa ra quyết định thoái vốn. Một khi vướng mắc này không sớm có lời giải, thì sẽ khó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN...


Minh Phương - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN