Siết chặt quản lý nhà thu nhập thấp

“Sau khi có thông tin rao bán lại nhà thu nhập thấp (NTNT) tại chung cư CT1 phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội, Sở Xây dựng và Phòng Cảnh sát điều tra (PC46) Công an TP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc.

Cơ quan điều tra đã gặp chủ của ngôi nhà bị rao bán, tuy nhiên chủ nhà khẳng định không có chuyện rao bán nhà của mình. Hiện nay PC46 đang tiếp tục điều tra đối tượng đăng tin bán NTNT trên mạng...”, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng phát triển nhà ở, Sở Xây dựng Hà Nội nói với báo Tin Tức sáng ngày 14/4.

Không sử dụng sẽ bị thu hồi

Theo ông Đạm, không phải đến khi có thông tin NTNT bị rao bán lại, các cơ quan chức năng mới quan tâm. Ngay từ khi dự án CT1 đang triển khai, Bộ Xây dựng và UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng có nhiệm vụ kịp thời ban hành các văn bản quy định về các tiêu chuẩn được mua NTNT và quản lý chặt chẽ quy trình này; Sở Công an theo dõi sát sao quá trình mua - bán NTNT giữa chủ đầu tư và các đối tượng được xét mua NTNT, không để xảy ra hiện tượng “cò” NTNT hoặc mua - bán kiếm chênh lệch.

Đối với Công ty CP Bê tông Xuân Mai (chủ đầu tư dự án NTNT CT1), Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo, CT1 là dự án NTNT thí điểm đầu tiên của cả nước nên sẽ được dư luận đặc biệt quan tâm. Do đó, chủ đầu tư không những phải hoàn thiện chung cư đúng tiến độ cam kết với chất lượng tốt mà còn phải thực hiện nghiêm quy trình xét cấp để bán đúng đối tượng là người thu nhập thấp.

Bốc thăm quyền được mua căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp tại Nhà CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Theo lãnh đạo Công ty CP Bê tông Xuân Mai, cuối tháng 4 công ty mới chính thức bàn giao nhà cho các đối tượng được mua. Từ đầu năm đến nay, mặc dù tòa nhà CT1 chưa hoàn thiện xong các công trình phụ trợ nhưng đã có khoảng hơn 10 hộ xin dọn về ở do khó khăn về chỗ ở. Ông Nguyễn Văn Đa, Phó GĐ Công ty CP Bê tông Xuân Mai khẳng định trước báo giới, người mua nhà tại dự án CT1 không được phép chuyển nhượng, cho mượn, cho thuê, kể cả đối tượng nhận chuyển nhượng hay thuê, mượn đó là đối tượng thu nhập thấp. Nếu đối tượng nào đã ký hợp đồng mua nhà với công ty nhưng nay không còn nhu cầu thì phải trả lại để công ty bố trí cho các đối tượng thu nhập thấp khác (theo quy định của Bộ Xây dựng và TP Hà Hội).
Ông Vũ Ngọc Đạm cho biết thêm, do nhu cầu về NTNT cao và cũng không loại trừ khả năng có hộ do khó khăn về tài chính nên có ý định bán lại (vì đa phần người thu nhập thấp phải vay mượn thêm mới mua được NTNT). Nhưng nếu bán lại NTNT là vi phạm các quy định số 34 của thành phố và sẽ bị thu hồi.

Tăng cường hậu kiểm

Từ vụ việc rao bán lại NTNT vừa xảy ra, ông Vũ Ngọc Đạm cũng cho biết, tới đây Sở Xây dựng sẽ ban hành các quy chế quản lý chung cư thuộc diện NTNT. Theo đó, chủ các hộ thu nhập thấp tại chung cư CT1 nói riêng và các chung cư NTNT sau này khi được xét mua nhà sẽ phải lưu ảnh vào hồ sơ. “Trong Quy chế Sở ban hành tới đây sẽ giao nhiệm vụ cho Ban quản lý chung cư quản lý việc NTNT có được sử dụng đúng đối tượng hay không. Trong trường hợp chủ hộ đứng tên nhưng cho người khác ở cũng sẽ bị thu hồi vì rõ ràng người mua nhà đã không có nhu cầu ở nữa”.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, do nhu cầu về nhà ở quá cao, đặc biệt là NTNT, do đó sẽ khó tránh khỏi việc các đối tượng đầu cơ tranh thủ trục lợi. Tuy nhiên, với cách “hậu quản lý” của Sở Xây dựng nêu trên (lưu ảnh vào hồ sơ và quản lý chặt việc đúng đối tượng mới được ở) sẽ ngăn chặn được tình trạng nhà đầu cơ nhòm ngó NTNT.

Đồng tình với cách hậu kiểm trên, nhưng GS Võ vẫn khẳng định, để công tác quản lý vừa đơn giản vừa hiệu quả thì Nhà nước chỉ cần quy định: “NTNT không được mua - bán trên thị trường tự do. Khi người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở, chỉ được bán lại cho Nhà nước hay chủ đầu tư để bán lại cho đối tượng thu nhập thấp khác, nhưng với giá đã khấu hao thời gian sử dụng. Chính sách này sẽ khiến mọi người không thể kỳ vọng gì vào việc kiếm lời từ NTNT, từ đó mới không nảy sinh tâm lý đầu cơ loại nhà này. Còn với quy định NTNT sau 10 năm sẽ được bán thì 10 năm tới đây, loại nhà này sẽ lại “nổi sóng”, bởi 10 hay 15 năm nữa chúng ta vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho NTNT. Ngoài ra, việc quy định NTNT không được bán còn tạo thuận lợi cho việc quy hoạch, cải tạo thành phố trong tương lai. Ví dụ như việc NTNT có thời hạn sử dụng 50 năm, khi bán là bán thời hạn sử dụng, hết thời hạn đó, Nhà nước không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng theo “giá thị trường”. Nếu không nghĩ xa hơn, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với bài toán cải tạo NTNT khó khăn như việc cải tạo lại các khu tập thể đã xuống cấp hiện nay”.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN