Sẽ sớm qui hoạch lại hệ thống phân phối

Kết luận tại buổi giao ban trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Những tháng tới, Bộ tiếp tục chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất, theo dõi sát biến động thị trường thế giới cũng như trong nước để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ sẽ điều chỉnh, qui hoạch lại hệ thống phân phối chung, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới cung ứng đến tay người tiêu dùng trên cả nước.
Một vấn đề được các doanh nghiệp đề cập nhiều tại cuộc họp giao ban là mặt hàng xăng dầu không còn "nóng" như trước nữa. Tại Tây Ninh, một tỉnh thường diễn ra tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới, thời gian qua, việc quản lý xăng dầu trên địa bàn tương đối ổn định, không có tình trạng ngưng nghỉ, bán nhỏ giọt xăng dầu.

Xăng dầu là một trong những mặt hàng ngành công thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá... Ảnh: Lê Phú


Bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng cho hay: Hiện nguồn cung xăng dầu khá dồi dào. Việc kinh doanh dầu diezen đang có lãi lớn nhưng thị phần Petrolimex lại bị thu hẹp. Kịch bản này đã lặp đi lặp lại nhiều năm.

Theo bà Huyền, Bộ Tài chính nên sử dụng công cụ điều hành bằng quỹ bình ổn với thời gian linh hoạt hơn, chứ không điều hành bằng thuế vì sợ độ trễ của thuế. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã gần ngang bằng với các nước láng giềng, nhưng nếu các nước này tiếp tục giảm giá thì có thể diễn ra tình trạng ngược lại, đó là xăng dầu từ nước ngoài chảy vào Việt Nam.

Tại buổi giao ban, Tổng công ty Thép Việt Nam đã đề xuất biện pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung giảm chi phí trực tiếp trong từng sản phẩm thép; tiết kiệm quản trị tài chính vì hiện tại nhà sản xuất sẽ gặp khó khăn khi phải trả lãi suất vay ngân hàng rất cao.
Tại TP Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại, các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do lãi suất và giá nguyên liệu đang tăng khiến các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Đại diện Sở Công Thương thành phố cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị điều hành bình ổn thị trường và đã triển khai các chương trình bình ổn đối với các mặt hàng thực phẩm, thuốc chữa bệnh, đồ dùng học sinh.


Bộ Công Thương dự báo, sản xuất vẫn còn gặp khó khăn trong tháng 6 và các tháng tiếp theo do độ trễ của chính sách và giá cả. Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ có liên quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp vay vốn dễ dàng; đặc biệt hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm xúc tiến hoạt động xuất khẩu.

Mặt khác, ngành công thương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn để góp phần bình ổn thị trường.

Uyên Hương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN