Sát cánh cùng doanh nghiệp

Từ năm 2012, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng thành công hình ảnh môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hiệu quả với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dẫn đầu trong bảng xếp hạng của vùng ĐBSCL. Để làm được điều này, ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: “Đồng hành cùng doanh nghiệp không phải là khẩu hiệu suông, mà là một chủ trương nhất quán, là sự cam kết của chính quyền vì sự phát triển của doanh nghiệp, sự phồn thịnh của địa phương”.

Tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học là một trong những dự án ưu tiên thu hút đầu tư nguồn vốn FDI của tỉnh Đồng Tháp.


Đồng Tháp là tỉnh có điểm xuất phát thấp về kinh tế do đặc thù là một tỉnh nông nghiệp và kèm theo đó là hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là giao thông. Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay, tỉnh hiện có 3.000 doanh nghiệp hoạt động trên khắp các lĩnh vực như: chế biến xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm, gia công và xuất khẩu hàng dệt may, sản xuất dược phẩm, kinh doanh xăng dầu... Hiện tại, tỉnh có 20 dự án FDI đầu tư với tổng vốn 90 triệu USD. Nếu so với một số tỉnh, thành phố, thì số dự án trên chưa phải là nhiều, nhưng đối với tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp như Đồng Tháp, thì đó là một nỗ lực rất lớn.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp chia sẻ: “Tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư mang tính đột phá. Các cơ quan quản lý đã minh bạch trong thủ tục đầu tư, thân thiện với doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng nhanh, hiệu quả”.

Theo ông Lê Minh Hoan, tinh thần sẵn sàng đón nhận những nhà đầu tư cũng là một yếu tố rất quan trọng. Điều này có nghĩa, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất, điều kiện hạ tầng. Chẳng hạn, khi tiếp nhận dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và xuất khẩu giày của Công ty TNHH Liên doanh Nghị Phong, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã có mặt bằng để nhà đầu tư khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 3 vừa qua.

Bên cạnh đó, để cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh đã liên kết xây dựng hai bến cảng Cao Lãnh và Sa Đéc bằng dịch vụ “taxi cảng”, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa tại Đồng Tháp. Ngoài ra, hệ thống các cơ quan hành chính của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Riêng UBND tỉnh Đồng Tháp đã được trao giải thưởng cơ quan nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất từ năm 2010.

Tỉnh Đồng Tháp cũng đã chuẩn bị đội ngũ lao động cho các nhà đầu tư bằng nhiều chương trình đào tạo nghề. Hằng năm đào tạo nghề dài hạn cho khoảng 21 ngàn lao động. Tỉnh hiện có trường ĐH Đồng Tháp, CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, CĐ Y tế Cộng đồng Đồng Tháp với số lượng bình quân hàng năm trên 15 ngàn sinh viên.

Tiếp tục khai thác lợi thế

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều quốc lộ đi qua địa bàn và đến nay toàn tỉnh có hơn 3.400 km đường giao thông bộ. Riêng hai nhánh sông Tiền và sông Hậu cũng góp phần làm hệ thống giao thông đường thủy của tỉnh trở thành một lợi thế. Hiện nay hệ thống tỉnh lộ đã được đầu tư sắp hoàn chỉnh. Trong thời gian tới hệ thống đường Hồ Chí Minh - N2, N1 và các dự án nâng cấp quốc lộ 30, 54 sẽ làm thay đổi hoàn toàn vị trí của tỉnh trong mối liên hệ với các đô thị lớn. Ngoài ra, việc hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhằm triển khai việc xuất khẩu hàng hóa bằng container ngay tại Đồng Tháp cũng là điệu kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Được biết, tỉnh Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp chung của cả nước. Đây sẽ là đề án khung, làm nền cho các tỉnh trong cả vùng ĐBSCL trong thời gian tới. Do vậy, định hướng của tỉnh Đồng Tháp đối với ngành nông nghiệp đến năm 2020 là phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, hiện đại hóa nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học. Việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao trên quy mô tập trung và từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng.

Theo đó, trong những dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, tỉnh Đồng Tháp đang mời gọi những dự án như: sản xuất thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp, sản xuất hoa kiểng xuất khẩu theo quy trình công nghệ cao, chăn nuôi gia cầm, heo theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học... bằng những cam kết về chính sách khuyến khích đầu tư. Tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục vận dụng thế mạnh là tỉnh có 12 đơn vị hành chính của tỉnh có đến 10 đơn vị thuộc danh mục địa bàn được ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục cam kết với mức thuế suất ưu đãi từ 10 - 20% trong thời gian từ 10 - 15 năm, sẽ được miễn từ 2 - 4 năm và giảm 50% cho các doanh nghiệp từ 4 - 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định khi thực hiện dự án đầu tư. “Với chủ trương chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã và sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết các thủ tục hành chính bằng cơ chế “một cửa”. Kịp thời lắng nghe và giải quyết trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, công khai, minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế” - ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Bài và ảnh: Đ.A
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN